Phát biểu khai mạc Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu diễn ra sáng nay 28/2, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: Sự biến động của thị trường xăng dầu trong nước hiện nay như biến động giá, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng cục bộ… bên cạnh nguyên nhân khách quan là tình hình thế giới, còn có nguyên nhân chủ quan là các cơ chế, chính sách, quy định quản lý nhà nước chưa phù hợp.
Do vậy, Phiên giải trình là cơ hội đối thoại trực tiếp giữa các đại biểu Quốc hội và cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời giúp Bộ Công thương ghi nhận các ý kiến để nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong quá trình sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Chi phí định mức: Phải tính đủ và điều chỉnh kịp thời
Tại đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng đã giải trình thẳng thắn về nhận định “bất ổn thị trường xăng dầu một phần do nguyên nhân từ chi phí định mức chưa tính đúng, tính đủ trong công thức giá”.
Dẫn tỷ lệ các loại chi phí như, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về, Premium trong nước, hay chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu về cảng và chi phí kinh doanh định mức… chiếm 8,83-12,53% trong cơ cấu giá, Bộ trưởng Phớc khẳng định, để quản lý thị trường xăng dầu bền vững, giá cả ổn định, phải quản lý tốt nguồn cung để không bị đứt gãy...
Năm 2022, nhập khẩu xăng dầu khoảng 8,8 triệu tấn, chiếm 30% tổng xăng dầu tiêu thụ trong nước; còn 70% sản xuất trong nước từ Nghi Sơn và Bình Sơn. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, “nếu ổn định được 2 nguồn này thì ổn định được nguồn cung xăng dầu”.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc
Bởi lẽ, theo Tư lệnh ngành Tài chính, việc xác định các giá đều theo quy định. Dựa trên cơ sở thị trường, giá sản xuất, giá nhập khẩu để hình thành giá cơ sở, và không được bán vượt giá cơ sở, còn vùng sâu xa thì được tăng nhưng không quá 2%.
“Bộ Tài chính đã nỗ lực cùng Bộ Công thương quản lý tốt giá xăng dầu. Khi nhận được báo cáo chi phí của DN gửi lên, chúng tôi tính toán và cho ý kiến ngay.
Còn vướng mắc để sửa Nghị định 95 làm sao tiết giảm chi phí, đảm bảo nguồn cung thì đã góp ý cho Bộ Công thương”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay.
Tại phiên giải trình này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng nhắc lại những điểm bất cập cần được Bộ trưởng Công thương đánh giá lại.
Đó là, số lượng thương nhân đầu mối (34 DN) hiện quá nhiều. Trong khi, những nước lớn như Nhật Bản chỉ có 5 DN, TQ cũng chỉ có 4 DN…
Vị Bộ trưởng cũng lưu ý, cần xem lại quy định thuê kho chứa của thương nhân này. “Đã là thương nhân đầu mối thì phải có kho, còn như hiện nay không chủ động được nhập khẩu”, ông Phớc băn khoăn.
Một đề xuất đáng lưu ý được Bộ trưởng Tài chính nêu là, rút ngắn thời gian tính toán chi phí định mức xuống 1 tháng/lần, thay vì 6 tháng/lần như hiện hành vì biến động xăng dầu thường xuyên.
Vị Bộ trưởng cũng đồng ý với kiến nghị phải quy định mức tối thiểu để người bán (DN bán lẻ) không bị lỗ.
Mỗi năm cần tối thiểu 4.100 tỷ đồng để mua xăng dầu dự trữ
Về vấn đề đảm bảo nguồn cung xăng dầu, dù 2 nhà máy lọc dầu trong nước đảm bảo được khoảng 70% sản lượng, song Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết, hiện khó khăn chủ yếu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước (lọc dầu Bình Sơn và Nghi Sơn) là vấn đề tài chính.
Các loại chi phí chiếm 8,83-12,53% trong cơ cấu giá
Thực tế, thời gian vừa qua, khó khăn từ 2 nhà máy này đã có thời điểm khiến nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu cục bộ…
Để xử lý các khó khăn này, các bên tham gia góp vốn tại dự án, nhà máy và các ngân hàng tài trợ vốn đang tích cực đàm phán để thống nhất phương án tái cấu trúc tài chính phù hợp... Vấn đề dự trữ xăng dầu cũng đang được tính đến.
Tư lệnh ngành Công thương cho biết, Bộ đang tích cực xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng phê duyệt.
Trong phương án trình lần thứ 4 vào ngày 27/1/2022, đề xuất từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày. Trong giai đoạn 2026-2030, tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.
Để thực hiện phương án này, ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ.
Song theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Hiện ngân sách mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng dự trữ quốc gia.
Hiện, Bộ Công thương và Bộ Tài chính đã họp, rà soát, thống nhất tiếp tục báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm, phù hợp khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.
Tại phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành như: DN sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến sự bị động khi phải tìm nguồn thay thế; đánh giá về cơ cấu nguồn cung xăng dầu, cơ sở phân giao tổng nguồn; xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch;
Phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường; việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh; chưa “tính đúng, tính đủ” cho DN, một số yếu tố cấu thành giá được rà soát định kỳ 6 tháng, hàng năm nên không phù hợp với tình hình thực tế; việc xác định giá thế giới trong công thức tính giá cơ sở bằng cách lấy “giá trung bình” của 10 ngày trước kỳ điều hành để cấu thành “giá trần” cho 10 ngày sau vừa không bảo đảm tính chất “trần”, vừa tạo ra sự “lệch pha” giữa giá Việt Nam và giá thế giới…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận