Xã hội

Bộ trưởng Tài chính: Nhân tài phải có môi trường để cống hiến

07/06/2023, 15:32

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong khoa học phải có nhân tài, nhưng muốn có nhân tài thì phải có môi trường để họ cống hiến.

Muốn có nhân tài thì phải có môi trường để họ cống hiến

Chiều 7/6, tham gia báo cáo giải trình phiên chất vấn lĩnh vực khoa học, công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bố trí cho khoa học công nghệ, năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82% và năm 2022 là 1,01%.

img

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Về quyết toán chi ngân sách, theo ông Phớc, hiện đã giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt. Việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc.

Điều đó cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi ở lĩnh vực khoa học công nghệ, tuy nhiên hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn.

"Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, khi thanh toán, các nhà khoa học cảm thấy rất phiền phức", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, thời gian tới, sẽ sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo thông thoáng, chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả.

Về cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho rằng, cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là đối với Nhà nước. Nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu.

Qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, có một số quy định nên bỏ như điều kiện được công nhận là chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, kiểm toán viên chính cần phải có đề tài khoa học. Điều này không phù hợp, làm cho một bộ phận cán bộ công chức sao chép đề tài, không có tính thực tiễn, không áp dụng được, không đảm bảo được hiệu quả trong quá trình nghiên cứu đề tài.

"Trong khoa học, công nghệ phải có nhân tài, nhưng muốn có nhân tài thì phải có môi trường để họ cống hiến, có cơ chế, chính sách phù hợp, như ngày xưa, mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng vẫn có rất nhiều nhà khoa học nổi tiếng như Trần Đại Nghĩa, Đặng Văn Ngữ… Hiện nay, chúng ta phải thu hút được nguồn lực xã hội, đảm bảo những sáng kiến, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học", ông Phớc nói.

img

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Có địa phương không bố trí vốn cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Tham gia giải trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ năm 2017 - 2023, tỷ lệ chi ngân sách cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo giảm dần, chỉ đạt 1,1 - 1,18%, riêng năm 2023 là hơn 0,8%.

Trong khi đó, Nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị quy định đảm bảo tỷ lệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng dần lên theo các năm.

"Điều này cho thấy, các bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa có đề án đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí bố trí vốn, có địa phương không bố trí vốn hoặc bố trí tỷ lệ rất thấp cho hoạt động này", ông Dũng nhấn mạnh.

Về Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, theo ông Dũng, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định 3 đột phá chiến lược, gồm: Thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực; và được lồng ghép thêm 2 vấn đề cốt lõi là: Khoa học, công nghệ mới, sáng tạo và phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.

Xuất phát từ quan điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Thủ tướng và quyết định thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đặt tại Hòa Lạc. Theo ông Dũng, đây là đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn về cả chi thường xuyên và chi đầu tư.

Chức năng của Trung tâm là xây dựng hệ sinh thái cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Áp dụng các cơ chế chính sách vượt trội, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; kết nối các viện, trường, các cơ sở nghiên cứu trong nước và ngoài nước, các trung tâm nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo trong nước và ngoài nước.

Trung tâm tập trung vào 8 ngành công nghiệp ưu tiên: Sản xuất thông minh; đô thị thông minh; truyền thông số; an ninh mạng; công nghiệp môi trường; bán dẫn; hydrogen và y tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xây dựng Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp được tiếp cận chương trình này. Bộ đang phối hợp với TP.HCM, TP Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế nhân rộng mô hình này, với tinh thần kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia nhưng địa phương đầu tư và quản lý.

Vê nhân tài, nhân lực Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, hiện đã xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, theo đó đã hình thành được 8 văn phòng ở các nước phát triển, quy tụ gần 2.000 chuyên gia, nhà khoa học người Việt trên khắp thế giới trong mạng lưới này.

"Đây là một nguồn lực hết sức quý giá, vô giá để kết nối với lực lượng nghiên cứu trong nước, hỗ trợ, bổ trợ cho trong nước, tranh thủ nguồn lực này phát triển đất nước", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.