Thị trường

Bộ Tài chính - Công thương đang giải trình loạt vấn đề nóng về xăng dầu

28/02/2023, 09:14

Sáng nay 28/2, 2 Bộ Tài chính - Công thương đang giải trình trước Quốc hội về loạt vấn đề “nóng” của thị thường xăng dầu và trách nhiệm quản lý.

Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, được tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cùng các lãnh đạo của Ủy ban Kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ xăng dầu cũng đã nhận được giấy mời tham dự phiên giải trình này. Các DN cũng đã đưa ra các vấn đề nóng cần hai Bộ trưởng giải trình rõ trước dấu hiệu những bất ổn của thị trường xăng dầu vừa qua.

img

Chiết khấu cho DN bán lẻ là vấn đề nóng của thị trường xăng dầu thời gian qua

Ai "ăn" chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ?

Theo các doanh nghệp, vấn đề chiết khấu của DN bán lẻ bị bóp nghẹt là nguồn cơn xảy ra những bất ổn của thị trường xăng dầu. Đó là nguyên nhân chính gây nên việc thua lỗ của DN, khiến họ không mặn mà kinh doanh, nhưng buộc phải bán trong mọi tình huống.

Chia sẻ với PV Báo Giao thông về mong muốn "hai bộ Tài chính - Công thương giải trình gì trong phiên sáng nay?", một DN bán lẻ lớn tại miền Nam thẳng thắn: Tôi muốn biết "ai "ăn" chiết khấu của DN bán lẻ".

Theo quy định, cơ cấu giá xăng dầu đã cố định ngưỡng chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON 95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5) và lợi nhuận định mức (300 đồng). Các DN đầu mối sẽ tính toán trong khoản này để thoả thuận mức chiết khấu cho các mắt xích trong hệ thống của mình. Điều này được hiểu, đã bao gồm chiết khấu cho DN bán lẻ.

Thực tế, từ năm 2021, khi thị trường nhiều biến động, các DN bán lẻ cho biết, họ chỉ nhận mức chiết khấu bằng "đồng con", chưa bao gồm chi phí vận chuyển, thậm chí bằng 0 đồng. Mỗi lít xăng dầu bán ra tuỳ thời điểm, DN bán lẻ phải chịu lỗ từ 250 đồng đến hơn 1.000 đồng.

Trong khi đó, những "ông lớn" xăng dầu đều báo lãi. Đơn cử, năm 2022, Petrolimex lãi gấp gần 7 lần kế hoạch. Với tổng doanh thu hợp nhất đạt 300.000 tỷ đồng, vượt 25% kế hoạch và 78% so với thực hiện năm 2021. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 2.068 tỷ đồng.

"Những con số trên cho thấy sự thiếu công bằng trong phân chia chiết khấu cho DN bán lẻ", một DN bán lẻ cho biết và kiến nghị: Cần hai bộ trả lời câu hỏi: "Cách nào để DN bán lẻ đàm phán chiết khấu, khi thực tế DN đầu mối không cho chiết khấu thì họ vẫn phải duy trì mở bán hàng?".

"Bất cập hiện nay là DN bán lẻ đang ở đáy của chuỗi cung ứng nhưng không được hưởng quyền lợi. Sự sống còn của DN bán lẻ xăng dầu phụ thuộc hoàn toàn vào sự "rộng lượng" của các tầng nấc phía trên là đầu mối và thương nhân phân phối", một DN khác nhấn mạnh.

Còn nhiều vấn đề cần làm rõ

Không chỉ là vấn đề chiết khấu, để đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu bền vững còn có nhiều vấn đề cần làm rõ. Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cho biết, đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Công thương chất vấn xung quanh các vấn đề này.

Theo vị này, để gỡ mối bòng bong cho thị trường xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý cần nhìn thẳng vào thực tế của thị trường, cũng như phải bảo đảm rằng sẽ không có "lợi ích nhóm" trong xây dựng văn bản pháp luật, trả lại sự công bằng trong khâu phân phối xăng dầu hiện nay.

img

Nhiều cây xăng phải đóng cửa ở một số thời điểm do thua lỗ, gây áp lực cho những cây xăng khác

Trong văn bản gửi Chính phủ góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu cách đây ít ngày, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ quan quản lý nên cân nhắc đầy đủ và khắc phục triệt để những tồn tại trong quản lý, điều hành xăng dầu hiện nay, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu như trong thời gian qua.

Ông Tây cũng cho biết, những bất ổn thời gian vừa qua cho thấy, quy định DN bán lẻ chỉ được lấy hàng từ 1 đầu mối đã không còn phù hợp. Song, với kiến nghị để họ được lấy nhiều nguồn như thương nhân phân phối lại không nhận được đồng thuận do lo ngại "chất lượng sản phẩm".

"Ví dụ, cùng là 1 loại xăng RON 95 (đều theo tiêu chuẩn Việt Nam), tại sao không được đổ chung vào 1 bồn? (thực tế, DN bán lẻ lấy hàng qua thương nhân phân phối, thương nhân này lấy hàng từ nhiều nguồn và được phép đổ chung bồn). Vậy, việc chỉ ký mua hàng từ một đầu mối, hoặc thương nhân phân phối có phải làm triệt tiêu sự cạnh tranh và làm khó khâu bán lẻ hay không", ông Đặng Hoài Phương, giám đốc DN xăng dầu Phương Nam (Lâm Đồng) gửi câu hỏi chất vấn hai bộ.

Nhiều DN kinh doanh xăng dầu cũng mong muốn hai Bộ làm rõ thời gian điều hành giá xăng dầu, trước thực tế, những bất ổn thường xảy ra khi lùi kỳ điều hành do trùng ngày nghỉ lễ...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.