Công khai chủ sở hữu có vốn tại các tổ chức tín dụng
Chiều 5/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tham gia góp ý tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, từ trước đến nay, đóng góp của hệ thống các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại rất lớn.
Tuy nhiên, khi thảo luận về dự án này, cần thẳng thắn đặt ra các vấn đề như tái cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Cần phải công khai những chủ sở hữu có vốn sở hữu tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, để người dân biết ai là người thực sự chi phối ngân hàng đó hoặc tổ chức tín dụng đó.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Việt Nam chưa có luật về tập đoàn tài chính, trong khi đó, trên thực tế đã bắt đầu hình thành các mô hình tổ chức tập đoàn tài chính, hoặc công ty mẹ - con. Trong đó, công ty mẹ là một tổ chức tín dụng, hoặc một tập đoàn, song trong tập đoàn đó có tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại là thành viên trong hệ sinh thái của tập đoàn.
"Bộ Tài chính có hẳn Vụ Tài chính ngân hàng để quản lý tài chính của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, chứ không phải Ngân hàng Nhà nước quản lý. Bộ Tài chính sinh ra là để quản lý tài chính tất tần tật các nguồn tài chính, định chế tài chính, từ hợp tác xã đến hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, FDI", Chủ tịch Quốc hội cho hay.
"Điều này cần được làm rõ quan hệ giữa doanh nghiệp, tập đoàn với các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại như thế nào, báo cáo tài chính hợp nhất, nghĩa vụ công bố thông tin ra sao", Chủ tịch Quốc hội cho nhấn mạnh.
Đối với nội dung về 2 ngân hàng chính sách xã hội được quy định trong dự án luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cần phải thiết kế một chương, quy định cụ thể một số điều có tính nguyên tắc, là cơ sở để giao cho Chính phủ quy định một số vấn đề cụ thể hơn.
"Mỗi ngân hàng chính sách xã hội đều có một Nghị định của Chính phủ. Sau này nếu có điều kiện thì tách ra thành Luật về Các ngân hàng chính sách xã hội", ông nói và cho biết, trong Điều 136 dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi có đề cập nội dung về tài chính của các tổ chức tín dụng, nhưng quy định chỉ vài dòng.
"Điều này là không được. Cần quy định cụ thể hơn về doanh thu, chi phí tài chính ra sao, phần nào là doanh thu hợp lý, phần nào không hợp lý, trích lập dự phòng thế nào, tất cả phải tường minh để xã hội không thắc mắc", ông nói và cho biết: Hiện nay, ngân hàng đã nỗ lực hết sức với nền kinh tế, vừa rồi, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định giảm 3 lần lãi suất điều hành, Thống đốc Ngân hàng cũng nói "còn có thể giảm được nữa".
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, lạm phát năm 2022 chỉ tăng 3,15% so với năm 2021 nhưng lãi suất cho vay đến 9% thì quá vô lý. Do vậy, muốn giải đáp những câu hỏi như thế này thì cần phải quy định ngay trong dự án Luật Các tổ chức tín dụng. Còn nội dung nào cần chi tiết hơn nữa thì quy định bằng Nghị định.
Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên)
Đề xuất xoá bỏ tín dụng đen
Tham gia góp ý về Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) băn khoăn về việc dự thảo vẫn chưa có quy định để giải quyết vấn đề xoá bỏ tín dụng đen.
Theo bà Yên, vừa qua, lực lượng công an trên toàn quốc đã triệt phá nhiều đường dây đòi nợ bằng các thủ đoạn cưỡng ép, phạm pháp, điều đó chứng tỏ tín dụng đen vẫn tồn tại dai dẳng, chuyển từ hình thức này qua hình thức khác.
Để xoá bỏ tín dụng đen, theo nữ đại biểu, cần giải quyết tận gốc vấn đề. Hiện nay, người dân trong xã hội vẫn có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn, giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp).
Hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này vì thủ tục phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay, do đó họ phải tìm tới tín dụng đen với rất nhiều rủi ro.
"Để giải quyết bài toán này, theo tôi cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ", đại biểu Yên đề xuất.
Ngoài ra, đại biểu Yên cũng quan tâm đến việc chuyển đổi số cho ngành ngân hàng.
Theo số liệu thống kê do Ngân hàng Nhà nước công bố, từ 2020 đến 2023, đã có 11,9 triệu tài khoản và 10,8 triệu thẻ ngân hàng được mở thông qua định danh điện tử, tăng trưởng thanh toán qua kênh di động đạt 165% về khối lượng và 97% về giá trị.
“Đây rõ ràng là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn, có thể giúp ngành ngân hàng Việt Nam đón đầu xu hướng phát triển chung của thế giới, cần được sự quan tâm, khuyến khích và có hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động trong tương lai”, bà Yên nêu quan điểm.
Đại biểu Yên cho rằng, để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, góp phần đẩy lùi và xoá bỏ tín dụng đen, Chính phủ và cơ quan soạn thảo nên bổ sung quy định về ngân hàng số tại dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, với nội dung cơ bản: Khuyến khích ứng dụng công nghệ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ tham gia phát triển các hoạt động ngân hàng số tại Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận