Phát biểu tại phiên chất vấn Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trong chiều 7/6, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cho rằng, hiện nay có một số dự án đã phê duyệt chủ trương theo hình thức BOT, tuy nhiên sau đó chuyển qua hình thức đầu tư công.
Dự án chưa triển khai thực hiện, phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm thời gian chuẩn bị kéo dài và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch triển khai về sau.
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết có giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM)
“Hiện hai tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành thường xuyên quá tải, tắc nghẽn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết kế hoạch mở rộng hai tuyến này trong thời gian tới?”, đại biểu Tuấn tiếp tục đặt câu hỏi.
Trả lời các nội dung trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ đây cũng là trăn trở của cá nhân ông và của Bộ GTVT khi đến nay chưa kêu gọi được nhiều doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.
Ông cho rằng cần tạo được niềm tin của doanh nghiệp thông qua việc xem xét, có điều chỉnh phù hợp, hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm tính ổn định của chính sách. Trường hợp thay đổi cơ chế chính sách thì điều khoản chuyển tiếp ra sao, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến tín dụng cho doanh nghiệp thế nào…
“Thời gian tới Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến, mời gọi đầu tư cả trong nước và quốc tế để huy động doanh nghiệp tham gia đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông”, Bộ trưởng cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn của các đại biểu
Về tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Bộ GTVT đang chuẩn bị đầy đủ các nội dung phương án đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6.
Đối với tuyến TP.HCM - Long Thành do Tổng công ty phát triển đường cao tốc VN- VEC đầu tư khai thác. Thực tế, VEC đã có văn bản gửi Bộ GTVT, Chính phủ xin được tiếp tục đầu tư mở rộng tuyến này.
Trả lời câu hỏi của đại biểu liên quan đến một số tuyến cao tốc không có trạm dừng nghỉ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ đã nhận diện được vấn đề.
Ngay từ đầu năm 2023, Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt các công việc liên quan, xây dựng thông tư hướng dẫn và tổ chức đấu thầu để khẩn trương xây dựng các trạm dừng nghỉ. Sắp tới sẽ đấu thầu quyền khai thác 8 trạm dừng nghỉ.
Với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 cũng sẽ có các trạm dừng nghỉ theo đúng quy hoạch.
Sớm có cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư BOT bị ảnh hưởng
Trả lời đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) về việc nhiều doanh nghiệp BOT đến nay không có khả năng hoàn vốn do Nhà nước đầu tư bằng ngân sách xây dựng các tuyến đường song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quá trình phát triển đất nước, chiến lược phát triển hạ tầng giao thông đôi khi không lường hết được các khả năng.
“Cách đây 10, 15 năm, nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông rất lớn, nguồn lực có hạn, chúng ta đã tạo mọi điều kiện để mời gọi nhà đầu tư. Đến khi kinh tế xã hội phát triển, chúng ta xây dựng những kế hoạch, chiến lược mới, chính vì thế nhiều dự án bị ảnh hưởng.
Theo quy định, nếu doanh thu dự án thấp hơn dưới 75% so với dự toán thì Nhà nước phải chia sẻ với doanh nghiệp. Sắp tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội cơ chế thu phần vốn Nhà nước đầu tư trên các tuyến cao tốc, cơ chế xử lý với các tuyến BOT bị ảnh hưởng do Nhà nước đầu tư các tuyến cao tốc, tuyến đường tránh”, Bộ trưởng cho hay.
Làm hết sức để bảo vệ nhà đầu tư và lợi ích của người dân
Liên quan việc trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài chưa được dỡ bỏ, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) đặt câu hỏi: “Nghị quyết 62 của Quốc hội đã nêu nhưng chưa được thực hiện thi, trách nhiệm này của ai?”.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết thời gian qua, Bộ GTVT đã triển khai việc này nhưng vướng mắc rất nhiều, đặc biệt liên quan hợp đồng ký kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước với nhà đầu tư.
“Nhà nước, doanh nghiệp cũng phải bình đẳng khi đặt bút ký hợp đồng. Chúng tôi rất cố gắng nỗ lực khi xử lý, có cái xử lý được, có cái phải tiếp tục đàm phán. Không chỉ đàm phán với nhà đầu tư mà đàm phán với ngân hàng để giảm lãi suất, đảm bảo giảm thiểu thiệt hại cho nhà đầu tư”, Bộ trưởng nói.
Ông cũng cho biết nhiều dự án không phải do lỗi nhà đầu tư, cũng không phải của Nhà nước mà do kinh tế xã hội phát triển, do nhu cầu thực tiễn phát sinh.
Nhắc tới việc sẽ trình cơ quan thẩm quyền đề xuất Nhà nước mua lại 8 dự án BOT, Bộ trường cho rằng tất cả phải làm theo quy trình: “Chúng tôi đang làm hết sức, tháo gỡ cụ thể để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư và cả lợi ích của người dân.
Có trạm BOT làm xong nhưng không thu được phí và nhà đầu tư cũng phải chịu. Vì thế, cơ quan quản lý sẽ xem xét đến mức nào thì Nhà nước mua lại. Quan điểm là chia sẻ, bảo vệ nhà đầu tư chứ không phải dành đặc quyền đặc lợi cho doanh nghiệp”.
Sáng mai (8/6), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận