Tại buổi họp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Trần Đình Nhân đã nêu lên nhiều vấn đề “nóng” cần tháo gỡ. Trong đó, có vấn đề tăng giá điện, trong bối cảnh EVN đang lỗ nặng, có thể không cân đối được dòng tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện, ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của các nhà máy điện.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên
Liên quan đến việc xây dựng các phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo EVN tuân thủ quy trình tại Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Theo Quyết định 24, giá bán lẻ điện bình quân tăng 3-5%, EVN được quyền quyết định điều chỉnh. Mức biến động giá bán lẻ điện bình quân 5-10%, thẩm quyền quyết định thuộc Bộ Công thương và trên 10% Thủ tướng quyết định điều chỉnh giá bán lẻ bình quân.
Tuy nhiên, Tư lệnh ngành Công thương cũng lưu ý: Việc điều chỉnh giá điện cần phải được tính toán, đánh giá, cân nhắc đầy đủ tác động đến lạm phát, đời sống người dân và điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và đúng quy định.
Bộ trưởng Công thương cũng yêu cầu EVN chủ động đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; cơ chế giá điện, thị trường điện tại Luật Điện lực; cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA để đảm bảo giá điện phản ánh đầy đủ yếu tố thị trường, tạo môi trường bình đẳng giữa các bên trong hoạt động điện lực.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02, áp dụng khung giá bán lẻ điện bình quân (chưa gồm thuế VAT) tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; và giá tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. Tức, khung giá tối thiểu tăng 220 đồng, giá tối đa tăng 538 đồng một kWh so với mức khung cũ được quy định tại Quyết định 34/2017.
Khung này cùng với kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện 2022 sẽ là cơ sở để Bộ Công thương ra quyết định về giá bán lẻ điện bình quân sẽ áp dụng năm nay.
Bộ Công thương cũng đã đề nghị EVN tập trung nguồn lực, hoàn thành quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh (SXKD) điện 2022, báo cáo tài chính của công ty mẹ tập đoàn và các đơn vị thành viên. Mặt khác, phải làm việc với các đơn vị kiểm toán độc lập có uy tín kiểm toán báo cáo theo đúng quy định.
Trên cơ sở quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính năm 2022 của công ty mẹ và các đơn vị thành viên, bước tiếp theo Bộ Công thương sẽ công bố công khai kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2022.
Đây cũng là căn cứ để Bộ Công thương hoàn thành tính toán phương án giá bán lẻ điện bình quân năm 2023, báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định.
EVN cho biết, ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng.
Năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến lên đến 64.941 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng.
Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận