Hạ tầng

Bộ trưởng Thăng yêu cầu thanh tra đột xuất bảo trì QL6

17/04/2015, 22:24

Không hài lòng với chất lượng, tiến độ bảo trì QL6, Bộ trưởng yêu cầu thanh tra đột xuất công tác này.

IMG_0928
Trong chuyến công tác Điện Biên, Bộ trưởng Đinh La Thăng thị sát tình hình thi công cải tạo, nâng cấp, bảo trì đường tại QL6, QL37 và cầu treo dân sinh

Thanh tra bảo trì đường, rà soát thiết kế cầu treo

Ngày 17/4, trong buổi làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Thanh tra Bộ GTVT phối hợp với Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương tổ chức thanh tra đột xuất công tác bảo trì toàn bộ QL6 trong thời gian qua. Bởi trước đó, đi dọc tuyến này, Bộ trưởng nhận thấy chất lượng sửa chữa không đảm bảo, không hoàn thành đúng thời hạn yêu cầu.

“Trước khi đi công tác Điện Biên, có đồng chí đề nghị tôi đi máy bay nhưng tôi đi ô tô để xem tình hình chất lượng bảo trì tuyến QL6. Vốn bảo trì đã được cấp sớm, nhưng tiến độ lại chậm. Chất lượng bảo trì đường không đảm bảo, cần thanh tra để xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai”, Bộ trưởng dứt khoát.

Trước khi làm việc chính thức với địa phương, Bộ trưởng cũng thị sát thực tế tình hình thi công cầu treo dân sinh tại huyện Mường Chà, thuộc đề án 186 cầu treo trên toàn quốc, do Tổng cục Đường bộ VN làm chủ đầu tư; kiểm tra một số tuyến đường, cầu mà tỉnh Điện Biên đề nghị hỗ trợ nâng cấp, cải tạo.

IMG_0984
Bộ trưởng Đinh La Thăng kiểm tra thực tế thiết kế, thi công cầu treo Huổi Nhả

Sau khi thị sát cầu treo Huổi Nhả sắp hoàn thành, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN đánh giá, xem xét lại thiết kế cầu nhằm bớt đi những hạng mục không cần thiết để tránh lãng phí.

Bộ trưởng cho rằng: “Bà con cần nhiều cầu, nếu áp dụng những hạng mục thiết kế không cần thiết là lãng phí, làm mất đi cơ hội xây dựng thêm cầu khác cho bà con. Điều này không đúng chủ trương làm cầu treo dân sinh”.

Bộ trưởng cũng cho biết, mới đây, Bộ GTVT đã rà soát thiết kế cầu Bạch Đằng - dự án trên tuyến đường nối Tp. Hạ Long (Quảng Ninh) với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã loại bỏ được những phần không cần thiết và đã tiết giảm được hơn 1.000 tỷ đồng.

Gỡ khó cho địa phương

Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Đinh La Thăng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Mùa A Sơn cho biết toàn tỉnh có hơn 609km quốc lộ (được ủy thác quản lý 479km), nhưng tỷ lệ đường bê tông nhựa mới đạt 48%. Tỷ lệ đường tỉnh lộ bê tông nhựa cũng chỉ đạt 2,6%. Tất cả các xã, phường đã có đường ôtô đến được trung tâm, nhưng 15,4% chỉ đi được vào mùa khô; 26,7% đường đến trung tâm xã chưa được kiên cố hóa.

“Tỉnh không có nguồn lực nâng cấp đường. Nguồn lực đầu tư cho phát triển giao thông địa phương chủ yếu phụ thuộc trung ương, nguồn kinh phí duy tu bảo trì hạn chế” - Chủ tịch tỉnh nêu khó khăn.

IMG_1119
Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra các giải pháp thiết thực tháo gỡ khó khăn cho địa phương

Một trong những khó khăn khác được Bí thư Tỉnh ủy Lò Mai Chinh nêu lên là đa số người dân miền núi nghèo, nên chủ trương huy động nhân dân làm đường GTNT theo tiêu chuẩn chung chưa phù hợp với thực tế địa phương, khiến tỷ lệ đường GTNT được kiên cố hóa thấp.

Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đồng ý với đề xuất của địa phương về việc chuyển 74,5km Tỉnh lộ 139 từ Pom Lót - Chiềng Sài và 78km tuyến vành đai biên giới Núa Ngam - cửa khẩu Huổi Puốc thành QL37 để đảm bảo sự kết nối đồng bộ, kết nối với QL 279 đi cửa khẩu Tây Trang.

Và để sân bay Điện Biên Phủ phát huy hiệu quả, Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT sẽ làm việc với các hãng hàng không để mở thêm các đường bay nội địa, tuyến bay quốc tế tới sân bay của tỉnh.

Bộ trưởng cũng đưa ra giải pháp hỗ trợ đăng kiểm xe cơ giới địa phương miền núi này từ nguồn kinh phí có được sau khi xã hội hóa các trạm đăng kiểm ở Hà Nội. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đề nghị địa phương có cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư xã hội hóa đăng kiểm xe cơ giới và trạm dừng nghỉ trên QL6 đi qua địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng giao Cục Đăng kiểm VN tổ chức đăng kiểm miễn phí phương tiện thủy cho người dân thuộc diện nghèo, khó khăn; giao các ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ lắp đặt hệ thống phao tiêu, báo hiệu trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề đi lại của người dân vùng sâu, vùng xa của địa phương, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ VN, các cơ quan của Bộ GTVT đôn đốc để hoàn thành sớm 22 cầu treo dân sinh, đồng thời giao cho địa phương thi công 34 cầu cứng đã được chấp thuận xây dựng.

Xây dựng tiêu chuẩn đường nông thôn theo đặc thù vùng

Bộ trưởng giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng CTGT xây dựng tiêu chuẩn đường GTNT căn cứ theo tính chất, đặc thù của các vùng trên cả nước, để phù hợp với thực tiễn từng vùng miền. Bộ trưởng ủng hộ địa phương xây dựng đề án cụ thể về xây dựng hệ thống GTNT, để Bộ GTVT đưa vào đề án tổng thể trình Chính phủ.

Văn phòng Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương được giao ưu tiên nguồn kinh phí bảo trì cho các địa phương miền núi, trong đó có tỉnh Điện Biên, để giải quyết kịp thời những đoạn đường xuống cấp, đảm bảo an toàn cho người dân. 

“Người dân vùng sâu, xa không được hưởng lợi trực tiếp từ những sân bay, nhà ga hiện đại. Đường cao tốc mới làm đi qua thôn, bản cũng chỉ dành cho ô tô, còn người dân nhường đất lại không được đi. Vì vậy, cần ưu tiên nguồn vốn bảo trì đường bộ cho tỉnh miền núi, xây dựng cầu dân sinh cho bà con” - Bộ trưởng nói.

Tham gia cùng đoàn công tác, ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho người dân, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ tổ chức vận động tài trợ để đăng kiểm phương tiện thủy miễn phí cho người dân địa phương.

Và để giải quyết vấn đề phụ nữ người dân tộc Thái khó sử dụng MBH khi đi xe máy do tập tục búi tóc, Ủy ban ATGT Quốc gia sẽ thiết kế mẫu MBH phù hợp với chị em. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ địa phương trong công tác tuyên truyền, kiểm soát, xử lý vi phạm khi người uống rượu bia tham gia giao thông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.