Hàng hải

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu 3 vấn đề hàng hải phấn đấu mang tầm quốc tế

12/07/2023, 17:58

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu ngành hàng hải phấn đấu phát triển cảng biển, đội tàu và chất lượng dịch vụ ở đẳng cấp quốc tế.

Chiếm lĩnh thị phần vận tải hàng hóa

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 của Cục Hàng hải VN tổ chức chiều 12/7, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận định, thời gian qua, ngành hàng hải đã trải qua nhiều khó khăn dưới tác động rất lớn từ suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraina.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 6 tháng năm 2023 của Cục Hàng hải VN. Ảnh: Tạ Hải

Biểu dương những nỗ lực của Cục Hàng hải VN trong thời gian qua, bộ trưởng cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục như: Thể chế, cơ chế phát triển ngành chưa theo kịp với thực tiễn; quy mô, năng lực thị phần vận tải của đội tàu Việt Nam còn nhỏ lẻ; đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển còn manh mún; hạ tầng giao thông kết nối đến cảng biển chưa đồng bộ; đội ngũ nhân lực hàng hải vừa thiếu vừa yếu...

Từ đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu lĩnh vực hàng hải thời gian tới cần tập trung nâng cao thị phần vận tải hàng hóa, nhất là vận tải hàng hóa quốc tế. Bởi hiện nay, 90% hàng hóa xuất, nhập khẩu (XNK) phụ thuộc vào các hãng tàu ngoại.

“Chúng ta phải chiếm lĩnh thị phần vận tải hàng hóa XNK. Cần có những giải pháp để giải quyết vì đây là lợi ích quốc gia”, bộ trưởng nhấn mạnh và yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát các tồn tại, khó khăn để khắc phục, hoàn thiện. Trong đó, có thể có những giải pháp như liên doanh, liên kết, góp vốn...

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng yêu cầu ngành hàng hải cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng và rà soát, đề xuất xây dựng, ban hành kịp thời những quy định, cơ chế kiểm soát phí, lệ phí, giá dịch vụ cảng biển, hoa tiêu, lai dắt để tạo môi trường kinh tế hàng hải cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả.

Từ đây, Bộ trưởng Thắng đề nghị ngành hàng hải cần phấn đấu: Phát triển cảng biển đẳng cấp quốc tế, đội tàu đẳng cấp quốc tế và chất lượng dịch vụ quốc tế cùng giá cả cạnh tranh.

Về thể chế, tư lệnh ngành GTVT yêu cầu tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, phân tích những vấn đề còn bất cập, hạn chế làm cản trở đến thực tiễn phát triển; đồng thời rà soát sửa đổi các văn bản, nghị định, thông tư hướng dẫn, định hướng các cơ chế thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế để phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải theo hướng đồng bộ, hiện đại, hiệu quả.

Trước mắt, nghiên cứu sửa đổi các Nghị định 159/2018 và Nghị định 70/2016 để mở rộng các đối tượng tham gia thực hiện công tác nạo vét, duy tu, tham gia thực hiện các dịch vụ công ích bảo đảm hàng hải nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, giảm chi phí xã hội.

Trong xây dựng và triển khai các quy hoạch ngành hàng hải, Bộ trưởng Thắng yêu cầu hoàn thiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam để phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, cũng như hoàn thiện các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành hàng hải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, đề xuất giải pháp, định hướng đầu tư cảng biển nhằm hạn chế nhỏ lẻ, manh mún và đảm bảo đồng bộ với hạ tầng kết nối.

Bày tỏ sự quan tâm tới việc đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng hàng hải, bộ trưởng đề nghị phải đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành các công trình và giải ngân đầu tư công theo kế hoạch đã đề ra, cũng như xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn trung hạn 2026-2030 để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, tập trung vào các dự án luồng, đường giao thông kết nối đến các khu vực cảng biển lớn như Lạch Huyện, Nghi Sơn, Liên Chiểu, Quy Nhơn, Cái Mép - Thị Vải…

Liên quan đến đảm bảo an toàn - an ninh hàng hải, bộ trưởng yêu cầu phải tăng cường kiểm soát, tuyên truyền về công tác an toàn, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để có phương án dự báo tốt tình hình thời tiết trong 6 tháng cuối năm. Chuẩn bị dài hạn đảm bảo các tàu thuyền vận tải được an toàn, giảm tối đa thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân và doanh nghiệp.

img

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Lê Đỗ Mười phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng

Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Lê Đỗ Mười cho biết: "Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Hàng hải VN cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Lãnh đạo Cục sẽ nghiêm túc triển khai những chỉ đạo của Bộ trưởng, nghiên cứu giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa các kế hoạch để hoàn thành xuất sắc các mục tiêu trong 6 tháng cuối năm".

Hơn 362 triệu tấn hàng hóa qua cảng biển, đội tàu đứng thứ 3 ASEAN

Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, năm 2023, do suy thoái kinh tế, giá nhiên liệu và lạm phát tăng cao, nhu cầu vận tải biển giảm mạnh ở nhiều thị trường tiêu thụ lớn và giá cước vận tải đang giảm mạnh đã gây khó khăn cho ngành hàng hải.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt 362,7 triệu tấn giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, hàng container đạt 11,8 triệu Teus, giảm 8%.

Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam đã đảm nhận được 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời. Khối lượng hàng hóa do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển đạt 68 triệu tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng hàng container đạt 1,3 triệu Teus, tăng 1%.

Lượt tàu biển thông qua cảng biển đạt 48,7 nghìn lượt, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước, lượt phương tiện thủy thông qua địa đạt 166,4 nghìn lượt tăng 1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến tháng 6/2023, Việt Nam có 1.455 tàu biển đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia, với tổng trọng tải trên 12 triệu tấn, tổng dung tích trên 7,28 triệu GT (trong đó có 987 tàu vận tải với tổng trọng tải trên 11,2 triệu tấn, tổng dung tích trên 6,67 triệu GT).

Đội tàu Việt Nam đứng thứ 3 trong ASEAN và thứ 27 trên thế giới. Hiện nay, đội tàu biển Việt Nam giảm về số lượng so với năm 2022 nhưng tăng về tổng dung tích và tổng trọng tải.

Tàu chở hàng rời và hàng tổng hợp vẫn chiếm chủ yếu với 686 tàu, chiếm 69,57%, tuổi trung bình 16,7; 178 tàu chở dầu, hóa chất, tuổi trung bình 17,9; 20 tàu chở khí hóa lỏng, tuổi trung bình 23,7 và 44 tàu chở container có tuổi trung bình là 18,4. Ngoài ra, còn có 58 tàu chở khách. Tuổi trung bình của đội tàu vận tải là 16,6.

Tuy nhiên, ông Giang cho biết vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Bên cạnh việc các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải vẫn còn gặp nhiều khó khăn với do ảnh hưởng chung của dịch bệnh Covid-19 và xung đột quốc tế, nguồn nhân lực cho lĩnh vực hàng hải cũng còn mỏng, đặc biệt là thiếu hụt lực lượng thuyền viên.

Ngoài ra, công tác nạo vét duy tu luồng hàng hải còn gặp khó khi các tỉnh, thành phố chưa quy hoạch vị trí đổ chất nạo vét, dẫn đến hàng năm phải mất nhiều thời gian để hoàn thiện các thủ tục.

Đồng thời, công tác quản lý giá dịch vụ hàng hải, quản lý tuyến vận tải của hàng tàu nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc quản lý tuyến vận tải vẫn chưa có cơ chế và chính sách quản lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.