Phát triển các ngành lợi thế, tập trung vào chế biến
Sáng 6/11, các đại biểu đã dành nhiều câu hỏi cho Tư lệnh ngành NN&PTNT về vấn đề đảm bảo chất lượng, giá bán cho các sản phẩm nông nghiệp. Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắc Nông) đặt câu hỏi: “Giải pháp gì để phục hồi, chuyển đổi nông sản khi được mùa mất giá hay được giá mất mùa?”, Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) chất vấn: “Việc giải cứu nông sản, Bộ trưởng có trách nhiệm thế nào?”, Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề: “Cà phê, cao su, tiêu là các cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhưng mấy năm gần đây giá cả bấp bênh, thì giải pháp tới đây như thế nào?”
Trả lời các câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, tổ chức sản xuất chuỗi liên kết sẽ giảm hiện tượng được mùa mất giá.
Người Việt Nam cũng có quyền ăn những sản vật ngon
Đồng ý với đề xuất của Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) về việc đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cá ngừ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin, cá ngừ Việt Nam đã có giá trị xuất khẩu lên đến 650 triệu USD, nếu có giải pháp thì sẽ còn cho giá trị cao hơn.
Nêu một mô hình làm tốt ở Khánh Hòa, có liên kết của ngư dân với 145 tàu, khi đánh bắt được cá ngừ sẽ có tàu chở về để chế biến ngay, Bộ trưởng Cường cho rằng cần tổ chức chuỗi khai thác trên biển, tập trung công nghệ chế biến và phát triển thị trường. “Nếu làm tốt như ở Khánh Hòa, chúng ta có thể nâng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba giá trị xuất khẩu của cá ngừ”, ông Cường phân tích và lưu ý, đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu, hãy nhớ phục vụ thị trường 100 triệu dân của Việt Nam vì “chúng ta có quyền ăn những sản vật ngon”.
“Nếu không cải thiện được khâu chế biến, thì không dập được chuyện hôm nay được, ngày mai mất. Nền kinh tế thị trường cũng rất khó đấy, không ai dự báo được ngày mai cái gì giá thế nào cả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời.
Tư lệnh ngành NN&PTNT nêu ví dụ, Việt Nam chiếm đến 60% sản lượng hạt tiêu của thế giới, phát triển chỉ trong 7 năm nên thừa là đương nhiên. Do đó, sắp tới phải tập trung chế biến, chế biến sâu; ngoài ra, phải rà soát để kiểm soát diện tích của từng loại cây cho hiệu quả. Từ đó, khắc phục được hiện tượng được mùa mất giá.
“Trách nhiệm của bộ với các ngành, chúng tôi đã bàn kỹ, tới đây tập trung chế biến. Thứ hai, tổng rà soát lại, phát triển các ngành lợi thế. Như cây tiêu chỉ dừng đến mức nào thôi, không để vọt lên 150.000 ha trong khi quay hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Diện tích không hiệu quả, kém canh tác phải nhường chỗ cho cây khác”, ông Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng lưu ý giải pháp tập trung kêu gọi nhiều doanh nghiệp vào tổ chức liên kết cho bà con nông dân, phục vụ sản xuất.
“Trong các tỉnh Tây Nguyên thì Gia Lai rất tích cực, Bí thư, Chủ tịch tỉnh mời rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí, họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp”, ông Cường nói và cho hay hiện có 1 nhà máy đã được hình thành phục vụ sản xuất, nhưng do sự mời gọi nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp cảm động nên quyết định đầu tư thêm một nhà máy nữa.
Bộ trưởng Cường cũng khẳng định việc này là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT nên Bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây Nguyên.
Dân bỏ nhà cửa, nương rẫy đi nơi khác tìm việc
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) đề cập vấn đề xoay quanh cà phê, tiêu - là những mặt hàng mang giá trị xuất khẩu trong nhiều thập kỷ qua, vậy nhưng thực tế hiện nay, nhiều người dân trồng cà phê và tiêu đã dần bỏ sau lưng nhà cửa, rẫy nương và những món nợ để lên TP.HCM, Đồng Nai tìm việc làm. “Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới”, đại biểu chất vấn.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường trả lời nhưng đại biểu Hữu chưa hài lòng và tiếp tục sử dụng quyền tranh luận. “Nông dân bỏ nương rẫy chứng tỏ chính sách nông nghiệp chưa hiệu quả. Tới đây phải làm sao? Việc giá cà phê, giá tiêu xuống thấp kéo dài thì cử tri biết hết nhưng ước mong của cử tri mong Nhà nước có phản ứng quyết liệt thì người nông dân mới thỏa đáng”, ông Hữu nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nói thêm mặt hàng tiêu và cà phê là mặt hàng có giá trị xuất khẩu nhưng đời sống người dân rất bấp bênh, vậy Bộ trưởng cần làm rõ giải pháp thế nào.
Tham gia tranh luận, đại biểu Phan Thanh Bình (Đồng Tháp) đồng tình sản xuất nông nghiệp có rủi ro, nguyên nhân do công nghiệp chế biến và kinh tế thị trường, thiên tai địch họa.... Nhưng ông Bình “băn khoăn khi Bộ trưởng nhìn nhận về nông nghiệp như thế”.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng bày tỏ lo lắng khi Bộ trưởng Cường nói khâu tổ chức sản xuất không còn là số một. Bà Tâm cho rằng khâu tổ chức sản xuất luôn phải là khâu gốc, được quan tâm nhiều nhất. Tổ chức sản xuất không tốt thì lấy đâu ra sản phẩm để bán. Bà đề nghị Bộ trưởng làm rõ quan điểm trong vấn đề này.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã giải thích lại: “Trong điều kiện của chúng ta hiện nay, tôi muốn nhấn mạnh là khâu tìm kiếm thị trường và khâu chế biến là việc chúng ta cần tập trung để phát triển, chứ chúng tôi không coi nhẹ khâu tổ chức sản xuất”.
Một vấn đề được nhiều đại biểu chất vấn Tư lệnh ngành NN&PTNT là việc các tàu đóng mới hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh.
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, chúng ta đã phát triển được 1.030 phương tiện, với công suất lớn từ 800 mã lực trở lên với 3 loại vật liệu: sắt, composit và gỗ. Riêng tàu sắt, hiện nay có 358 chiếc.
Bộ trưởng đánh giá, loại hình tàu sắt là phương tiện mới, quá trình đóng, có 40 tàu bị hỏng hóc, trong đó có 21 tàu của Bình Định, tỉnh phải vào cuộc. Hiện nay, còn 55 chiếc tàu đóng mới nằm bờ, nhưng không ra khơi được do nhiều nguyên nhân như đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu chết, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động...
“Chúng tôi đã tham mưu, Thủ tướng đã có nhiều quyết sách. Về tiềm năng ngư trường, chúng ta không khuyến khích nhiều nữa, phương án hỗ trợ tín dụng 11 năm không còn phù hợp”, ông Cường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận