Ngày 24/4, Bộ Công thương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa các đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn và Dự thảo Nghị định về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu.
2 phương thức "qua lưới điện" và "không qua lưới điện"
Ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, với dự thảo DPPA, Bộ đề xuất 2 phương thức, đó là mua bán qua đường dây riêng (không qua lưới điện) và qua lưới điện quốc gia.
Nếu mua bán điện qua đường dây riêng, sẽ không hạn chế loại hình phát điện và khách hàng tham gia. Tuy nhiên, phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch, đầu tư, quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực; quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, vận hành (phát điện, truyền tải điện, phân phối điện) và an toàn trong sử dụng điện; quy định về bán điện và hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan...
Còn mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, điều kiện tham gia là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) có công suất từ 10MW trở lên và khách hàng sử dụng điện lớn đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên, có sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh.
Với dự thảo Nghị định về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, dự thảo xây dựng nhằm mục đích tiêu dùng tại chỗ, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.
Loại hình này, nếu không nối với lưới điện quốc gia sẽ được sản xuất không giới hạn công suất. Còn nối lưới thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền phát hoặc không phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia. Thế nhưng, đơn vị điện lực sẽ ghi nhận sản lượng điện với giá 0 đồng và không được thanh toán.
Điểm đáng lưu ý, khi muốn lắp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo cả 2 loại hình, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đều phải đăng ký với Sở Công thương địa phương. Và tổng công suất nguồn điện theo hình thức nối lưới không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).
Cần sớm ban hành các cơ chế chính sách
Góp ý về 2 dự thảo trên của Bộ Công thương, phần lớn các hiệp hội, doanh nghiệp cho rằng, dự thảo đã có nhiều sự đổi mới, tuy nhiên thời gian chuẩn bị còn chậm, nên cần sớm ban hành để không làm "trễ" nhịp đầu tư của doanh nghiệp. Ngoài ra, họ cũng muốn được làm rõ hơn nhiều khái niệm.
Với dự thảo DPPA, bà Suji Kang, đại diện Hiệp hội Năng lượng sạch châu Á bày tỏ, dự thảo DPPA có ý nghĩa rất lớn đến doanh nghiệp trong bối cảnh yêu cầu sản xuất xanh ngày càng khắt khe. Do vậy, họ mong muốn phải rõ ràng các mốc thời gian thực hiện DPPA, cũng như quy trình tiếp nhận hồ sơ (gửi hồ sơ về đâu, thời gian bao lâu sau khi ký hợp đồng…).
"Việc này để doanh nghiệp chủ động được thời gian nhằm xây dựng các kế hoạch hợp lý", bà Suji Kang nói.
Tương tự, bà Miro Nguyễn, đại diện Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) cũng khẳng định, việc thực hiện DPPA sẽ góp phần giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài khi các "ông lớn" quốc tế đang hướng đến cam kết dùng 100% năng lượng tái tạo trong tương lai.
Do vậy, bà Miro Nguyễn mong muốn Việt Nam cũng thực hiện DPPA theo cách tốt nhất mà toàn cầu đang áp dụng, đó là mua bán điện qua lưới điện quốc gia và trả phí cho EVN ở khâu truyền tải, phân phối.
"Mô hình này mang lại sự ổn định, đơn giản về cấu trúc và quy mô… để cho dự án năng lượng tái tạo phát triển hiệu quả", bà Miro Nguyễn nhận định.
Đây cũng là quan của đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham). Theo bà Atina Holgersen – thành viên ban lãnh đạo EuroCham, dự thảo thiếu định nghĩa mô hình không nối lưới và cho rằng "không nên thúc ép các bên mua bán điện đầu tư thêm hệ thống - đường dây truyền tải".
Đại diện EuroCham cũng đưa ra nhiều băn khoăn về dự thảo điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Bà băn khoăn về con số tổng công suất nối lưới giới hạn ngưỡng 2.600MW đến năm 2030 được phân bổ đến từng địa phương. "Vậy, thực hiện ra sao? Chẳng hạn ai đăng ký trước thì được thực hiện trước, hay như thế nào?", bà Atina Holgersen đặt vấn đề và đề nghị hướng dẫn rõ, cũng như cần làm rõ đề xuất ảnh hưởng của đề xuất "phát triển không giới hạn tự sản tự tiêu không nối lưới".
Tại hội nghị, cũng có ý kiến mong muốn được tính toán giá mua điện để nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu có thể bán lượng điện dư thừa cho EVN…
"Điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu nếu được bán điện sẽ vỡ quy hoạch"
Trước những kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nếu đã cho phát lên lưới điện quốc gia, lại cho bán điện giống như DPPA, thì sẽ dẫn đến trạng thái trục lợi chính sách.
"Vì phát triển điện mặt trời mái nhà không cần điều chỉnh bởi luật quy hoạch, càng không bị điều chỉnh bởi những tiêu chí khắt khe của luật điện lực", ông Diên nói và khẳng định: "đã được hưởng cơ chế ưu đãi, còn đòi bán điện thì sẽ xảy ra tình huống đổ vỡ quy hoạch điện của quốc gia và làm nát hệ thống lưới điện, làm mất an toàn".
Ông Diên một lần nữa nhấn mạnh, điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu lắp đặt bao nhiêu thì dùng bấy nhiêu, dùng ko hết thì lưu trữ lại để lúc khác dùng. Còn nếu phát lên lưới thì phải là giá 0 đồng.
"Mua 0 đồng mới hạn chế được lòng tham của con người, hạn chế được tình huống trục lợi chính sách", lãnh đạo Bộ Công thương nhắc lại.
Đại diện Heineken đặt vấn đề, Heineken có 6 nhà máy, diện tích mái nhà xưởng lớn, họ không thể tự đầu tư tấm pin và vận hành nó, mà muốn thuê đơn vị thứ 3 lắp đặt và mua lại điện, thì liệu có được không?, Bộ trưởng Diên nói thẳng "đã là áp mái là không mua bán, không giao dịch. Nếu cho cơ chế như vậy sẽ bị trái quy định. Bài học đắt giá quy hoạch điện VII và VII điều chỉnh vẫn còn đó, chúng ta không lường trước được.
Còn về các kiến nghị về cơ chế DPPA, ông Diên mong muốn các doanh nghiệp, hiệp hội nhìn nhận thực tế cơ chế này chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên sẽ cần thận trọng từ thí điểm. Trong tương lai khi có kinh nghiệm sẽ lại tiếp tục đưa ra cơ chế mới khi có đánh giá cụ thể.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận