Hàng hải

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng: Quy hoạch hàng hải phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ

22/12/2023, 18:42

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng yêu cầu việc quy hoạch chuyên ngành về cảng biển phải đồng bộ, chuyên nghiệp, có tính khả thi.

Tăng cường hợp tác, tránh cạnh tranh không lành mạnh

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024 của Cục Hàng hải VN, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Năm qua, doanh nghiệp hàng hải phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có việc phải tìm cách đáp ứng xu hướng của thế giới trong việc giảm phát thải.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng: Cảng biển mới phải đồng bộ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Tạ Hải).

"Đây là tiêu chuẩn chung của thế giới. Việt Nam buộc phải thay đổi để thích ứng. Nếu không có nghiên cứu, nhận diện, không có giải pháp, chúng ta có thể bị loại khỏi cuộc chơi, doanh nghiệp sẽ rơi vào khó khăn, thậm chí có thể dẫn tới phá sản", Bộ trưởng nói6.

Ghi nhận, biểu dương những cố gắng của Cục Hàng hải VN đã đạt được trong năm 2023, Bộ trưởng nhấn mạnh: Năm 2024, có nhiều dự báo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, song cũng có những yếu tố bất lợi mà ta phải nhận diện sớm để có phương án vượt qua.

Bộ trưởng đề nghị Cục Hàng hải VN cần hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật của ngành hàng hải; tổng kết, đánh giá lại Bộ luật Hàng hải 2015 cùng các văn bản đi kèm để kịp thời đề xuất, điều chỉnh sớm hoàn thiện, trình Chính phủ.

Cùng đó, cần nhanh chóng hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Quy hoạch nhóm cảng biển, phối hợp với các địa phương để triển khai hiệu quả, đồng bộ các quy hoạch chuyên ngành.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, lần đầu tiên Việt Nam có quy hoạch tổng thể được lấy cảng biển làm trung tâm. Do đó, các quy hoạch chuyên ngành về hàng hải đều phải có tầm nhìn dài hạn, linh hoạt, đảm bảo đồng bộ và chuyên nghiệp.

"Phải tính toán, rà soát để có sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp cảng biển, tránh cạnh tranh không lành mạnh. Các cảng biển đầu tư mới phải đồng bộ, chỉ có một pháp nhân. Các doanh nghiệp có thể liên doanh, liên kết để hoạt động hiệu quả", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng: Cảng biển mới phải đồng bộ - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: Tạ Hải).

Liên quan tới hoạt động vận tải biển, dịch vụ hàng hóa, logistics, Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng hải VN bám sát định hướng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT, xây dựng các giải pháp đúng, trúng và đột phá để nâng cao thị phần vận tải hàng hóa bằng đường thủy và tàu biển ven bờ, giảm chi phí logistics.

"Để làm được điều này, các đơn vị liên quan phải phối hợp chặt chẽ. Quy hoạch các cảng biển phải có bến cho phương tiện thủy nội địa để thuận tiện trong chuyển tải. Các đường thủy nội địa phải cải tạo, mở rộng, nạo vét, nâng tĩnh không cầu và rà soát, chỉnh trang lại các tuyến đường thủy nội địa. Các bến thủy nội địa cũng cần xây dựng, quy hoạch lại để thuận tiện cho việc vận tải hàng hóa", người đứng đầu Bộ GTVT nói và cho rằng, ngành hàng hải cũng cần những giải pháp để xây dựng đội tàu mạnh, lớn, đa dạng, đủ sức cạnh tranh với quốc tế và phát triển vận tải biển xanh.

Trong việc hợp tác quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Cục Hàng hải VN rà soát, trình cấp có thảm quyền phê chuẩn ký kết các hiệp định song phương, đa phương với các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng: Cảng biển mới phải đồng bộ - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng lĩnh vực hàng hải cần triển khai các quy hoạch một cách đồng bộ, hiệu quả (Ảnh: Tạ Hải).

Thúc đẩy đàm phán ký kết hiệp định ven biển giữa Việt Nam - Campuchia và Thái Lan; hợp tác học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia để phát triển cảng xanh, cảng thông minh, xây dựng kế hoạch nguồn lực chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng trong đầu tư khai thác hạ tầng, trang thiết bị hàng hải, đáp ứng những cam kết của VN với thế giới.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý cần quyết liệt hơn trong công tác thanh kiểm tra tham nhũng và chống tham nhũng, xử lý nghiêm các tình trạng vi phạm pháp luật, chủ động ngăn ngừa các sai phạm, vi phạm từ nội bộ.

Hơn 756 triệu tấn hàng thông qua cảng biển trong năm 2023

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng: Cảng biển mới phải đồng bộ - Ảnh 4.

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Lê Đỗ Mười phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT (Ảnh: Tạ Hải).

Tiếp thu ý kiến của bộ trưởng, Cục trưởng Cục hàng hải VN Lê Đỗ Mười cho biết năm qua, ngành hàng hải đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Ông Mười khẳng định, Cục Hàng hải VN sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm 2024.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang cho biết, trong năm 2023, ước tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2023 là 756,8 triệu tấn, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Hàng container ước đạt 24,7 triệu TEUs, bằng với cùng kỳ năm trước.

Lượt tàu biển thông qua cảng biển đạt 99,15 nghìn lượt, giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Lượt phương tiện thủy thông qua nội địa đạt 351,8 nghìn lượt, tăng 2%. Hành khách qua cảng biển đạt 7,04 triệu hành khách, tăng 17% so với năm 2022.

Theo ông Giang, thời gian qua, lĩnh vực hàng hải đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận trong quản lý và khai thác cảng cửa ngõ quốc gia. Cụ thể, năm 2022, Ngân hàng Thế giới World Bank công bố Chỉ số hiệu quả hoạt động container (CPPI), trong đó Cảng container quốc tế Cái Mép đứng thứ 12/348 cảng container trên thế giới.

Tính đến tháng 12/2023, Việt Nam có 1.449 tàu biển đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia, với tổng trọng tải trên 13,7 triệu tấn, tổng dung tích trên 7,2 triệu GT (trong đó có 977 tàu vận tải với tổng trọng tải trên 11,1 triệu tấn, tổng dung tích trên 6,6 triệu GT).

Thống kê của tổ chức Liên hợp quốc về phát triển thương mại, năm 2023, đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN và thứ 22 trên thế giới.

Hiện đội tàu biển Việt Nam giảm về số lượng so với năm 2022 nhưng tăng về tổng dung tích và tổng trọng tải. Với chủ yếu là tàu chở hàng rời và hàng tổng hợp, 679 tàu chiếm 69,57%, tuổi trung bình 16,7; 175 tàu chở dầu, hóa chất, tuổi trung bình 18,7; 20 tàu chở khí hóa lỏng, tuổi trung bình 23,2; 43 tàu chở container, tuổi trung bình 18,5; 59 tàu chở khách, tuổi trung bình 8,9. Tuổi trung bình của đội tàu vận tải là 16,6.

Tuy nhiên, ông Giang cho biết, trong năm 2023, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của dịch bệnh và xung đột quốc tế.

"Trong năm 2023, do suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao, nhu cầu vận tải biển giảm mạnh ở nhiều thị trường tiêu thụ lớn, một phần do sức mua giảm sút vì lạm phát và kinh tế phục hồi chậm, giá cước vận tải đang giảm mạnh", Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN chia sẻ.

Công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải cũng còn vướng mắc. Cục Hàng hải đã chủ động phối hợp với các địa phương để tìm vị trí đổ chất nạo vét nhưng việc các tỉnh, thành phố chưa quy hoạch vị trí đổ chất nạo vét dẫn đến hàng năm phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục.

Các tàu tìm kiếm cứu nạn hàng hải cũng còn thiếu. Các tàu đã cũ (18 năm tuổi), kinh phí cho việc bảo dưỡng, sửa chữa tàu còn hạn chế, chưa có tàu tìm kiếm cứu nạn hoạt động xa bờ (hiện đang đóng mới một tàu 63m).

Ngoài ra, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác quản lý của một số cơ quan cũng chưa đồng bộ. Việc kết nối các phương thức vận tải đến cảng biển chưa đồng bộ, dẫn đến chi phí logistics tăng cao.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.