Nên bố trí ngân sách cho dự án thành nhiều đợt
Sáng nay (2/11), tại phiên thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề cập đến các điểm nổi bật trong xây dựng cơ bản trong thời gian qua và tình hình một số dự án của ngành GTVT.
Đánh giá chung về tình hình thực hiện các dự án xây dựng cơ bản, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, 5 năm qua, thực hiện Luật Đầu tư công có tiến bộ lớn, công tác xây dựng cơ bản đang có chiều hướng tốt; không có nhiều dự án đầu tư dàn trải, đặc biệt không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; các dự án được xem xét tiêu chí đầu tư mới tạo đột phá.
“Nhiệm kỳ tới, công tác xây dựng cơ bản cũng sẽ bám theo chủ trương này, tránh đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản gây khó khăn cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Lấy ví dụ từ dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, Bộ trưởng GTVT đề xuất một số điểm cần rút kinh nghiệm để công tác xây dựng cơ bản ngày tốt hơn. Cụ thể, dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông được bố trí 55.000 tỷ đồng ngay từ ban đầu, trong khi phải triển khai nhiều thủ tục như đấu thầu lựa chọn tư vấn, sau đó tư vấn nghiên cứu lập hồ sơ dự án và phê duyệt dự án, có những dự án phải Chính phủ phê duyệt. Sau khi phê duyệt phải đấu thầu tư vấn thiết kế. Chúng ta ghi số lượng vốn lớn nhưng triển khai rất khó.
"Năm 2020, Bộ GTVT được giao kế hoạch vốn gần 40 nghìn tỷ đồng, đến hết tháng 10 đã giải ngân hơn 29 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 73%. Bộ GTVT sẽ điều hành quyết liệt để đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và các nguồn vốn khác. Hiện Bộ GTVT được đánh giá giải ngân tốt nhất và có nhiều cải tiến trong điều hành xây dựng cơ bản", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
"Trong Luật đầu tư công sửa đổi có tiến bộ mới đó là có khoản kinh phí để chuẩn bị đầu tư trước khi dự án được ghi danh mục, qua đó giảm được khâu xin chủ trương đầu tư, giảm được 8 tháng - 1 năm tùy theo dự án", Bộ trưởng Thể phân tích.
Để giải quyết căn cơ vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Quốc hội nên bố trí ngân sách làm nhiều đợt.
“Ví dụ đợt thứ nhất là chuẩn bị đầu tư, nguồn kinh phí nhỏ khoảng 2% đối với dự án trọng điểm quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội xem xét. Sau đó, Quốc hội biểu quyết lần thứ 2 là kinh phí giải phóng mặt bằng, khoảng 5-10% tùy theo dự án. Sau khi có mặt bằng thì bố trí vốn cho xây lắp, chiếm khoảng 85-90%", Bộ trưởng GTVT nói và nhấn mạnh, nếu chia làm 3 đợt sẽ giảm áp lực cho các đơn vị xây dựng cơ bản và đúng theo trình tự.
"Sắp tới, Luật Đầu tư công sửa đổi hay các quy định liên quan đến xây dựng cơ bản nên sửa theo hình thức này và báo cáo Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề xuất.
Năm 2025 hoàn thành giai đoạn 1 sân bay Long Thành
Đối với ngành GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, nhiệm kỳ này cả nước có 2 dự án trọng điểm quốc gia, đều thuộc ngành GTVT.
Thứ nhất, là dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Tháng 11/2017, Bộ GTVT trình Quốc hội chủ trương đầu tư, cuối năm 2016 và gần hết năm 2017 làm công tác chuẩn bị đầu tư nên cuối năm 2017 mới trình được Quốc hội. Thực tế thời gian triển khai chỉ có 3 năm, nếu thời gian triển khai 5 năm sẽ sử dụng hết 55.000 tỷ đồng.
Quá trình thực hiện, Bộ GTVT đã làm việc cật lực, đến thời điểm này 3 dự án đầu tư công đầu tiên theo Nghị quyết 52 đã triển khai toàn bộ các gói thầu, tiến độ triển khai đúng kế hoạch và dự kiến hoàn thành trong năm 2021. Tuy nhiên, dự án cầu Mỹ Thuận 2 là cây cầu lớn nên sẽ hoàn thành trong năm 2023.
Thứ hai, là 3 dự án đầu tư công mà Quốc hội mới thông qua tháng 5/2020, dự án có 13 gói thầu thì tháng 9 vừa qua đã khởi công 3 gói thầu. Hiện Bộ GTVT đang chuẩn bị thủ tục để khởi công thêm 5 gói thầu và đến tháng 11 sẽ khởi công thêm 2 gói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, trong số này có 2 gói thầu đấu thầu không thành công và phải đấu thầu lại. Giá trị gói thầu lớn, khi nhà thầu đã trúng thầu gói khác sẽ không thể trúng thầu gói tiếp theo vì như thế sẽ không đủ năng lực. Bộ GTVT phấn đấu trong vòng 2 năm sẽ hoàn thành 3 dự án này.
"Theo kế hoạch, cuối tháng 12 này sẽ khởi công hàng rào của sân bay Long Thành; trong quý I/2021 sẽ khởi công san lấp mặt bằng; phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 dự án. Bộ GTVT sẽ điều hành quyết liệt để dự án hoàn thành đúng tiến độ", Bộ trưởng Thể cam kết.
Đối với 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP, hiện Bộ GTVT đã xét thầu, trong số này có 1 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển tham gia. 4 dự án còn lại có 3 dự án đã có nhà đầu tư vượt qua phần kinh nghiệm, hồ sơ và các thủ tục, 1 dự án có nhà đầu tư tham gia nhưng qua đánh giá không vượt qua về mặt kỹ thuật.
Hiện Bộ GTVT đang rà soát phần vốn dư của 6 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đầu tư công, qua đấu thầu giảm giá được bao nhiêu để báo cáo Quốc hội nếu đủ điều kiện sẽ khởi công ngay 2 dự án không thành công. 3 dự án còn lại sẽ ký hợp đồng và dành cho nhà đầu tư 6 tháng thu xếp tín dụng và triển khai.
Đối với dự án sân bay quốc tế Long Thành, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến thời điểm này Bộ GTVT đã bàn giao từ UBND tỉnh Đồng Nai 1.600 ha mặt bằng, còn lại 210 ha tỉnh cam kết trong năm trong năm nay sẽ bàn giao mặt bằng toàn bộ. Với 1.600 ha được bàn giao hoàn toàn có thể khởi công dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận