Xã hội

Bộ trưởng Công thương giải trình việc xử lý 12 dự án thua lỗ

01/11/2017, 13:18

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh giải trình trước Quốc hội việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ.

bo-truong-cong-thuong

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.

Đề cập đến thách thức của chất lượng tăng trưởng, ĐB Nguyễn Hữu Toàn – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách chỉ ra các vấn đề như nợ công cao, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh của nền kinh tế hạn chế, cân đối tài chính khó khăn. Từ đó, đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính, kịp thời rà soát các dự án giải ngân chậm, không để tới cuối năm rồi lại dồn vốn sang năm sau.

Về công tác cán bộ, ĐB Hoàng Đức Thắng đồng tình với đề xuất của Uỷ ban Trung ương MTTQ VN về việc phải có cuộc tổng điều tra, rà soát công tác bổ nhiệm cán bộ trên toàn quốc. Qua đó để làm rõ các tiêu cực trong lĩnh vực này, nhất là tình trạng bổ nhiệm người thân, người nhà không đúng quy định.

Với những vấn đề của ngành công thương, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh được yêu cầu giải trình làm rõ thêm các vấn đề ĐBQH nêu.

Giải trình về việc xử lý 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ đang đắp chiếu của ngành Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định các công việc liên quan đang đi đúng tiến trình.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong năm 2016 – 2017, Chính phủ đã lập ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ với mục tiêu đến năm 2017 hoàn tất việc chuẩn bị xử lý; năm 2018 tập trung giải quyết căn bản các dự án và đến năm 2020 sẽ giải quyết triệt để.

“Việc xử lý các dự án này phức tạp vì qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau. Chúng tôi phải đánh giá đồng bộ những tồn tại, nguyên nhân để có hướng giải quyết. Quan trọng là từ việc xử lý những dự án này, rút kinh nghiệm để không phát sinh dự án thua lỗ mới”, Bộ trưởng công thương nhấn mạnh.

Liên quan đến thực trạng buôn lậu đang diễn ra tinh vi, phổ biến, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thẳng thắn thừa nhận: “Đúng là có thực trạng nhờn pháp luật, lợi ích cao trong buôn lậu nên các hành vi buôn lậu tổ chức tinh vi, có hệ thống và không giới hạn trong phạm vi một địa phương như trước”.

Người đứng đầu ngành công thương cũng nhận định có sự đứt khúc trong điều hành, quản lý giữa các cơ quan kiểm tra liên ngành như công an, quản lý thị trường... khiến hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu yếu. 

Để giải quyết, hạn chế được những bất cập này, Bộ trưởng Công thương cam kết thời gian tới, cùng với các cơ quan chức năng, Bộ sẽ tăng cường đấu tranh chống buôn lậu quy mô lớn; nâng cao trình độ của lực lượng quản lý thị trường...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.