Người đi bộ “bỏ quên” đèn tín hiệu dành riêng cho mình
Những năm vừa qua, không ít những vụ tai nạn giao thông xảy ra nguyên nhân là do người đi bộ sang đường không đúng quy định, sang đường bất cứ đâu và bất cứ khi nào, giữa dòng phương tiện hỗn hợp qua lại.
Dù có đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ trên phố Xuân Thủy (Cầu Giấy), nhiều người vẫn lựa chọn sang đường giữa dòng phương tiện đông đúc, bất chấp nguy hiểm.
Nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ khi qua đường, năm 2017, thành phố Hà Nội đã lắp đặt thí điểm các cụm đèn tín hiệu dành riêng cho người đi bộ sang đường ở những nơi không thể xây cầu vượt hay hầm đi bộ.
Một số tuyến đường trên địa bàn thành phố được lắp đặt như đường Xuân Thủy (đoạn qua trường Đại học Sư Phạm), ngã tư Kim Mã (Giang Văn Minh), nút giao Trần Quang Khải, ngã ba Hàng Trống (Lê Thái Tổ), trước cửa bưu điện thành phố...
Theo đó, một nút bấm được lắp đặt trên cột đèn tín hiệu, nơi đường có vạch kẻ trắng ưu tiên. Khi người đi bộ muốn qua đường, thực hiện thao tác bấm nút, sau một lúc, đèn tín hiệu giao thông sẽ chuyển sang màu đỏ yêu cầu các phương tiện dừng lại, đèn ưu tiên dành riêng cho người đi bộ sẽ chuyển màu xanh để người đi bộ qua đường an toàn.
Đi vào hoạt động đến nay đã khoảng 7 năm song những cụm đèn này dường như trở nên vô hình, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại những vị trí được lắp đặt đèn, hình ảnh người dân băng băng qua đường giữa dòng xe cộ vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Nguyên nhân được nhiều người đưa ra là do không ít lần bấm nút nhưng chờ rất lâu đèn dành cho người đi bộ mới chuyển xanh, thậm chí khi đèn chuyển xanh, đèn tín hiệu giao thông chuyển đỏ nhưng nhiều phương tiện vẫn vô tư di chuyển như không biết đến sự tồn tại của cột đèn tín hiệu giao thông.
Thậm chí, ở một số cột đèn như trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) có nhiều sinh viên phản ánh đã bấm nút xin đường nhiều lần nhưng không có tác dụng, đèn không chuyển xanh.
Bạn Huy Hoàng (sinh viên Đại học Sư Phạm Hà Nội) cho biết, thời gian đầu cột đèn tín hiệu dành cho người đi bộ được lắp đặt, Hoàng rất hào hứng vì không cần phải sợ mỗi lần sang đường để đến trường hoặc về nhà.
“Tuy nhiên, đèn ở đây thường trục trặc, ấn lúc được lúc không, có lần em bấm đèn chuyển màu nhưng các phương tiện không nhường đường", Hoàng kể.
Trong khi đó, trên tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, (quận Hoàn Kiếm) - nơi cũng lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ và là nơi tập trung đông khách du lịch, theo ghi nhận của PV, hệ thống đèn vẫn hoạt động bình thường, không hư hỏng song người dân lại “bỏ quên" và lựa chọn lối sang đường “vô tội vạ”.
Theo bà Tân (đã sống tại Hoàn Kiếm hơn 70 năm), mỗi lần sang đường bà đều ám ảnh vì dòng phương tiện đông đúc. Thường xuyên tập thể dục bên Hồ Gươm, mỗi lần sang đường bà đều bấm đèn xin nhường đường.
“Chờ rất lâu đèn mới chuyển màu nhưng khi đi được vài bước, nhiều hôm có chiếc xe máy phóng vụt qua khiến tôi giật thót mình. Người dân ở đây thường không để ý đến đèn tín hiệu dành cho người đi bộ, chỉ có người nước ngoài thường xuyên sử dụng, họ kiên nhẫn bấm và chờ đèn. Ý thức chấp hành giao thông của người dân vẫn rất kém", bà Tân chia sẻ thêm.
Cột đèn tín hiệu dành cho người đi bộ qua đường trên phố Đinh Tiên Hoàng cũng trở nên "vô hình", chủ yếu người nước ngoài có thói quen sử dụng, cho thấy ý thức tham gia giao thông của người dân vẫn còn hạn chế.
Làm gì để phát huy hết công năng?
Theo các chuyên gia giao thông, hệ thống đèn tín hiệu cho người đi bộ rất cần thiết đối với giao thông tại Việt Nam, giúp đảm bảo an toàn cho người dân mỗi khi sang đường.
TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, hiện nay, số lượng đèn tín hiệu dành cho người đi bộ không nhiều, chưa thực sự phổ biến tuy nhiên lại rất cần thiết.
Theo ông Tạo, thời gian tới cần nghiên cứu, lắp đặt bổ sung thêm các đèn tín hiệu ở những khu vực phù hợp, cũng như tăng cường tuyên truyền để người dân nắm được lợi ích, cách thức sử dụng đèn.
Bên cạnh đó, để đèn phát huy hiệu quả, cần cân nhắc đến việc cài đặt thời gian đèn chuyển xanh cho người đi đường, thời gian giữ đèn màu xanh phục vụ người đi bộ.
“Điều này cần tính toán tỉ mỉ để đảm bảo tổ chức giao thông hợp lý, tối ưu, đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác, không gây ùn tắc giao thông, không gây tai nạn giao thông và tránh gây ô nhiễm môi trường”, ông Tạo nhấn mạnh.
Trong khi đó, chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình cho rằng ý thức tham gia giao thông hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến cột đèn tín hiệu giao thông dành cho người đi bộ không thể phát huy hết công năng.
Theo ông Bình, việc chưa xử lý nghiêm các hành vi không nhường đường tại các vị trí có đèn tín hiệu dành cho người đi bộ khiến nhiều người không tuân thủ và không chấp hành hiệu lệnh đèn này.
“Cần xử lý nghiêm các hành vi này, bên cạnh bố trí lực lượng phạt trực tiếp tại từng điểm, có thể thông qua camera giám sát giao thông phạt nguội. Làm quyết liệt, triệt để sẽ góp phần răn đe, nâng cao ý thức người dân. Có như thế, người đi bộ mới mặn mà với việc sử dụng đèn tín hiệu dành riêng cho mình, nâng cao hiệu quả của hệ thống hạ tầng giao thông", ông Bình nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến việc kiểm tra, theo dõi, duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo đèn luôn hoạt động với trạng thái bình thường, tránh tình trạng bấm mãi không được, khiến người dân thất vọng, dẫn đến không muốn sử dụng.
“Đồng bộ hệ thống đèn tín hiệu thông minh cho người đi bộ sẽ nâng cao chất lượng giao thông, cải thiện độ an toàn, thuận lợi, mang hiệu quả chống ùn tắc tốt hơn. Đồng thời, cần thường xuyên giám sát khả năng hoạt động của đèn tín hiệu, phải có bộ máy theo dõi thông tin, sửa ngay khi đèn gặp vấn đề”, ông Tạo nói thêm.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, người đi bộ sang đường không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 60-100 nghìn đồng. Trường hợp người đi bộ sang đường không đúng quy định gây ra tai nạn giao thông hậu quả đặc biệt nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 7-15 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận