Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 17/11. |
Chiều nay (17/11), Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các ĐBQH.
Bộ TT&TT kiến nghị sớm kết luận thanh tra
Trong chương trình làm việc buổi sáng, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt 3 câu hỏi liên quan đến thông tin Mobifone mua AVG: “Từ nhu cầu nào, dựa trên cơ sở nào mà Mobifone sử dụng vốn chủ sở hữu Nhà nước mua AVG? Giá trị đích thực trong vụ giao dịch, chuyển nhượng này là bao nhiêu? Và từ khi mua AVG về Mobifone thì hiệu quả hoạt động ra sao, hiệu quả có tương ứng đồng tiền bỏ ra hay không?”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - người điều hành phiên chất vấn cho rằng vụ việc này đang được thanh tra, khi nào có kết luận thanh tra mới có cơ sở để trả lời ĐB.
Cũng đề cập đến việc Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đánh giá "đây là vấn đề rất được dư luận rất quan tâm, mong Bộ trưởng sớm có câu trả lời".
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành tranh tra nội dung trên từ tháng 9/2016 đến nay, hiện Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhằm sớm có kết luận cuối cùng, với định hướng là bảo toàn giá trị doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng.
Thời gian vừa qua, Bộ TT&TT cũng có văn bản kiến nghị sớm có kết luận thanh tra. "Đến nay chúng tôi cũng chưa nhận được kết luận thanh tra để tiếp thu, giải trình. Khi chưa công bố kết luận thanh tra thì chúng tôi cũng chưa có nội dung gì hơn để thông báo", ông Tuấn nói.
Thiếu kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử
Trả lời nhóm câu hỏi liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết sở dĩ xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử còn hạn chế do có nhiều nguyên nhân.
Trước hết, người đứng đầu một số cơ quan nhà nước chưa quan tâm chỉ đạo, quyết liệt trong việc xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử góp phần cải cách thủ tục hành chính, chưa gương mẫu, chưa trực tiếp tham gia quá trình chỉ đạo điều hành trên môi trường mạng.
Thứ hai, kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử tại nhiều bộ ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nên việc ứng dụng CNTT chậm, kéo dài hoặc triển khai không đồng bộ.
Ngay sau phần trả lời này, 3 ĐB giơ biển xin tranh luận. ĐB Vũ Trọng Kim tranh luận về việc mạng xã hội đang áp đảo: “Bộ trưởng trả lời có mấy câu tôi cảm thấy hoang mang, tôi sợ người khác cũng hoang mang như tôi, mà số nhiều hoang mang thì không hay. Thứ nhất, Bộ trưởng nói mạng xã hội hiện nay đang áp đảo, nhưng không biết áp đảo gì? Áp đảo dư luận xã hội hay áp đảo báo chí cách mạng? Thứ hai, Bộ trưởng nói đến chuyện “trách móc”, nhưng tôi nghĩ rằng, khi mà Google và Facebook làm sai thì có biện pháp gì, không phải trách móc, vỗ vai là xong. Đó là cái chúng ta phải chú ý, có chế tài để đảm bảo giữ vững mặt trận tư tưởng".
ĐB Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng Tuấn về hạn chế trong xây dựng Chính phủ điện tử: “Bộ trưởng đánh giá chi cho Chính phủ điện tử chưa đáp ứng yêu cầu. Nhưng thông tin chính thống tôi biết, dù ngân sách có hạn nhưng trong 3 năm chúng ta đã chi đầu tư cho công nghệ thông tin viễn thông, kết cấu hạ tầng năm 2014 là 6.894 tỷ đồng, năm 2015 là 6.839 tỷ đồng, năm 2016 là 6.613 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng chi ngân sách Nhà nước.
Tỷ lệ máy tính được trang bị cho công chức, viên chức ở T.Ư là 87, 94%, cấp tỉnh là 95,26%. Về kết cấu kết nối internet ở T.Ư là 94,49%”.
Cùng với đó, bà cho biết báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp về PCTN có đánh giá việc đầu tư cho công nghệ thông tin viễn thông, kết cấu hạ tầng phục vụ hành chính thì chi phí lớn nhưng bộ máy không giảm, hoặc giảm chưa tương xứng với số tiền đã đầu tư. Chính vì vậy, bà kiến nghị Bộ trưởng cần quan tâm hiệu quả đầu tư vì số tiền đầu tư này không phải nhỏ.
Đồng tình, ĐB Ngô Trung Thành (Đăk Lăk) cho rằng nguyên nhân về kinh phí Bộ trưởng đưa ra chưa thoả đáng. “Hiện nay các Bộ ngành đã và đang xây dựng nhiều cơ sở dữ liệu. Chính phủ cũng có quy định rõ trong việc này, yêu cầu việc xây dựng cơ sở dữ liệu phải sử dụng dữ liệu hiện có, có kết nối liên thông nhưng rất lạ là nhiều cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu từ đầu, không kết nối, không liên thông dẫn đến lãng phí ghê gớm, mà hiệu quả thì không cao. Bộ có tính toán được số tiền lãng phí này không, Bộ đã làm gì khắc phục tình trạng này?”, ông Thành chất vấn.
Cần 1.700 tỷ ứng dụng CNTT trong quản lý Nhà nước
Trả lời tranh luận của ĐB Vũ Trọng Kim, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết trước đó, ĐB Cao Thị Xuân hỏi thông tin trên mạng có lấn át thông tin báo chí không, ông trả lời nói như vậy là gần đúng vì tốc độ truyền tin trên mạng xã hội là nhanh chóng, áp đảo, nhưng đa số người dân vẫn tin vào sự trung thực trong thông tin của báo chí hơn thông tin truyền trên mạng xã hội.
Thứ hai, liên quan đến ý kiến của ĐB Lê Thị Nga, Ngô Trung Thành và ý kiến chất vấn của ĐB Thạch Phước Bình về ngân sách chi cho đầu tư kết cấu hạ tầng viễn thông, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, kinh phí chi cho ứng dụng thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử là chưa đáp ứng nhu cầu.
Cụ thể là giai đoạn 2011-2015, tại Quyết định số 1605 của Thủ tướng phê duyệt chương trình quốc gia về ứng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý Nhà nước. Kinh phí dành cho chương trình quốc gia giai đoạn này là 1.700 tỷ đồng, và Bộ TT&TT đã đề nghị Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT ưu tiên kinh phí thực hiện, tuy nhiên do khó khăn về vốn, ngân sách rất eo hẹp, nên kinh phí bố trí cho dự án này rất hạn chế: Năm 2011 là 120 tỷ, năm 2012 là 100 tỷ, năm 2013 là 70 tỷ, năm 2014 và 2015 đều chỉ khoảng 100 tỷ.
Do mức vốn thực tế được bố trí thấp hơn nhiều so với nhu cầu, chỉ đạt khoảng 29% so với quyết định của Thủ tướng nên mục tiêu quốc gia nêu trong Quyết định được triển khai chậm và chưa được triển khai. G
iai đoạn 2016-2020, Chính phủ có Nghị quyết 73 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, trong đó mục tiêu về CNTT có tổng mức thực hiện là 7.920 tỷ, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách T.Ư là 2.960 tỷ, nhưng cho đến nay, theo thông báo của Bộ KH-ĐT chỉ bố trí được khoảng 880 tỷ, chiếm 35%. Và với mức vốn cho chương trình bị giảm lớn như trên, giai đoạn từ nay đến 2020 khó có thể hoàn thành mục tiêu ứng dụng CNTT vào xây dựng Chính phủ điện tử như Thủ tướng chỉ đạo. Bộ trưởng nhấn mạnh đồng tình với ĐB về việc cần đánh giá hiệu quả ứng dụng CNTT vào xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, tinh giản biên chế.
Nhiều cán bộ sợ bị giám sát khi ứng dụng CNTT
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. |
Báo cáo thêm về lĩnh vực mình phụ trách, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, về xây dựng Chính phủ điện tử, phải nhìn thẳng thực tế là chúng ta rất tích cực, cố gắng nhưng chỉ đứng ở xung quanh thứ tự 80, có năm còn đứng thứ 113 trên thế giới. Năm 2016 vừa rồi, cố gắng lắm tăng được 10 bậc và Việt Nam vẫn đứng ở thứ 89.
Theo Phó Thủ tướng, người ta đánh giá ở 3 nhóm tiêu chí, thứ nhất là hạ tầng, thứ là nhân lực và thứ ba là việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cả 3 mặt này của chúng ta còn nhiều hạn chế cần làm tốt hơn.
Về dịch vụ công trực tuyến, đến tháng 7/2017,chúng ta có hơn 109 nghìn dịch vụ công, 95% nằm ở cấp tỉnh trở xuống, ở cấp bộ chỉ 5%. Tháng 7 vừa rồi, chúng ta mới có 1% dịch vụ công ở mức 4 – mức cao nhất tức là kèm theo thanh toán. 5% ở cấp độ 3, tức là người dân lấy mẫu trên mạng được, khai xong, nộp đi và nhận kết quả thanh toán phải đến trực tiếp.
Ở các Bộ và số ít hơn, tuỳ các Bộ và tuỳ tính chất công việc thì tỷ lệ khác nhau. Hiện nay, CNTT chỉ là công cụ để phục vụ CCHC và xây dựng Chính phủ điện tử. Điều đầu tiên chúng ta cần là phải xác định quyết tâm, nhiệm vụ chính trị cụ thể là phải ứng dụng CNTT để xây dựng Chính phủ điện tử, không chỉ vì vấn đề biên chế, không chỉ để tiết kiệm thời gian, chi phí của doanh nghiệp mà quan trọng hơn hết là công khai minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thế giới đánh cao việc này. Vừa qua, môi trường cạnh tranh của ta tăng 14 bậc, đây là mức tăng lớn nhất trong nhiều năm qua. Trong đó có 2 chỉ số mang tính quyết định là thuế và bảo hiểm. Đặc biệt, bảo hiểm đã tăng vọt 81 bậc, từ 187 xuống còn 86 vì bảo hiểm xã hội 3 năm vừa qua đã làm hệ thống CNTT quản lý. Nói như vậy để thấy ứng dụng CNTT quan trọng.
“Tiền chúng ta có thiếu không?”, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi và lý giải, ở một góc độ nào đó thì bao giờ cũng chưa đủ. Nhưng với số tiền đó, nếu sử dụng tốt hơn thì chúng ta đã có thể làm tốt hơn. Điều quan trọng hàng đầu là nhận thức của mọi người, phải vượt qua tâm lý ngại ứng dụng công nghệ, sợ rằng mình không giỏi về việc đó thì mất quyền kiểm soát bộ máy của mình, công việc của mình.
Thứ hai, phải thẳng thắn là còn một số bộ phận ngại công khai minh bạch. Nếu ứng dụng CNTT vào quản lý điều hành coi như tự nhiên mình bị giám sát. Ở bên dưới bộ phận kỹ thuật thì rất cục bộ như nhiều ĐBQH đã nói: Dữ liệu thì có nhiều nhưng nằm ở mỗi nơi một tí, không ai chịu liên thông. Kế đó là tâm lý muốn tự mình làm hết. Muốn mua máy tính, muốn mua phần mềnh nhưng nếu không ra dịch vụ thì máy tính đó, phần mềm đó là lãng phí.
Vì thế Phó Thủ tướng cho biết, năm nay Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, đầu tiên là khuyến khích, sau là bắt buộc là phải thuê dịch vụ. Chúng ta cứ căn cứ vào dịch vụ công trực tuyến, từng dịch vụ giao mà thuê. Khi đó, những người chuyên nghiệp sẽ làm, từ đó sẽ có cơ sở dữ liệu. Ví dụ đâu có cần phải xây dựng lại dữ liệu đối tượng những người khuyết tật phải tài trợ. Chỉ cần thuê bưu điện, ngân hàng đi tài trợ tiền đó, lập tức bưu điện, ngân hàng sẽ đứng ra làm cơ sở dữ liệu. Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt, yêu cầu phải cụ thể, đo được, đếm được ở từng bộ. Cuối năm phải báo cáo công khai xem từng Bộ đã làm được bao nhiêu dịch vụ công.
Về báo chí và mạng xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là tạo điều kiện phát triển nhưng đi đôi với quản lý tốt. Cái gì tốt thì phát huy, không tốt phải ngăn chặn với thái độ cương quyết hơn, đúng pháp luật, đúng xu thế trên thế giới.
Sim rác không phải từ trên trời rơi xuống
Tiếp tục tranh luận, ĐB Nguyễn Mai Bộ, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh đánh giá câu trả lời Bộ trưởng Trương Minh Tuấn giải đáp về sim rác chưa thoả đáng.
“Sim rác không phải trên trời rơi xuống mà chính 2 DN lớn thuộc Bộ cung cấp. Như vậy liệu có phải “vừa đá bóng vừa thổi còi”? Giải pháp của Bộ trưởng cái nào cũng là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bộ trưởng cần chỉ ra điều luật cụ thể nào?”, ông Bộ đặt vấn đề.
Trả lời, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, Bộ đã xử lý vi phạm của các doanh nghiệp viễn thông, kể cả VinaFone, MobiFone. Trước đây, cơ quan chức năng chỉ chế tài đại lý nên tình trạng sim rác không được giải quyết triệt để, theo quy định mới thì các nhà mạng cũng phải có trách nhiệm và bị xử lý nếu có sai phạm. "Sai phạm xuất phát từ đại lý cũng xử lý doanh nghiệp, và xử lý cả trách nhiệm lãnh đạo Vinaphone, MobiFone chứ không để tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi", ông Tuấn nói.
Chốt lại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống kê có 55 ĐB đặt câu hỏi chất vấn, 9 ĐB tranh luận và 24 ĐB chưa có thời gian đặt câu hỏi, sẽ gửi và nhận câu trả lời từ Bộ trưởng bằng văn bản. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, các ĐBQH đã đặt câu hỏi thẳng thắn, rõ, đúng vấn đề. Theo Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn dù đã một lần trả lời chất vấn trước Uỷ ban TVQH, nhưng đây là lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội, nhưng Bộ trưởng đã nắm chắc thực trạng, trả lời thẳng thắn tất cả vấn đề ĐBQH nêu, phần trả lời của Bộ trưởng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm rõ thêm cơ bản nhận được sự hài lòng của các ĐBQH. Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, qua phiên chất vấn, trả lời chất vấn này cho thấy dù còn tồn tại và hạn chế nhưng Chính phủ, Bộ TT&TT đã tích cực có biện pháp, đề án, giải pháp, chủ động xử lý các hành vi vi phạm, nhưng đòi hỏi cần quyết liệt hơn mới chuyển biến tích cực. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận