Sự cố môi trường biển xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung được coi là khó khăn lớn trong năm qua của ngành nông nghiệp |
Sau gần 1 năm giữ cương vị Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã chia sẻ với báo chí về những áp lực, những băn khoăn cũng như hướng đi mới trong công tác điều hành, nhằm đưa ngành nông nghiệp phát triển mạnh và bền vững.
Thiên tai trên khắp mọi vùng miền của đất nước
Thưa Bộ trưởng, năm 2016 đã đi qua, nhìn lại chặng đường ấy, ông nhận thấy những thành tựu nổi bật nhất ngành nông nghiệp đạt được là gì?
Trước hết phải nói năm 2016 là một năm khó khăn, vất vả nhất đối với ngành nông nghiệp. Ngay từ đầu năm chúng ta đã gặp những thiên tai trên khắp mọi vùng miền. Đầu năm là một đợt rét lịch sử 50 năm ở 14 tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất, trong đó có sản suất nông nghiệp. Sau đó là đợt hạn hán nghiêm trọng, xảy ra toàn bộ Nam Trung Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và gắn với đó là đợt mặn cũng là lịch sử trong vòng 100 năm ở ĐBSCL mà 10/13 tỉnh đã công bố thảm họa thiên tai, cho thấy mức độ khốc liệt.
Cuối năm, từ tháng 10 đến tháng 12, chúng ta liên tục phải hứng chịu các đợt lũ lịch sử tại 8 tỉnh miền Trung. Do đó có thể nói năm 2016 là năm thiên tai khốc liệt nhất đối với chúng ta. Cùng với đó là sự cố môi trường biển xảy ra ở 4 tỉnh miền Trung. Những điều đó cùng với tác động của thị trường thế giới năm 2016 đó là tổng cung lớn hơn tổng cầu về các sản phẩm thiết yếu, trong đó đặc biệt là nông phẩm. Những điều này đã làm cho công tác chỉ đạo của ngành nông nghiệp hết sức vất vả, khó khăn.
Tuy nhiên, nhìn lại, chúng ta đã đạt được một số kết quả nổi bật. Thứ nhất, chúng ta đã tập trung cả hệ thống chính trị cùng với toàn dân ứng phó thành công với những thiên tai, giảm thiểu thiệt hại ở mức độ nhẹ nhất. Hay như sự cố môi trường biển của 4 tỉnh miền Trung, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, của các cấp, ngành và của toàn dân nên chúng ta đã kịp thời xác định được nguồn gốc, xác định được đối tượng gây ra thảm họa, chúng ta cũng tập trung các chính sách và góp phần sớm ổn định đời sống và giảm thiểu thiệt hại.
Thứ hai, với hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như vậy, nhưng chúng ta đã tập trung bằng mọi biện pháp - từ giải pháp kỹ thuật, tổ chức chỉ đạo thực hiện, cơ chế chính sách, huy động tổng nguồn lực, do đó mặc dù 6 tháng đầu năm tăng trưởng nông nghiệp lần đầu tiên trong 10 năm qua tăng trưởng âm 0,18%, tuy nhiên kể từ quý 3 trở đi, bằng các giải pháp nỗ lực như vậy, do đó chúng ta đã dần lấy lại được đà tăng trưởng và một tin vui đến cuối năm, con số tăng trưởng GDP của ngành đạt 1,36%.
Kết quả thứ ba nổi bật là trong hoàn cảnh khó khăn nhưng cuối năm nay, giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông lâm thủy sản chúng ta không những không giảm mà tăng cao nhất từ trước đến nay và cán đích 32,1 tỷ USD, trong đó 10 mặt hàng chúng ta vẫn duy trì được xuất khẩu tổng giá trị từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 9 mặt hàng tăng từ 5-30% so với năm 2015.
Thứ tư, có nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, trong đó một dòng chủ lưu tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến chuỗi sản xuất đem lại giá trị cao nhất và mặc dù cái này chưa phổ biến nhưng hầu hết 7 vùng kinh tế - xã hội trên tất cả các ngành hàng ở các lĩnh vực đều có sự tham gia tích cực. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực phấn đấu này, nó không chỉ làm tiền đề cho năm nay mà làm tiền đề cho giai đoạn tới khi chúng ta thúc đẩy nhanh hơn tái cơ cấu nông nghiệp để hướng tới nền nông nghiệp hội nhập, hiệu quả kinh tế cao bền vững.
Từ tháng 10-12/2016, các tỉnh miền Trung liên tục phải hứng chịu các trận lũ lụt nặng nề |
Trong nông nghiệp, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được coi là vấn đề nóng bỏng, nhức nhối và được người dân đặc biệt quan tâm. Qua một năm, Bộ trưởng có hài lòng với kết quả của việc thực hiện công tác này trong năm qua?
Năm 2016 vừa qua, Bộ NN&PTNT xác định là năm an toàn vệ sinh thực phẩm, chính vì thế các nội dung, chương trình của Bộ đang tập trung quyết liệt, từ hoàn thiện thể chế, hoàn thiện bộ máy, tập trung công tác thanh, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đầu vào, phối hợp với các địa phương xây dựng các chuỗi sản phẩm. Cho đến nay, có thể nói với sự cố gắng chung của toàn ngành, của cả hệ thống chính trị thì chúng ta đã đạt được những kết quả ban đầu hết sức tích cực.
Năm nay 50 địa phương đã xây dựng được gần 4.000 chuỗi sản phẩm; tăng cường và giám sát chặt chẽ các chất cấm, 6 tháng cuối năm 2016, tất cả hơn 1.000 mẫu được kiểm tra, giám định của các vùng miền không còn chất cấm Salbutamol. Đặc biệt, công tác kiểm tra của một số địa phương đã được tập trung chú ý chỉ đạo và có kết quả. Có thể dẫn chứng TP. Hồ Chí Minh, TP. Hà Nội, TP. Đà Nẵng và các tỉnh khác, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện rất bài bản, hiện nay đã thành lập một ban chỉ đạo tổng hợp tất cả các sở ban ngành dưới sự chỉ đạo tập trung của UBND thành phố để tập trung xử lý vấn đề an toàn thực phẩm.
Thách thức lớn nhất là sự cạnh tranh khốc liệt
Với những nút thắt còn tồn tại trong ngành, Bộ trưởng dự kiến sẽ có phương hướng giải quyết thế nào trong năm mới để ngành nông nghiệp nói chung có sự tăng trưởng tốt hơn?
Nút thắt đầu tiên trong sản xuất hàng hóa là phải tháo gỡ rào cản về đất đai. Nếu không tháo gỡ được rào cản về đất đai, không có một quy mô tập trung nhất định thì chúng ta không thể tổ chức sản xuất một cách hiệu quả theo chuỗi giá trị sâu, bền vững. Do đó, chúng tôi cho rằng nút thắt này là quan trọng nhất, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho các bộ, ban ngành tập hợp những nội dung cụ thể để trên cơ sở đó tập trung tháo gỡ, những nội dung nào liên quan đến nghị định Chính phủ thì Chính phủ sẽ trực tiếp tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, dù đạt được nhiều kết quả nhưng ngành nông nghiệp còn nhiều thách thức trong năm mới |
Nút thắt thứ hai là hiện nay nông dân chúng ta hội nhập không thể đơn lẻ, một mình nông dân không thể chiến thắng được trong hội nhập mà phải có sự liên kết, trong đó có hai thành tố quyết định, đó là doanh nghiệp và HTX, đây chính là hai thành tố quan trọng trong tổ chức sản xuất nên chúng ta phải có những chính sách rõ ràng hơn, ưu đãi hơn, khích lệ hơn để nhiều doanh nghiệp hơn nữa tập trung vào khu vực nông nghiệp. Cùng với đó, cũng phải có chính sách để hỗ trợ cho kinh tế hợp tác nói chung, trong đó HTX phải phát triển để 13,8 triệu hộ không còn đơn lẻ mà phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, góp một phần hạ thấp nhất giá thành đầu vào…
Thứ ba là khoa học công nghệ, chúng ta không thể hội nhập mà không coi trọng giải pháp khoa học công nghệ, đây sẽ là một trong những giải pháp tiên quyết để quyết định không chỉ câu chuyện giá thành mà nó còn liên quan chất lượng sản phẩm. Đây là lợi thế cạnh tranh của các quốc gia biết tranh thủ giải pháp này. Do đó, riêng về khoa học công nghệ chúng ta cũng phải thay đổi, kể cả về chính sách, thể chế, kể cả về hình thức.
Vậy với tư cách là Tư lệnh ngành, còn những điều gì khiến ông cảm thấy băn khoăn, trăn trở?
Không phải còn một điều băn khoăn mà rất nhiều điều băn khoăn. Nông nghiệp nước ta nhìn chung vẫn là một nền nông nghiệp dựa trên quy mô nhỏ lẻ là chính; sản xuất rất manh mún.
Chúng ta hiện nay có 13,8 triệu hộ, chúng ta có 78 triệu miếng ruộng - một nền tảng sản xuất như vậy không thể nào phát triển một cách bền vững, hiệu quả trong hội nhập được, do đó đây là điều băn khoăn lớn nhất. Và từ đặc điểm, tình hình này, không chỉ năng suất, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp của chúng ta thấp mà bản thân quản trị ngành nông nghiệp của chúng ta cũng không thể nào hiệu quả cao cũng như kiểm soát an toàn thực phẩm. Ngoài ra, hệ thống quản lý nhà nước về nông nghiệp từ T.Ư đến địa phương cũng còn rất nhiều những điều bất cập mà chúng ta còn phải cố gắng hơn nhiều trong thời gian tới.
Chúng ta đang phải đối mặt với sự cạnh tranh hết sức quyết liệt này. Đây là những thách thức rất lớn, chúng ta phải nhìn nhận, thấy được điểm yếu của chúng ta để tập trung cố gắng làm sao khắc phục trong thời gian tới.
Xem thêm Video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận