Tài chính

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư giao thông thúc đẩy tăng trưởng

08/02/2024, 07:00

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn song tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam vẫn đạt top cao của thế giới.

Trao đổi với Báo Giao thông, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những điểm sáng, góp phần quan trọng vào kết quả nói trên.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư giao thông thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: H.C.

Thích ứng với tình hình mới

- Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05% - thấp hơn mục tiêu đặt ra là 6,5%. Ông đánh giá gì về mức tăng trưởng này?

Từ đầu năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến khó lường hơn so với dự báo. Các quốc gia, kể cả các nền kinh tế lớn đều rất khó khăn. Việt Nam là nước đang phát triển, có độ mở lớn, nền kinh tế, sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, doanh nghiệp… cũng vì thế bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong bối cảnh đó, nước ta vẫn tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, thu ngân sách Nhà nước... được bảo đảm.

Năm 2023, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã giữ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB trong tháng 6, nâng lên mức BB+ trong tháng 12, triển vọng "Ổn định", trong khi hạ tín nhiệm của một số nền kinh tế lớn.

Tăng trưởng kinh tế cả năm mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng có sự cải thiện tích cực qua từng quý và là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới và khu vực. Đơn cử, Malaysia dự báo tăng 4%, Philippines 4%, Thái Lan 2,7%, Indonesia 3,5 - 4%, Trung Quốc 5%...

- Theo ông, những yếu tố nào khiến chúng ta đạt được kết quả như ông vừa đề cập?

Các yếu tố nền tảng về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… được cải thiện tương đối rõ nét.

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong năm chúng ta đã hoàn thành 475km đường cao tốc, nâng tổng số kilomet đường cao tốc của cả nước lên 1.892km. Điều đó không chỉ tạo ra tính liên kết vùng, tạo thuận lợi cho hoạt động giao thương, đi lại, giảm chi phí logistics mà còn tạo tiền đề tăng trưởng, phát triển kinh tế ở những địa phương, vùng miền mà đường cao tốc đi qua.

Có thể nói, chúng ta đã ứng phó, thích ứng hiệu quả, khá thành công với bối cảnh, tình hình mới, được các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư giao thông thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 2.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư giao thông thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 3.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư giao thông thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 4.

Năm 2023, Việt Nam hoàn thành thêm 475km đường cao tốc và triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng. Ảnh: Chí Hùng.

- Ông vừa nhắc tới việc hoàn thành và đưa vào khai thác gần 500km cao tốc trong năm 2023, điều đó có ý nghĩa thế nào đối với phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy tăng trưởng?

Điểm sáng thời gian qua là chúng ta đã cơ cấu lại đầu tư công, tập trung nguồn lực vào các công trình lớn, dự án giao thông trọng điểm, nhất là đường cao tốc.

Trong giai đoạn 2016 - 2020 cũng như khi xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn lực tập trung cho ngành giao thông (riêng vốn ngân sách Trung ương bố trí cho ngành giao thông chiếm khoảng 53,4% tổng chi đầu tư). Trong đó Bộ GTVT được bố trí gần 300.000 tỷ đồng, cao nhất trong tất cả các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Từ việc đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 và nhiều tuyến cao tốc khác, dự án nhà ga sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất... cho tới việc đưa vào khai thác hàng trăm kilomet cao tốc.

Điều này không chỉ giúp giải ngân đầu tư công đạt tỷ lệ cao mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng.

Sẵn sàng đón "đại bàng" đến xây tổ

- Đầu tư nước ngoài luôn là động lực quan trọng của tăng trưởng. Việt Nam cần làm gì để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút "đại bàng" đến xây tổ, thưa ông?

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn rất quan tâm, đồng hành, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, chủ động mời gọi các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực ưu tiên.

Khi hệ thống cao tốc hoàn thiện, các địa phương có cao tốc đi qua chắc chắn sẽ phát triển nhanh chóng. Nhìn xa hơn, khi hệ thống cao tốc Bắc - Nam và các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành sẽ tạo ra một mạng lưới giao thông, đường cao tốc khép kín, từ đó nâng cao tính liên kết vùng của cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Ngoài ra, việc khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia và tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023 cũng tạo hiệu ứng cho các nhà đầu tư công nghệ đến đầu tư tại Việt Nam.

Bộ KH&ĐT cũng thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại giữa Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu, xây dựng các kế hoạch, giải pháp mang tính đột phá để góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng, an toàn và hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư giao thông thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 5.

Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA, ông Jensen Huang thăm Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia ở Hòa Lạc, Hà Nội. Ảnh: NIC.

- Ông đánh giá triển vọng, tiềm năng của lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?

Nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Synopsys, Qualcomm, Infineon, Amkor…

Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023; đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.

Vừa qua, Quốc hội cũng đã ra nghị quyết, giao Chính phủ xây dựng nghị định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn, dự kiến ban hành vào giữa năm 2024.

Bộ KH&ĐT khai trương Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã ký hợp tác với hai tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Sypnosyps và Cadence; phối hợp với hơn 30 trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong nước và quốc tế để triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực.

Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư trong ngành bán dẫn. Tương lai không xa, Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu.

Tranh thủ mọi cơ hội để tăng trưởng

- Ông có dự báo gì về tình hình năm 2024, liệu đà phục hồi có diễn ra mạnh mẽ hơn năm 2023?

Kinh tế toàn cầu chưa phục hồi ổn định, các thị trường xuất khẩu, đối tác lớn tiếp tục bị thu hẹp, đơn hàng xuất khẩu giảm…

Ở trong nước, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư...

Các vấn đề nội tại của nền kinh tế như năng lực sản xuất, thị trường, sự phụ thuộc vào khu vực đầu tư nước ngoài, thị trường xuất khẩu... chưa thể cải thiện trong một sớm, một chiều.

Trong khi đó, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp trong nước hiện rất khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, tình trạng cán bộ có biểu hiện e ngại, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến chậm trễ trong giải quyết công việc cũng là một trở ngại.

Do đó, cần có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn, tạo thành tác động cộng hưởng, phát huy tối đa hiệu quả các chính sách, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; tranh thủ mọi cơ hội để phục hồi tăng trưởng.

Cám ơn ông!

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Đầu tư giao thông thúc đẩy tăng trưởng- Ảnh 6.

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.