Chiều 4/6, Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp tục trả lời ý kiến chất vấn của 6 đại biểu và tranh luận của 4 đại biểu khác.
Trước đó, vào cuối giờ sáng, đại biểu Mai sỹ Diến (Thanh Hoá) đã giơ biển xin tranh luận. Cụ thể, theo ông Diến, việc xử lý đối tượng hoạt động xã hội đen rất rõ hành vi, rất dễ xử lý.
“Vấn đề tôi quan tâm là việc cấu kết của cán bộ công chức, cán bộ ngành công an. Vậy ai là người chỉ đạo? Bộ công an cần có chuyên án xử lý đối tượng này”, ĐB đặt câu hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: "Quan điểm chung của Bộ công an là kiên quyết xử lý sai phạm trong nội bộ, không bao che, không có vùng cấm. Thực tế Bộ công an đã xử lý nhiều trường hợp. Bộ công an cũng có nhiều quy định, kiểm tra, giám sát, luân chuyển địa bàn đồng thời lắng nghe ý kiến nhân dân để phòng ngừa vi phạm. Chúng tôi sẽ chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ làm việc trực tiếp với đại biểu".
Đề cập đến tình trạng "mãi lộ" của CSGT, ĐB Trương Trọng Nghĩa muốn hỏi Bộ Công an có giải pháp gì để cải thiện hình ảnh CSGT trong mắt người dân. Trả lời, Bộ trưởng tô Lâm cho biết, Bộ sẽ xử lý kịp thời nghiêm minh cán bộ chiến sĩ vi phạm và cán bộ liên đới, có thể xử lý hình sự, tước quân tịch, đưa ra khỏi lực lượng. "Thời gian tới, sẽ tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật để CSGT ít phải tiếp xúc người vi phạm", Bộ trưởng cho biết.
Kết thúc phần chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội cho biết có 47 ĐB đặt câu hỏi chất vấn, 11 ĐB tranh luận lại. "Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, đưa ra được những giải pháp rõ ràng để khắc phục những yếu kém tồn tại", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề cập tội phạm xâm hại trẻ em, phụ nữ gia tăng, điển hình như vụ sàm sỡ cô gái trong thang máy ở Hà Nội chỉ phạt 200 nghìn đồng. “Mức phạt này có đủ sức răn đe không? Nếu không, Bộ trưởng làm gì để hạn chế tình trạng này?”, bà Khánh chất vấn.
Trả lời câu hỏi của ĐB Khánh, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết đồng tình với quan điểm của ĐB và thời gian tới sẽ đề xuất sửa đổi Nghị định 167 quy định về xử phạt vi phạm hành chính cho phủ hợp, đủ mức răn đe.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến tranh luận với Bộ trưởng Tô Lâm về việc Luật thi hành án hình sự sửa đổi không bổ sung quyền phạm nhân mời luật sư tư vấn pháp luật. Tại sao không quy định khi thực tế có nhu cầu?”, ông Chiến hỏi.
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay, tất cả các nội dung này đều đã được quy định rất rõ trong Luật tố tụng hình sự, Luật Luật sư.
Tham gia trả lời chất vấn của các ĐBQH, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trực tiếp trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Anh Trí về quyết tâm của Chính phủ trong việc ngăn chặn gian lận thi cử và câu hỏi của ĐB Phạm Trọng Nhân về quan điểm của cá nhân Phó Thủ tướng trong việc xử lý hành vi uống rượu bia vẫn lái xe.
Liên quan vấn đề gian lận thi cử, Phó Thủ tướng cho biết, ngay khi xảy ra gian lận thi cử, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công an khẩn trương kiểm tra, xác minh nếu có vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Hiện Bộ Công an đang tiếp tục điều tra để xử lý các vi phạm.
Trong phiên họp Chính phủ vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đảm bảo sự trung thực, khách quan, tạo niềm tin cho phụ huynh học sinh cả nước. Đồng thời đề ra một số biện pháp chấn chỉnh đảm bảo thi cử khách quan, nghiêm chỉnh.
"Giải pháp căn cơ là làm thế nào để nhận thức chung của xã hội được nâng lên, mọi công dân nói chung và cán bộ đảng viên nói riêng sống có trách nhiệm, tuân thủ các quy định của pháp luật, biết tôn trọng cá giá trị đạo đức xã hội, không làm mất đi cơ hội của người khác", Phó Thủ tướng cho biết.
Về vấn đề đã uống rượu bia thì không lái xe, Phó Thủ tướng khẳng định cả xã hội đều đã nhận thức được sự nguy hiểm của thực trạng này. "Việc uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông gây ra những vụ tai nạn hết sức đau thương. Chỉ một chút quá chén, ra đường điều khiển phương tiện giao thông có thể gây hậu quả hết sức đau lòng. Chúng ta đã có nhiều luật để điều chỉnh nhưng vẫn chưa đủ răn đe. Tới đây, Chính phủ sẽ sửa đổi bổ sung Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt rất nặng", Phó Thủ tướng cho biết.
Một lần nữa nhắc lại việc Quốc hội xin ý kiến các đại biểu về nội dung "đã uống rượu bia không lái xe" để đưa vào dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Quốc hội xin ý kiến là để tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý chứ không phải xin ý kiến để thông qua luật. Còn hiện ở trong các luật khác đã có đầy đủ quy định để xử lý hành vi uống rượu bia vẫn lái xe. "Chúng ta phải nhận thức rõ như vậy để tuyên truyền giải thích cho đúng, không để dư luận hiểu nhầm", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận