TP.HCM dự định làm đường ven sông Sài Gòn để kết nối với các tỉnh trong khu vực. Nếu triển khai được, đây sẽ là tuyến đường tuyệt đẹp, tạo thêm hành lang kết nối liên vùng.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết đang phối hợp cùng Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải các tỉnh thành để rà soát lại hướng tuyến, đảm bảo tính khả thi. Trước tiên, thống nhất quan điểm các tuyến đường ven sông sẽ bám theo bờ sông Sài Gòn.
Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, hiện trạng bờ sông Sài Gòn ở khu vực trung tâm thành phố đang bị chiếm dụng, xây dựng với mật độ dày đặc, vì vậy việc triển khai tuyến đường này không hề đơn giản.
Theo Quyết định ngày 18/4/2017 của UBND TP.HCM, chiều rộng hành lang bảo vệ trên bờ đối với sông Sài Gòn là 50m mỗi bên. Tuy nhiên, đi dọc bờ sông Sài Gòn, nhiều đoạn bị chiếm dụng hành lang làm nhà hàng, quán cà phê, công trình xây dựng, khiến người dân không thể tiếp cận bờ sông.
Đặc biệt, dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) san sát biệt thự lớn nhỏ. Các công trình nhà ở này đã "chia nhau" hành lang bảo vệ đường sông.
Sông Sài Gòn có chiều dài khoảng 80km, chảy dài qua nhiều quận, huyện, tạo nên hệ thống kênh, rạch chằng chịt. Sông Sài Gòn đang được tận dụng nhằm phát triển du lịch, giao thông đường thủy, kinh tế sông nước. Vừa qua, thành phố thống nhất định hướng quy hoạch ven sông Sài Gòn, tạo hành lang cảnh quan đô thị dọc hai bên bờ sông.
Tuy nhiên, tại khu vực bờ sông Sài Gòn thuộc các quận trung tâm TP.HCM, nhiều nhà hàng, quán ăn vươn ra sát mép bờ sông. Để được tận hưởng cảnh quan sông, người dân cần trở thành thực khách của nhà hàng.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực đường Bình Lợi ( quận Bình Thạnh), nhiều biệt thự mọc lên ngay mép sông, chiếm hết hành lang của sông.
Hiện tại, những hành lang gần như bị các nhà hàng, quán cà phê phủ kín.
Các quán cà phê tại khu vực này chủ yếu bao gồm công trình tạm, kê bàn, ghế, không tồn tại các công trình kiên cố.
Tương tự, tại khu "nhà giàu" Thảo Điền (TP Thủ Đức) cũng là điểm nóng của vấn đề lấn chiếm bờ sông Sài Gòn.
Holm Residences trong khu nhà giàu Thảo Điền là một trong những khu Biệt thự phức hợp khép kín. Dự án này đã dùng phần hành lang làm nội khu cho cư dân của dự án. Đây là dự án từng bị xử phạt vì vi phạm khoảng lùi sông Sài Gòn.
Sát mép bờ sông Sài Gòn, nhiều vị trí được tận dụng làm hồ bơi, sân chơi thể thao và nhiều công trình phụ khác.
Một đoạn bờ sông Sài Gòn được chủ đầu tư quây lại, xây dựng bến du thuyền riêng.
Theo Quyết định 150 của UBND TP.HCM về ban hành quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn, khu vực bờ sông thuộc phường Thảo Điền có hành lang bảo vệ sông là 50m.
Năm 2019, sở Xây dựng đã rà soát và ghi nhận 56 dự án phát triển nhà tiếp xúc sông Sài Gòn. Trong đó có 40 dự án hình thành trước khi Quyết định 150 có hiệu lực và 16 dự án hình thành sau thời điểm trên.
Đa số các công trình biệt thự gần sông đều xây kín cổng cao tường, "độc chiếm" bờ sông Sài Gòn làm của riêng. Phía sau những bức tường này là những sân tennis, sân bóng hoặc hồ bơi phục vụ nhu cầu của một số người.
Một trong những lối ra bờ sông hiếm hoi, nhưng cũng bị bao quanh bởi các công trình biệt thự, làm chắn tầm nhìn.
Tại khu vực trung tâm TP.HCM cũng bị vướng bởi công trình thể thao, trụ sở văn phòng của Công ty Cổ phần Him Lam. Công trình này án ngữ hơn 350m bờ sông Sài Gòn, đoạn qua phường 22 (quận Bình Thạnh).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận