Xã hội

Bộ trưởng GTVT: Tai nạn tăng do áp lực dồn hết lên đường bộ

23/05/2017, 16:58

Bộ trưởng GTVT đề xuất Quốc hội giám sát chuyên đề thi hành pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT.

Bo-truong-truong-quang-nghia

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu trong phiên họp tổ về Dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2018

Tại phiên thảo luận ở tổ về dự kiến chương trình giám sát năm 2018 của Quốc hội sáng 23/5, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nêu ý kiến về những chuyên đề giám sát được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa (ĐBQH đoàn Sơn La) chia sẻ quan điểm về 4 vấn đề được đề xuất cho chương trình giám sát năm 2018 của Quốc hội. Theo ông, đây cũng là những “chuyện đã nói mãi”, từ thời ông làm Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La đã nghe, và chủ đề nào cũng cần thiết.

Sáng 23/5, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày tờ trình dự kiến chương trình giám sát trên hội trường trước khi các ĐBQH thảo luận tại tổ. Ngoài các công việc theo thông lệ, có 4 chuyên đề đề xuất Quốc hội chọn 2 để thực hiện giám sát. 

4 chuyên đề được đề xuất là: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu CP, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa bày tỏ sự quan tâm tới chuyên đề thứ 4 - Việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo Bộ trưởng Nghĩa, ông bị “ám ảnh” về chính sách với người dân tộc thiểu số, bởi từng chứng kiến hình ảnh một xã, huyện ở Gia Lai, bà con đói vì một năm chỉ làm lúa được 3 tháng vì thiếu đất, nước khi thượng nguồn nước bị chặn xây thuỷ điện. Và vì thế, xã nghèo này trở thành điểm nóng tệ nạn, thành nơi điển hình của tỉnh về tệ uống rượu. Mỗi ngày trung bình người dân trong xã xài hết 250 lít rượu.

Dưới góc độ Bộ trưởng Bộ GTVT, Bộ trưởng Nghĩa nhấn mạnh đến chuyên đề 3 - Việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đánh giá của Bộ trưởng, tai nạn giao thông hiện đã… ”đến ngưỡng”. Thời gian qua, nỗ lực của ngành đã giúp kéo giảm nhiều tỷ lệ tai nạn nhưng để giảm sâu hơn nữa thì rất khó.

“Nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới tai nạn hiện nay là cơ cấu đầu tư cho giao thông mất cân đối, nguồn vốn dành cho phát triển đường sắt giảm chưa được 1%, đường thuỷ chỉ 1% mà đây đáng ra là những loại hình vận tải chủ chốt. Điều đó không chỉ làm tai nạn tăng cao vì áp lực dồn lên đường bộ mà còn tác động tới hiệu quả của cả nền kinh tế vì chi phí vận tải hiện chiếm tới 60% trong logistic trong khi logistic chiếm tới 20% GDP của Việt Nam” – Bộ trưởng nêu quan điểm và cho rằng hiện nay, áp lực tai nạn, áp lực kinh tế đang chồng chất hết lên đường bộ.

tai-nan-giao-thong

Trong vụ tai nạn nghiêm trọng ở Gia Lai khiến 13 người chết, đến nay, các cơ quan vẫn chưa giải thích được về nguyên nhân xe tải vi phạm, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng nhắc lại vụ tai nạn nghiêm trọng mới xảy ra ở Gia Lai khi xe tải tông trực diện xe khách khiến 13 người chết, hàng chục người khác thương tích nặng nề. Theo đó, cho đến nay, các cơ quan vẫn chưa giải thích được về nguyên nhân xe tải vi phạm, chạy điên cuồng trên đường ngược chiều gây tai nạn, trong khi lái xe không nghiện ngập, công an địa phương cũng khẳng định không truy đuổi phương tiện.

Đề cập đến lĩnh vực đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng chưa bao giờ người lái tàu lại khổ, chịu nhiều áp lực như bây giờ. “Vốn dĩ trước giờ đường sắt được hiểu là đường ưu tiên, người lái tàu chỉ cần quan tâm nhiều việc ra vào ga như nào thôi nhưng giờ thì lúc nào cũng phải căng mắt nhìn trên đường vì bất cứ lúc nào cũng có thể có người nhảy bổ ra từ đường ngang dân sinh, đường mở trái phép” – ông dẫn chứng.

Đồng tình với những phân tích trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nhận định tính nghiêm trọng của tai nạn giao thông khi trung bình mỗi ngày 24 -25 người chết, đó là còn chưa kể những người bị thương, mất khả năng lao động, mất việc làm các gia đình nghèo hoá. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện chuyên đề giám sát này để thấy, vấn đề đặt ra không chỉ là kéo giảm số người chết hàng ngày từ 24 xuống 15 hay 20 người mà việc này liên quan đến chuyện hoạch định chính sách tới đây cho cả nền kinh tế. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.