Xã hội

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: “Giáo viên lương thấp là do yếu tố lịch sử”

13/06/2015, 19:05

“Những vấn đề liên quan đến lương thấp của nhà giáo, nhất là các nhà giáo mầm non là do yếu tố lịch sử”.

anh 3_0385
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước Quốc hội

Đó là giải trình của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi trả lời chất vấn của ĐBQH về tình trạng các giáo viên lương thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Giáo viên có lương thấp là do lịch sử để lại

ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc một bộ phận nhà giáo có thu nhập từ lương còn thấp, những đối tượng này chủ yếu là giáo viên mầm non và các giáo viên hợp đồng lao động với huyện hoặc trường nên đời sống gặp nhiều khó khăn, phải làm thêm các công việc khác để đảm bảo cuộc sống.

“Bộ giáo dục và đào tạo có giải pháp gì về vấn đề này” – ĐB nêu câu hỏi.

Giải đáp băn khoăn đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng những vấn đề liên quan đến lương thấp của các nhà giáo, nhất là các nhà giáo mầm non, có yếu tố lịch sử, quá trình từ những năm 90 trở về trước, các cô giáo mức lương rất thấp, mức đóng bảo hiểm lúc đó cũng rất thấp, theo quy định tính toán của chúng ta thì mức hưởng rất ít.

“Về việc này, sau khi thấy được vấn đề Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định, giải quyết mức lương bảo hiểm cho các cô giáo là ngang bằng mức lương tối thiểu, và có chính sách phụ cấp cho các cô giáo mầm non. Chúng tôi đang có văn bản báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài chính sách đó, vì chính sách cũng sắp hết hiệu lực để mà hỗ trợ phụ cấp cho các cô giáo, nhất là cô giáo mầm non có lương thấp, có thu nhập thấp. Còn việc giải quyết căn cơ việc này, phải chờ vào hệ thống thang bảng lương tính toán mới” – Bộ trưởng Luận nhấn mạnh.

images306242_3a_RRAN
Các ĐBQH cho rằng mức lương hiện nay của giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non còn thấp, không đủ đảm bảo cuộc sống

Không để việc đánh giá học sinh thành “hình thức”

ĐB Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) bày tỏ lo ngại về việc càng ngày càng có thêm hiện tượng học sinh đánh nhau, thậm chí đánh giáo viên được tung clip lên mạng làm xã hội bức xúc, lo ngại.

“Xin Bộ trưởng đánh giá thực trạng việc dạy và đánh giá giáo dục công dân, xếp loại đạo đức trong nhà trường. Giải pháp của ngành để nâng cao chất lượng giáo dục công dân, xếp loại đạo đức cho học sinh trong nhà trường trong thời gian tới” – ĐB chất vấn Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

Bộ trưởng Luận lý giải, việc giảng dạy, học tập, đánh giá kết quả học tập của các cháu, hiện nay chúng ta đang chủ yếu chú trọng đánh giá về kết quả văn hóa, các cháu ở lớp học dưới, kết quả văn hóa nó ít môn học, chưa phân hóa, như vậy kết quả xếp hạng cao, lên trên phải là khá, giỏi mới được xếp hạnh kiểm tốt, nếu không không thể có hạnh kiểm tốt.

Thứ hai, do việc chúng ta dạy các môn liên quan đến đạo đức và đánh giá hoạt động của các cháu trong nhà trường chú trọng nhiều đến văn hóa, nên việc đánh giá hạnh kiểm cũng lệch về phía bên này, nên có những cái chưa hoàn toàn phù hợp. Từ đó, trong chương trình dự kiến đổi mới sắp tới thì việc đánh giá, xếp hạng đạo đức, kết quả học tập của các cháu sẽ có thay đổi để khuyến khích các cháu rèn luyện, tu dưỡng, có đạo đức tốt.

Trong khi đó, Phùng Thị Thanh (Bắc Kạn)chất vấn: “Việc đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét, phần nào đã làm giảm áp lực cho học sinh, nhưng do công tác quản lý của chúng ta chưa đổi mới kịp, nên còn gây áp lực lớn cho giáo viên. Vậy, có thể dẫn tới đánh giá còn hình thức không? Nếu có Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?”

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho hay, trên thực tế cũng đã nói đến việc các cô sáng kiến làm mặt cười, mặt mếu, những vấn đề này chúng ta chấn chỉnh để đi đến thực chất và biến quyển sổ giáo viên thành quyển sổ nhật ký của cô giáo ghi nhớ, không biến nó thành hình thức để đối phó với hiệu trưởng, đối phó với phòng, đối phó với bộ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.