Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký văn bản số 3822, gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao.
Theo đó, Bộ trưởng Công thương đánh giá, các biện pháp điều hành bình ổn giá xăng dầu trong nước vừa qua chỉ hạn chế được mức tăng của mặt hàng này trước biên độ biến động quá lớn từ giá thế giới.
So với cuối năm ngoái, bình quân mỗi lít xăng, dầu các loại đã tăng 26,73-67,96%, trong khi giá thế giới tăng 44,3-91,47%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vẫn đang ở mức cao, ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát và sản xuất, đời sống của người dân. Nhất là người dân có thu nhập thấp, ngư dân đánh bắt thuỷ, hải sản bị ảnh hưởng, buộc phải thu hẹp sản xuất, kinh doanh và chi tiêu hàng ngày.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
Do đó, với đề xuất hỗ trợ 6 tháng lương tối thiếu vùng cho ngư dân ngừng họat động, từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Công thương cho rằng, nên bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.
"Việc hỗ trợ này bằng tiền từ ngân sách Nhà nước để bù vào phần giá xăng dầu tăng so với đầu năm 2022, giúp họ khôi phục sản xuất, vươn khơi bám biển. Thời gian hỗ trợ từ khi ban hành chính sách tới hết năm nay", Bộ Công thương đề xuất.
Với người thu nhập thấp, bộ này đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cùng Bộ Tài chính nghiên cứu, có chính sách an sinh xã hội hỗ trợ, nhằm giảm bớt khó khăn cho đời sống người dân trong bối cảnh lạm phát tăng cao.
Trao đổi với Báo Giao thông, Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh nhất trí với kiến nghị trên.
Theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, việc hỗ trợ cho ngư dân ngừng hoạt động là vô nghĩa. Việc hỗ trợ giá xăng cho thuyền đang hoạt động sẽ thúc đẩy hoạt động của ngư dân đang “nghỉ”.
“Mỗi một tàu đều có công suất mã lực, thời gian hoạt động trên biển đều dựa vào công suất này và địa phương họ đều quản lý được. Do đó, hỗ trợ thông qua giá xăng dầu cho chuyến đi biển là hợp lý”, ông Thịnh nói.
Còn mức hỗ trợ bao nhiêu, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các nhà quản lý phải tính, phải cân đối ngân sách, lấy từ nguồn nào….sau đó mới khảo sát thực tế hoạt động của ngư dân để đưa ra chính sách hợp lý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận