Xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chương trình phục hồi kinh tế sẽ kéo dài 2 năm

11/11/2021, 16:41

Về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Bộ trưởng KH&ĐT báo cáo, nếu được Quốc hội thông qua sẽ thực hiện từ năm 2022-2023.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội chương trình phục hồi kinh tế vào kỳ họp cuối năm

Chiều nay (11/11), tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thông tin về chương trình phục hồi phát triển phục hồi về kinh tế mà Bộ đang được giao để nghiên cứu.

img

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Về quan điểm của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chương trình này phải có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Ông nhấn mạnh, chương trình phải đảm bảo hỗ trợ cho cả cung và cầu của nền kinh tế.

Về giải pháp và chủ trương cụ thể để đẩy mạnh phục hồi phát triển kinh tế thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ tập trung vào 5 nhóm giải pháp chính:

Thứ nhất, là tập trung mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. Việc mở cửa sẽ chắc chắn, an toàn, có lộ trình và phù hợp với chiến lược chống dịch và khả năng tiêm vaccine cũng như nguồn cung thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.

Thứ hai, là hỗ trợ an sinh xã hội và tạo việc làm cho người lao động; hỗ trợ các diện chính sách, người lao động, đào tạo, kết nối việc làm, phát triển thị trường lao động; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Thứ ba, là hỗ trợ phục hồi cho doanh nghiệp, gồm có hỗ trợ sức chống chịu đặc biệt ở một số lĩnh vực bị tác động mạnh mẽ. Bộ đang xem xét, trình Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền cho phép kéo dài, gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí cho doanh nghiệp; cấp bù lãi suất cho một số doanh nghiệp lĩnh vực ưu tiên vay.

Thứ tư, là phát triển kết cấu hạ tầng, khuyến khích PPP; đẩy mạnh đầu tư công tập trung cho hạ tầng chiến lược, trọng điểm quốc gia, mang động lực lớn; đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ, đập.

Thứ năm, là tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh; có chính sách quản trị rủi ro, gắn với ổn định kinh tế vĩ mô.

Bên cạnh đó, cần thực hiện linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế…

Bộ trưởng cho biết chương trình cần tập trung vào những chính sách tác động ngay, kịp thời hỗ trợ đồng thời phải tính đến vấn đề dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa…

Chính sách và giải pháp phải gắn với cơ chế thực hiện để đảm bảo khả thi, hiệu quả, hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, gắn với khả năng vay - trả của nền kinh tế.

Một điều kiện nữa là phải phục hồi phát triển nhanh trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 128.

"Đảm bảo chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, đảm bảo tăng trưởng 2021-2025 là 6,5-7%, chúng ta phải kiên định mục tiêu này", ông Dũng nói và cho biết dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội về chương trình phục hồi kinh tế vào kỳ họp cuối năm. Chương trình dự kiến kéo dài trong 2 năm (2022-2023).

Ông cũng cho biết các chính sách hỗ trợ sẽ tập trung cho người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, ngành lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch, những ngành có tiềm năng phục hồi nhanh, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Bộ trưởng nhấn mạnh vào tính trọng tâm, trọng điểm.

Hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm

Về mục tiêu, đối tượng của chương trình phục hồi phát triển phục hồi về kinh tế, ông Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau khi nghiên cứu, tiếp thu chuyên gia trong ngoài nước cùng với tình hình thực tiễn ở trong nước, thì Bộ Kế hoạch và đầu tư nêu ra những quan điểm:

Thứ nhất, quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, phải đảm bảo được kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Thứ hai, là phải có hỗ trợ cung và cầu của nền kinh tế.

img

Quang cảnh một phiên họp Quốc hội

Thứ ba là thực hiện phù hợp chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ chiến lược phát triển kinh tế 10 năm và kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm, kế hoạch tài chính công, kế hoạch cơ cấu nền kinh tế.

Thứ tư là thực hiện các chính sách tác động ngay, kịp thời để hỗ trợ, tính đến vấn đề dài hạn tính đến như là xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Thứ năm là giữa chính sách và giải pháp phải gắn với cơ chế thực hiện cụ thể để đảm bảo thực hiện khả thi và hiệu quả. Hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, gắn với nguồn lực và vay trả của nền kinh tế.

Nhiều nước tăng trần nợ công để phục hồi kinh tế

Về những kinh nghiệm từ gói hỗ trợ của quốc tế, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư cho biết, dịch Covid-19 vừa qua tác động mọi mặt từ kinh tế đến xã hội của thế giới và Việt Nam. Đối với thế giới họ đã có những quyết sách và chính sách rất nhanh.

Bộ trưởng Dũng cho biết, thứ nhất, họ có gói hỗ trợ rất lớn, chưa có tiền lệ. Thứ hai, là chấp nhận tăng trần nợ công, và bội chi ngân sách. Thứ ba, họ thực hiện những biện pháp này làm rất nhanh.

"Chính vì thế, cùng với tiêm chủng nhanh các nước này đã hồi phục nhanh về kinh tế", Bộ trưởng Dũng chia sẻ.

Dẫn chứng về nhận định này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Mỹ đã bỏ 27,9% GDP để hỗ trợ, chấp nhận nợ công 21 điểm phần trăm. Tương tự như vậy, Trung Quốc tăng nợ công đến 66,8% GDP.

Bộ trưởng KH&ĐT cho biết, về chính sách tài khóa thì các nước này tăng chi phí cho y tế, trợ giúp xã hội; Hỗ trợ về tiền mặt, lương thực, tiền điện, miến giảm thuế; Hỗ trợ dòng tiền với các ngành kinh tế ưu tiên và đầu tư hạ tầng.

Chính sách tiền tệ thì các nước cũng duy trì lãi suất thấp, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hạn chế chi trả cổ tức bằng tiền.

Khi nào kinh tế Việt Nam được xem là phục hồi?

Tại hội trường, đại biểu Võ Thị Bích Sinh (đoàn Nghệ An) đặt câu hỏi "thời điểm nào, kinh tế Việt Nam được xem là phục hồi?"

Trả lời các câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay thực tế chưa có quan điểm, thống nhất như thế nào là phục hồi? Thời điểm nào là phục hồi?

"Chúng tôi cho rằng, phục hồi là khi các hoạt động kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, hoạt động đi lại trở lại như trước khi dịch, tốc độ tăng trưởng quay trở lại thời điểm trước dịch gọi là phục hồi", ông Dũng nói.

Theo ông Dũng phục hồi còn có quá trình, thời điểm phục hồi, chúng ta dự tính là nếu bắt đầu từ đầu năm 2022 thì quá trình phục hồi sẽ diễn ra cuối năm 2022 và tăng dần cuối năm 2023.

Cuối năm 2023, chúng ta thực hiện kiểm soát tốt, hiệu quả các gói chúng ta đưa ra thì chúng ra trở lại trạng thái bình thường như mong muốn, kỳ vọng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.