Tăng cường phạt nguội vi phạm giao thông
Tại phiên thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, 6 tháng đầu năm, tình hình trật tự ATGT trên toàn quốc diễn biến tương đối là tốt nhờ Nghị định 100 của Chính phủ và Nghị định 10 của Chính phủ về vận tải ô tô đã được ban hành kịp thời và sự đồng tình của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương.
Trong 5 tháng vừa qua, số vụ TNGT trên toàn quốc đã giảm khoảng 18,45%, số người chết giảm gần 15%, số người bị thương giảm hơn 24%.
“Đây là kết quả hết sức tích cực, tuy nhiên để tình hình TNGT trong thời gian sắp tới được tốt hơn, chúng tôi đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương tăng cường xử lý phạt nguội, bởi vì Nghị định 100 và Nghị định 10 của Chính phủ cho phép phạt nguội”, Bộ trưởng đề nghị và gợi ý, với những hành vi lấn chiếm hành lang lộ giới, chiếm vỉa hè hoặc là đậu đỗ không đúng quy định, hoàn toàn có thể sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera để xử phạt.
Đã giải ngân gần 12.000 tỉ các dự án trọng điểm ngành giao thông
Liên quan đến tình hình giải ngân các dự án trọng điểm của ngành giao thông, Bộ trưởng Thể cho biết, năm 2020, Bộ GTVT được giao 37.500 tỉ, đến ngày 30/5 đã giải ngân gần 12.000 tỉ, đạt tỉ lệ là 30,8%, cao hơn cùng kỳ hơn 10% và cũng cao hơn bình quân cả nước. Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, năm 2020, tình hình xây dựng cơ bản của Bộ GTVT sẽ có chuyển biến tốt và cam kết với Chính phủ sẽ cố gắng tập trung để giải ngân tốt nhất.
Riêng với dự án trọng điểm quốc gia đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đến thời điểm này,đã được bố trí vốn là gần 17.000 tỉ. Trong đó năm 2018, đã giải ngân 134 tỉ liên quan đến lập dự án và hồ sơ thiết kế; năm 2019, giải ngân gần 7.000 tỉ và năm 2020, được bố trí tổng cộng là hơn 8.000 tỉ. Đến thời điểm này, hai dự án thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã giải ngân là 2.700 tỉ, chiếm 27% trên tổng vốn năm 2020.
Bộ trưởng cam kết, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng cũng như đẩy nhanh tiến độ ba dự án đang triển khai và cố gắng giải ngân hết vốn trong năm nay. Tuy nhiên, với 3 dự án mà hiện nay Quốc hội đang xem xét, sau khi Quốc hội có chủ trương và chuyển qua đầu tư công thì chắc chắn là ngành giao thông sẽ cần thêm khoảng 5.000 tỉ để Bộ triển khai toàn bộ các dự án, các gói thầu và cho tạm ứng.
Về dự án sân bay quốc tế Long Thành, đến thời điểm này đã bố trí vốn hơn 17.000 tỉ và đến ngày 30/5 đã giải ngân hơn 1.200 tỷ, chiếm khoảng 7,2% trên tổng vốn đã được bố trí. Tỉnh Đồng Nai cũng đã cam kết quyết tâm là sẽ hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 1.810 ha trong năm nay.
Phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cũng thông tin về kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông các vùng miền.
Theo đó, với đồng bằng sông Cửu Long, Bộ đang tập trung cùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ưu tiên cho hai đường vành đai 3, vành đai 4 kết nối với các tỉnh. Về trục dọc, tập trung cho đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau, đường N2 từ Củ Chi xuống Kiên Giang. Đồng thời, nâng cấp QL1 hiện nay để đảm bảo lưu thông tốt và QL60, trong đó có cầu Rạch Miễu, cầu Cao Lãnh.
Riêng các trục ngang của đồng bằng sông Cửu Long, có 4 cái dự án Bộ GTVT đang nghiên cứu là: QL62, QL30, trong đó kết nối Đồng Tháp với Trà Vinh, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ và Sóc Trăng đi song song với QL91 và cao tốc từ Kiên Giang qua Bạc Liêu. “Tất cả các dự án này hiện đang chuẩn bị đầu tư và sẽ báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội để xem xét”, Bộ trưởng cho biết.
Về khu vực Đông Nam bộ, Bộ GTVT tập trung cùng với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vào đẩy nhanh tiến độ cao tốc song song với QL22 nối TP Hồ Chí Minh với Tây Ninh, đường cao tốc nối Biên Hòa với Vũng Tàu và một số dự án trọng điểm như QL20, đặc biệt là những công trình kết nối với sân bay quốc tế Long Thành. Tất cả những dự án này đã được triển khai nghiên cứu và sắp tới cũng sẽ trình Quốc hội, Chính phủ để xem xét.
Riêng khu vực miền Trung và Tây nguyên, ngoài 651 km hiện nay đang nghiên cứu, đấu thầu, Bộ GTVT cùng Bộ Kế hoạch đầu tư sẽ tham mưu Chính phủ và Quốc hội triển khai thêm 700 km còn lại, để kết nối từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh, như vậy sẽ có một tuyến đường cao tốc khoảng 1.700 km.
Ngoài ra, cũng nghiên cứu và sẽ triển khai một số dự án kết nối với Tây Nguyên, trong đó hiện dự án đang có vốn là QL24, QL20 và QL19.
Theo Bộ trưởng, khu vực Hà Nội sẽ tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để xây dựng đường vành đai 4, vành đai 5 của thành phố kết hợp với nhiều tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ. Về khu vực phía đông của thành phố, sẽ tập trung hoàn thành cao tốc Hà Nội - Hữu Nghị - Chi Lăng, Vân Đồn - Móng Cái, Đồng Đăng - Trà Lĩnh và đặc biệt là đường ven biển của khu vực đồng bằng Bắc bộ đang triển khai.
Về khu vực phía Tây Bắc, sẽ nghiên cứu cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và nghiên cứu 3 dự án dọc theo biên giới đó là QL279, QL37 và QL4.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận