Xã hội

Bộ trưởng Công an: “Không thể ngăn chặn, cản trở Internet"

13/11/2017, 18:09

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho rằng không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, Internet.

IMG_0117

Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an

Chiều 13/11, các ĐBQH thảo luận tại tổ về dự án Luật An ninh mạng và dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Bộ được phân công chủ trì soạn thảo hai dự luật trình Quốc hội và đã rất thận trọng trong thực hiện. Dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước và Luật An ninh mạng rất quan trọng, là đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước và thực hiện hiến pháp năm 2013, liên quan đến quyền tự do dân chủ của nhân dân. Theo Bộ trưởng Công an, đây cũng là vấn đề rất khó, không chỉ với Việt Nam mà với thế giới.

Đưa vào bí mật hết thì lấy gì để minh bạch

Đề cập đến Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Bộ trưởng cho rằng đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến lợi ích quốc gia. Theo Bộ trưởng, có những vấn đề ngày hôm nay có thể là bí mật quốc gia nhưng ngày mai không phải vì nó đã được xử lý. “Quan trọng là mọi người dân đều hiểu ranh giới đó để vận dụng vào thực tiễn, tránh trường hợp không biết đâu là bí mật để bảo vệ, cái gì là cái đã vi phạm luật để phải xử lý”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông cho rằng Việt Nam đang trong quá trình công khai, minh bạch, mọi người dân phải được biết, được làm chủ, tiếp cận thông tin. Vì vậy phải làm sao hài hoà, đưa ra thông tin nhà nước phục vụ sự phát triển và phục vụ cuộc sống người dân, hoạt động của nhà nước phải được nhân dân giám sát.

“Nếu tất cả đưa vào bí mật Nhà nước hết thì không có tác dụng gì để minh bạch thông tin, quản lý và huy động được sự đóng góp của người dân đối với quản lý xã hội”, Bộ trưởng nói.

Không ứng dụng tiến bộ thì rất lạc hậu

Đối với dự thảo Luật An ninh mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đầu tiên, cơ quan soạn thảo xác định đây là vấn đề an ninh phi truyền thống. Vấn đề này hiện nhận được sự quan tâm của quốc tế, các diễn đàn song phương, đa phương và các tổ chức quốc té. Vấn đề an ninh mạng không quốc gia nào trên thế giới không phải xử lý. Nếu chỉ một quốc gia cũng không thể giải quyết được mà đòi hỏi có sự đoàn kết thống nhất giữa các quốc gia.

“Hùng mạnh như nước Mỹ, kỹ thuật công nghệ như nước Mỹ, nhưng cũng phải khởi đầu về những vấn đề hợp tác vấn đề an ninh mạng. Nhiều nước khác cũng như vậy, chúng ta cũng tương tự”, Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo ông, vấn đề an ninh mạng đã đi vào mọi mặt của đời sống xã hội và phải đảm bảo kể cả bí mật đời tư của người dân tham gia hoạt động trên không gian mạng chứ không phải chỉ an ninh chung của quốc gia.

“Mạng internet làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào nhiều mặt. Không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì. Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ đó thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chúng ta vào “cuộc chơi chung” thì bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu không làm chủ.

Nhấn mạnh quan điểm rõ ràng chúng ta cần ứng dụng của internet nhiều hơn nữa và nước ta còn nhiều tiềm năng, Bộ trưởng Bộ Công an dẫn chứng đang phát triển Chính phủ điện tử, thời cách mạng công nghiệp 4.0 thì phải ứng dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, internet. Tuy vậy, phát triển phải song hành với đảm bảo an ninh an toàn.

Theo Bộ trưởng Công an, lực lượng an ninh mạng không một cơ quan nào có thể đứng ra đảm bảo được mà phải toàn xã hội đóng góp vào. Luật này ra đời để huy động toàn xã hội hiểu được thế nào là an ninh mạng, hiểu được thế nào là nguy cơ và thấy trách nhiệm của mình làm gì để đảm bảo được an ninh mạng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.