Chỉ triển khai mở rộng, nâng cấp một số đoạn QL6 thực sự cần thiết
Sáng nay (9/11), Quốc hội bước sang ngày thứ hai của phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ.
Trả lời đại biểu TP Hà Nội về việc đầu tư cải tạo, mở rộng QL6 kết nối giao thông giữa Hà Nội và các tỉnh Tây Bắc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, từ 10 năm trước, đã có chủ trương nghiên cứu đầu tư tuyến đường này.
Tuy nhiên, năm 2011, trước tình hình kinh tế khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có yêu cầu về dừng, giãn các công trình giao thông đang triển khai. Do thời điểm đó, QL6 mới nghiên cứu nên nằm trong danh mục dự án dừng, giãn tiến độ.
Khẳng định việc cần thiết nâng cấp, mở rộng QL6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, đã đưa vào khai thác đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình đi song song với QL6 hiện nay. Hiện cũng đang nghiên cứu kết nối đoạn Hòa Lạc - Hòa Bình - Điện Biên.
"Giai đoạn hiện nay cố gắng tập trung vốn cho các dự án trọng điểm, đặc biệt là hệ thống đường cao tốc. Vì vậy, Bộ GTVT tiếp thu ý kiến đại biểu để nghiên cứu lại một số đoạn QL6 thực sự cần thiết mới triển khai mở rộng, nâng cấp chứ không thể đầu tư toàn tuyến", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói và cho biết, Bộ GTVT đã tập hợp đầy đủ kiến nghị của đại biểu, cùng với Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu trình Quốc hội xem xét quyết định để bố trí nguồn vốn cho việc nâng cấp, mở rộng QL6.
Thủ tướng duyệt tăng 2 tỷ USD làm đường giao thông ĐBSCL
Trả lời câu hỏi đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, có 4 nguồn lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thứ nhất, Bộ GTVT đầu tư các quốc lộ, cao tốc nối Cà Mau - Bạc Liêu - Cần Thơ, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Thứ hai, nguồn lực là từ địa phương được Trung ương phân bổ, cộng với ngân sách sẵn có để thực hiện các dự án hạ tầng.
Thứ ba là nguồn lực Trung ương. Trong đó, Thủ tướng đã đồng ý tăng thêm cho khu vực ĐBSCL 2 tỷ USD trong giai đoạn tới. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ xây dựng dự án hỗ trợ ngân sách địa phương thông qua các nhà tài trợ là 1,05 tỷ USD để tập trung làm toàn bộ đường ven biển cho các tỉnh vùng ĐBSCL và các dự án giao thông quan trọng khác tại khu vực này.
Thứ tư, là nguồn lực huy động từ các hợp đồng đối tác công tư, nguồn xã hội hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận