Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Cần chính sách mới, đột phá
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng của ngành đường thuỷ và có những chỉ đạo mang tính gợi mở, kỳ vọng tạo sự bứt phá mạnh mẽ về phát triển vận tải thủy trong thời gian tới.
“Cả nước có nhiều tuyến đường thủy như kênh Chợ Gạo, nhưng tại sao ít tuyến có tàu thuyền nhộn nhịp, sôi động như kênh Chợ Gạo? Vì sao hàng hóa đi nhiều bằng đường bộ mà không đi bằng đường thủy? Từ thực tế này, mỗi cán bộ lãnh đạo Cục, đến công chức, viên chức của Cục cần suy nghĩ, trăn trở để tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách tạo đột phá vận tải thủy. Chúng ta cần tạo được nhiều tuyến vận tải nhộn nhịp như kênh Chợ Gạo để mang lại tự hào cho đường thủy”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Quyết định số 47/2015 của Thủ tướng đã tạo một số điều kiện thuận lợi cho phát triển giao thông đường thủy, nhưng mới chủ yếu về tăng vốn duy tu, bảo trì luồng tuyến. Đến giờ, các cơ chế, chính sách trên đã lạc hậu. Cục ĐTNĐ VN cần sớm tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách mới phù hợp thực tiễn để tạo đột phá lớn trong phát triển GTVT đường thủy.
"Đường thủy còn nhiều dư địa phát triển, vì vậy phải đưa đường thủy phát triển xứng tầm với tiềm năng", Bộ trưởng nêu rõ.
“Các đồng chí cần lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, nắm bắt thực tiễn nhiều hơn để tham mưu đề xuất các cơ chế, chính sách mới. Khi có cơ chế, chính sách phù hợp tạo động lực, doanh nghiệp, nguồn vốn tư nhân sẽ đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực giao thông đường thủy”, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể
Cũng theo Người đứng đầu ngành GTVT, lĩnh vực đường thủy ngày càng nhận được sự quan tâm của Thủ tướng, Chính phủ, Bộ GTVT nên lãnh đạo Cục ĐTNĐ VN cần chủ động, tích cực hơn nữa trong công tác tổ chức nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách mới để phát triển đồng bộ giao thông đường thủy.
Gợi ý một số vấn đề cụ thể, Bộ trưởng cho rằng, nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư phát triển hạ tầng đường thủy còn hạn chế nên khi sử dụng đầu tư cần có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các luồng tuyến đặc biệt. Vấn đề quan trọng là phải tính đến đề xuất các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của nhà nước để gây dựng doanh nghiệp vận tải thủy lớn, gói ưu đãi phát triển đội tàu vận tải thủy nội địa, ven biển và hệ thống cảng thủy hiệu quả.
Sẽ tăng vốn đầu tư phát triển đường thủy
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật chia sẻ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT sẽ cố gắng dành 10% ngân sách cấp cho Bộ GTVT để đầu tư phát triển lĩnh vực giao thông đường thủy (hiện khoảng 6%). Hiện tại, ngoài một số dự án quan trọng đang triển khai như nâng cấp, cải tạo kênh Chợ Gạo, sắp tới sẽ đầu tư nâng cấp một số cầu, luồng đường thủy quan trọng để khơi thông vận tải.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật ghi nhận, năm 2020 Cục ĐTNĐ VN có một số mặt công tác khởi sắc hơn năm trước. Năm 2021, Cục cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy, giải ngân và chú trọng hơn nữa công tác cải cách hành chính và ứng dụng tối đa khoa học công nghệ vào quản lý chuyên ngành.
“Cải cách hành chính của Cục ĐTNĐ VN cần gắn liền với ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin để hình thành cơ sở dữ liệu điện tử lĩnh vực giao thông đường thủy. Ứng dụng công nghệ mới giảm được thời gian, công sức làm việc và phục vụ tốt doanh nghiệp, người dân”, Thứ trưởng Nhật chỉ đạo. Bên cạnh đó, Cục ĐTNĐ VN cần tập trung phát huy hiệu quả vận tải các hành lang vận tải thủy khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng đã được đầu tư từ dự án WB5, WB6 vốn vay Ngân hàng Thế giới.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Chủ tịch Nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam Bùi Thiên Thu
Theo Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN Bùi Thiên Thu, sản lượng vận tải hành khách bằng đường thủy năm 2020 đạt hơn 191 triệu lượt, chiếm 2% toàn ngành GTVT và vận tải hàng hóa đạt gần 309 triệu tấn, chiếm 19% toàn ngành. So với năm trước, sản lượng vận tải khách giảm hơn 8% và hàng hóa giảm hơn 10%.
“Cục ĐTNĐ VN cam kết triển khai thực hiện theo chỉ đạo và các nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GTVT giao ngay từ tháng đầu năm 2021 để sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế đã được nhận diện, với phương châm hành động là tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp”, ông Thu nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận