Sớm rà soát để cấp thêm mỏ mới
Sáng 30/1, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với tỉnh An Giang về việc cung cấp nguồn vật liệu cát cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, An Giang là một trong ba địa phương phải ưu tiên bố trí nguồn cát cho dự án cao tốc nói trên.
Cụ thể, An Giang được giao chỉ tiêu 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3), Đồng Tháp 7 triệu m3 (năm 2023 là 3,3 triệu m3) và Vĩnh Long 5 triệu m3 (năm 2023 là 2,5 triệu m3).
Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau là dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoàn chỉnh hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, do thiếu cát đắp nền nên dự án đã chậm tiến độ 6 tháng so với kế hoạch. Do vậy, Bộ GTVT sẵn sàng hỗ trợ để tỉnh An Giang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cấp 5 mỏ cát đã giao để nhà thầu trực tiếp khai thác.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh An Giang sớm rà soát thêm các mỏ để cấp mới. Với những mỏ đang khai thác thương mại còn trữ lượng hoặc các mỏ đã đóng còn có thể khai thác, đề nghị tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn thiện thủ tục để có thêm nguồn cung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo đúng quy định và không ảnh hưởng đến đời sống người dân trong quá trình thực hiện", Bộ trưởng nói và chỉ đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu được giao mỏ cát chủ động phối hợp với sở ngành của tỉnh đánh giá kỹ tác động môi trường để có hướng đề xuất phù hợp cho việc nâng công suất khai thác, sớm đưa cát về công trường.
Còn thiếu 1 triệu m3 cát theo chỉ tiêu
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (chủ đầu tư) cho biết, đến nay tỉnh An Giang xác định được nguồn cung khoảng 6 triệu m3.
Trong đó, tỉnh đã hoàn thiện thủ tục để khai thác hơn 1,5 triệu m3 từ các mỏ hiện hữu đang khai thác và đang hoàn thiện thủ tục 5 mỏ với trữ lượng dự kiến 4,4 triệu m3.
Giữa tháng 1, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ đăng ký bản xác nhận khu vực, công suất, khối lượng, kế hoạch bảo vệ môi trường. Dự kiến UBND tỉnh phê duyệt trong tháng 1/2024 và tổ chức khai thác từ tháng 2/2024.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tỉnh mới chỉ xác định được nguồn cung khoảng 6 triệu m3, còn thiếu 1 triệu m3 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Công suất được phép khai thác của 5 mỏ mới cũng rất hạn chế bởi theo hồ sơ Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình tỉnh phê duyệt, hầu hết các mỏ phải kéo dài sang năm 2025 mới khai thác hết trữ lượng.
"Nếu chia theo ngày thì bình quân khoảng 2.000m3/mỏ/ngày, tương đương 10.000m3/ngày/5 mỏ. Nếu tính cả khối lượng đang lấy từ dự án chỉnh trị dòng chảy sông Vàm Nao thì được khoảng 14.000m3/ngày.
Trường hợp cho phép khai thác tối đa công suất các thiết bị, phương tiện khai thác hiện có của các mỏ, có thể được khoảng 18.000 - 20.000m3/5 mỏ/ngày.
Cộng thêm các mỏ ở Đồng Tháp và Vĩnh Long thì khối lượng tối đa khai thác chỉ đạt 34.000m3/ngày, trong khi nhu cầu của dự án khoảng 55.000 - 60.000m3/ngày", ông Thi cho biết thêm.
Do vậy, để đáp ứng mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2025, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đề nghị UBND tỉnh An Giang cấp bản xác nhận đối với 5 mỏ đã trình hồ sơ làm cơ sở để các nhà thầu thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí ngay trong tháng 1 và tổ chức khai thác từ tháng 2.
Đồng thời, sớm bố trí bổ sung phần khối lượng còn thiếu (1 triệu m3), hỗ trợ hoàn thành thủ tục và đưa vào khai thác từ tháng 3/2024.
Chủ đầu tư mong muốn tỉnh xem xét bố trí thêm một số mỏ cát cho dự án như khu vực quy hoạch trên sông Hậu thuộc các phường Mỹ Phước, Mỹ Quý, thành phố Long Xuyên và xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới (khoảng 200ha).
Khu mỏ trên sông Hậu thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú và xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới với diện tích khu 1 khoảng 84ha và khu 2 khoảng 36ha, hoặc các mỏ cát khác trên địa bàn tỉnh An Giang.
Về mỏ đá và mỏ đất đắp, đơn vị này kiến nghị tăng 50% công suất đối với với các mỏ đang khai thác trên địa bàn tỉnh và toàn bộ phần tăng công suất cung cấp cho dự án.
Sớm hoàn thành thủ tục theo quy định
Ông Lê Văn Nưng, Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang cho biết, trước đây, An Giang đủ điều kiện để cung cấp nguồn cát để thực hiện dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Tuy nhiên thời gian qua, nguồn cát khan hiếm do lượng phù sa bồi đắp từ thượng nguồn sông Mê Kông ngày càng ít. Chưa kể tại khu vực đang triển khai đồng loạt nhiều dự án khác.
Về kiến nghị của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận liên quan đến việc nâng công suất khai thác cát và đá, tỉnh sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp chuyên gia đánh giá kỹ tác động môi trường để có hướng giải quyết phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm, trong ba địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao cấp cát đắp nền đường thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, An Giang là tỉnh tiên phong thực hiện.
Tuy nhiên đến nay, các mỏ cát được tỉnh cấp cho nhà thầu vẫn chưa khai thác được vì vướng thủ tục. Do vậy, tỉnh cần chủ động bàn giao cho các nhà thầu để cát sớm được khai thác đưa về công trường, đáp ứng tiến độ thi công dự án.
Tại các cuộc làm việc, Bộ trưởng đề nghị các địa phương sớm tháo gỡ khó khăn, khẩn trương hoàn tất thủ tục đưa các mỏ vào khai thác, đảm bảo tiến độ dự án.
Cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có chiều dài hơn 110km, được chia thành hai dự án thành phần gồm dự án đoạn Cần Thơ - Hậu Giang, có chiều dài hơn 37km, tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km, tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận