Xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 46 trang mạng mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước

08/11/2019, 10:51

8h sáng nay 8/11, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

img
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội

Có công cụ kiểm soát tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ"

Sáng nay (8/11), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội trong vai trò người đứng đầu ngành Thông tin - truyền thông.

Liên quan đến hoạt động báo chí, trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ’, hay giữ tít nhưng thay đổi nội dung… Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và truyền thông đã xây dựng công cụ để theo dõi, phát hiện và xử lý tình trạng này.

Hiện nay, cả Bộ, Ban Tuyên giáo, Hội Nhà báo và một số Sở Thông tin và truyền thông địa phương đã sử dụng công cụ này để kiểm soát. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng công cụ về lưu chiểu báo chí điện tử… Qua đó, tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" đã giảm đáng kể.

Tạm ngừng cấp phép mới cơ quan báo chí

Về công tác quản lý báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tính đến nay cả nước có 844 báo, tạp chí in; 24 báo, tạp chí điện tử độc lập. Cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương… Số người làm việc trong lĩnh vực báo chí là 41.600 người (phát thanh, truyền hình 17.600 người; báo in, báo điện tử 24.000 người). Bộ Thông tin và truyền thông cũng đã cấp 23.402 thẻ nhà báo.

Thời gian qua, trong quá trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, Bộ Thông tin và truyền thông tạm thời không xem xét cấp phép mới cơ quan báo chí. Chỉ cấp phép cho một số cơ quan báo chí đang hoạt động thực hiện thêm loại hình báo chí.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, từ cuối năm 2013 đến nay (thời điểm Nghị định 72 có hiệu lực), tổ chức, doanh nghiệp muốn hoạt động thông tin điện tử tổng hợp, hay mạng xã hội đều phải có giấy phép.

Hầu hết các trang thông tin điện tử có lượng truy cập lớn chấp hành tương đối tốt các quy định của pháp luật. Tính hết tháng 10/2019, Cục PTTT và TTĐT đã xử phạt 13 vụ với tổng số tiền hơn 248 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép; Cung cấp, đăng tải thông tin, hình ảnh sai sự thật; thực hiện không đúng quy định trong giấy phép.

Hiện Bộ Thông tin và truyền thông đã yêu cầu tạm dừng cấp phép các trang TTĐT tổng hợp đối với các doanh nghiệp và cơ quan báo chí trên phạm vi toàn quốc. Đối với các trang đã cấp phép, sẽ thực hiện tổng rà soát ngay trong những tháng tới để chấn chỉnh các vi phạm về “báo hóa”, về quảng cáo, về tổng hợp thông tin, về bản quyền nội dung. Nếu phát hiện vi phạm sẽ dừng tên miền kết hợp với xử phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép.

Gỡ, hạ 207 website mạo danh

Một thông tin đáng chú ý khác được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tiết lộ khi trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương Quảng Bình là việc cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang mà Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố là khủng bố.

Liên quan đến các thế lực chống phá, trả lời câu hỏi của ĐB Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nam), Bộ trưởng Hùng cho hay Bộ vừa rồi đã xử lý rất nhiều các trang web mạo danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

“Trong 2 tháng vừa qua, Bộ đã làm rất mạnh tay và gỡ, hạ 207 website mạo danh. Có trang là website thì ngăn chặn, còn trang trên nền tảng mạng xã hội thì phối hợp ngăn chặn”, Bộ trưởng nói và cho biết thêm: Trong số này có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông sắp tới sẽ làm việc với các lãnh đạo, thành viên Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, bộ ngành về vấn đề này”, ông cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.