Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 1/11 |
Vừa qua, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, ĐB Nguyễn Văn Cảnh - Bình Định đã kiến nghị việc điều chỉnh giờ học, giờ làm. Cùng với đó, ông Cảnh đưa ra nhiều phân tích để thuyết phục cho kiến nghị của mình.
Cụ thể, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị với khung giờ làm việc bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 17h, thời gian nghỉ trưa kéo dài một giờ, riêng khối sản xuất, doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị.
Phân tích tác dụng của việc thay đổi thời gian làm việc và nghỉ trưa, ông Cảnh cho rằng lợi ích trước tiên là về giao thông, sẽ tránh được tình trạng ùn tắc giao thông đang là vấn nạn. Tiếp đó, có lợi ích về sức khoẻ người lao động và hiệu quả công việc.
Theo ông Cảnh, nếu làm việc sớm thì không tránh khỏi việc cá nhân công chức sử dụng giờ làm việc của cơ quan để giải quyết việc riêng của mình, dù là ngồi ở quán nước hay ngồi ở cơ quan. Nếu làm việc muộn thì nhu cầu giao lưu bạn bè, giải quyết công việc cá nhân sẽ được giải quyết trước giờ làm việc. Như vậy thời gian làm việc ở cơ quan sẽ được cá nhân công chức thực hiện tốt, hiệu quả hơn.
Trao đổi thêm quan điểm về vấn đề này bên hành lang Quốc hội chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng cần phải đánh giá, xem tác động cụ thể của việc này như thế nào. Ví dụ tác động về mặt xã hội như thế nào, giao thông thế nào, hiệu quả công việc thế nào.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, với các đối tượng lao động thuộc khối hành chính hay nhóm người lao động trực tiếp lại khác nhau nên cần có nghiên cứu kỹ. "Cũng là lao động đấy nhưng thời điểm lao động khác nhau, ví dụ khối sản xuất kinh doanh thủy sản chẳng hạn, nếu kéo dài thời gian làm việc quá thì không cho phép. Do đó, nếu sửa đổi Luật lao động thì cũng phải sửa theo hướng quy định khung, còn cụ thể những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Theo ông, giờ lao động ngày phải đánh giá cụ thể chứ không tự nhiên chúng ta nghĩ ra nên thay đổi thế này, nên thay đổi thế kia. Việc nghiên cứu phải bài bản, khoa học và đánh giá tác động cả về kinh tế - xã hội và yếu tố tác động đến năng suất lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, sắp tới, Bộ chắc chắn khảo sát một số đề án lớn trong đó có vấn đề về làm thêm giờ, điều chỉnh giờ giấc, lương cơ bản…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận