Phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn chiều 17/11
Sáng 17/11, tiếp sau Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, đến lượt Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đăng đàn trả lời chất vấn các ĐBQH.
Sau lần trả lời chất vấn tại phiên họp TVQH hồi tháng 4/2017, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn đăng đàn trước Quốc hội.
Ngay khi bắt đầu phiên chất vấn, đã có tới 70 ĐBQH đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tuấn.
Không ít trường hợp tự tử do bị bôi xấu trên mạng xã hội
ĐB Đinh Thị Kiều Trinh |
ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) chất vấn về biện pháp kiểm soát lượng thông tin xấu, độc hại, tin giả, xuyên tạc, bôi xấu chế độ còn nhiều trên mạng xã hội.
Cho rằng vai trò của cơ quan chủ quản chưa phát huy đầy đủ, ĐB hỏi giải pháp khắc phục thời gian tới.
Trả lời, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn chia sẻ, 15 năm trước, không ai nghĩ mạng xã hội và internet phát triển như ngày nay. Nó đã mang lại tiện ích cho con người, làm cho con người xích lại gần nhau. Đó cũng là kho kiến thức đồ sộ, khổng lồ. “Vai trò của mạng xã hội và internet là không thể phủ nhận, không ai đi ngược lại xu hướng này”, Bộ trưởng khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông, bên cạnh những tiện ích rất lớn này, tác hại mạng xã hội đem lại không hề nhỏ. Đó là việc xuất hiện tràn lan thông tin bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm đời tư, kích động bạo lực, chia rẽ tôn giáo, khiêu dâm… trên mạng xã hội.
Bộ trưởng nhấn mạnh, không nên coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà phải xem lại ý thức của người sử dụng mạng xã hội.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Việt Nam có 53 triệu người sử dụng facebook, hầu hết trong số đó đều là người tốt và chỉ có một bộ phận nhỏ năng lượng xấu đang lấn lướt trên mạng xã hội, nhưng số đó lại gây ảnh hưởng rất nhiều.
“Có việc ném đá, nói xấu, chì chiết làm thù ghét nhau. Nếu nói tốt trên mạng xã hội ít người quan tâm, nhưng một lời lẽ xúc phạm thì lại được nhiều người chú ý. Đây là vấn đề rất nhức nhối. Đã có 5 – 6 trường hợp tự tử vì bị bôi xấu, "ném đá tập thể" trên mạng xã hội”, Bộ trưởng Tuấn nêu thực tế và cho biết, Bộ đã làm việc với nhiều cơ quan liên quan để làm thế nào tăng cường năng lượng tốt, hạn chế năng lượng xấu.
Giải pháp là trước hết cần tuyên truyền làm rõ tiện ích cũng như hạn chế của mạng xã hội. Thứ hai, làm việc với mạng xã hội nước ngoài, yêu cầu họ tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
“Vừa qua chúng tôi gỡ khoảng gần 5.000 clip trên Youtube có xâm hại lợi ích của đảng, nhà nước, người dân”, ông thông tin và lưu ý giải pháp dùng thông tin tích cực trên báo chí đẩy lùi thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.
Thông tin trên mạng xã hội lấn lướt báo chí
ĐB Cao Thị Xuân |
ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hoá) cung cấp thông tin hiện có 363 trang mạng xã hội trong nước được Bộ TT&TT cấp phép hoạt động. Đặc biệt, có 2 mạng xã hội nước ngoài rất đông người sử dụng là Facebook (53 triệu người dùng) và Youtube (35 triệu người dùng).
Nữ ĐB hỏi Bộ trưởng: “Có hay không tình trạng thông tin mạng xã hội lấn át thông tin báo chí chính thống? Bộ TT&TT có giải pháp gì tận dụng mạng xã hội để nâng cao dân trí, đồng thời hạn chế thông tin xấu?".
Trả lời ĐB, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng nhận định trên là gần đúng. Vì thực tế, thông tin trên mạng xã hội không lấn lướt trên báo chí nhưng do tốc độ truyền tin nhanh và áp đảo. Theo Bộ trưởng, đa số người dân vẫn tin vào sự trung thực của báo chí hơn.
“Không riêng gì Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới đều như thế. Mỹ và Pháp trong đợt bầu cử vừa qua cũng vậy nhưng luật pháp của họ giúp kiểm soát được”, Bộ trưởng thông tin.
Ông cũng thừa nhận chúng ta không khỏi lúng túng khi xử lý các vấn đề. “Luật Báo chí của ta ra đời năm 2016 trong khi thông tin trên mạng xã hội nhiều yếu tố không khác báo chí, nhưng lại không bị điều chỉnh bởi luật này. Chính điều này đã khiến cơ quan quản lý Nhà nước lúng túng khi chạm đến những vấn đề liên quan đến mạng xã hội”, ông Tuấn nói và khẳng định không né tránh thực tế đó.
Về giải pháp, ông cho rằng trước mắt cần nhận thức rõ dù luật của ta chưa thật sự hoàn chỉnh nhưng vẫn đủ cơ sở để điều chỉnh hành vi vi phạm trên mạng xã hội. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp rõ danh tính người vi phạm trên mạng xã hội nhưng không bị xử lý do người bị hại, bị bôi nhọ không có phản ứng.
“Cùng một vi phạm, có người này bị xử lý nhưng người khác thì không. Điều đó tạo đồn đoán là người này được ai đó "bảo kê" còn người kia thì không”, Bộ trưởng nói.
Đối với người dùng mạng xã hội nặc danh, Bộ trưởng cho biết đang làm việc với các nhà mạng, bước đầu có kết quả khả quan.
Cùng với đó, ông cho rằng phải rà soát hệ thống pháp luật để điều chỉnh hành vi trên mạng xã hội. Trong đó, một vấn đề hết sức quan trọng là phải lấy báo chí làm hạt nhân để dẫn dắt mạng xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực song song với việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.
Năm vừa qua, Bộ trưởng cho hay cũng là lần đầu tiên chúng ta đã xử lý được những cá nhân có phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội.
Có tình trạng phóng viên dọa dẫm doanh nghiệp, ép quảng cáo
ĐB Nguyễn Phương Tuấn |
ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) hỏi Bộ trưởng Trương Minh Tuấn về giải pháp chấn chỉnh tình trạng một số phóng viên hù doạ, tống tiền doanh nghiệp, người dân gây bức xúc cho xã hội.
Trả lời, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhắc đến việc thành lập cơ quan thường trú của các cơ quan báo chí. Theo ông, một tờ báo không có phóng viên thường trú sẽ không có tin bài hay, nhanh nhạy và phản ánh kịp thời ở các địa phương. Nhiều phóng viên thường trú đều là người địa phương, công tâm, có nhiều bài viết hay, sâu sắc phản ánh mọi mặt địa phương. Nhưng phóng viên thường trú không được chỉ khen địa phương, mà phải biết chê cho xứng đáng để địa phương khắc phục vươn lên.
Tuy nhiên, ông khẳng định việc gần đay có tình trạng nhà báo, nhất là các phóng viên thường trú vi phạm pháp luật, hù doạ doanh nghiệp. Ông cho hay, lâu này Bộ đã kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính, đình bản, xử lý một số phóng viên thường trú vi phạm nhưng tình trạng này hầu như không giảm.
Nguyên nhân do việc lựa chọn phóng viên thường trú không đủ tiêu chuẩn, thậm chí sử dụng phóng viên bị kỷ luật ở địa phương đưa sang làm thường trú. Ông kể chuyện có lãnh đạo địa phương phản ánh việc 1 phóng viên thường trú viết tới 7 bài nhưng toàn điểm xấu, không có bài tốt nào mặc dù địa phương làm được rất nhiều việc.
Bộ trưởng cũng thừa nhận có việc phóng viên thường trú câu kết với một số cộng tác viên hù doạ doanh nghiệp, kêu gọi quảng cáo. “Cơ quan báo chí “khoán trắng” cho anh em thường trú, họ không những phải tự kiểm sống mà còn kêu gọi quảng cáo để nộp cho toà soạn. Có doanh nghiệp đưa tôi tập danh sách 50 cơ quan báo chí kêu gọi quảng cáo trong 1 tuần, nhưng không dám tố cáo vì sợ “được vạ thì má sưng””, Bộ trưởng Tuấn kể lại.
Ông cũng cho biết, vừa qua Bộ đã phối hợp triển khai 5 đoàn kiểm tra ở miền Trung Tây, nguyên và miền Tây nam bộ, hiện đang tập hợp lại để đề ra giải pháp căn cơ, trong đó có việc cơ quan báo chí phải cử phóng viên có chất lượng, đạo đức.
Sai phạm của báo chí đáng báo động
ĐB Mông Văn Tình (Nghệ An) đánh giá báo chí là loại hình truyền thông ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ tới xã hội, cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, báo chí thời gian qua tồn tại nhược điểm, vi phạm chủ yếu liên quan sai sự thật, chưa chính xác. “Bộ trưởng và ngành sẽ có giải pháp như thế nào giải quyết tình trạng trên?", ĐB đặt câu hỏi.
ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cũng chất vấn về biện pháp nào để ngăn ngừa, xử lý sai phạm của báo chí, đảm bảo báo chí hoạt động lành mạnh.
Trả lời, Bộ trưởng Tuấn cho biết tình trạng báo chí vi phạm thông tin sai sự thật, chưa chính xác làm uy tín nghề báo bị giảm là vấn đề nhức nhối.
Theo ông, vai trò của báo chí rất rõ ràng, không có báo chí thì mọi mặt đời sống không được phán ánh đầy đủ; Những nơi khó khăn nhất đều có vai trò của báo chí, đưa đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Ông khẳng định báo chí có vai trò rất lớn trong mọi bước thành công của đất nước.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, gần đây sai phạm của báo chí là rất lớn, đáng báo động. Dù thế, ông cho rằng nó cũng không làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt nam hiện nay, dòng báo chí chính thống vẫn là dòng chủ lưu.
Theo ông, Luật báo chí 2016 khẳng định quyền tự do ngôn luận trên báo chí, nhưng cũng quy định rõ trách nhiệm. Hành vi đăng thông tin xuyên tạc trong Luật là cấm. Ông nhắc lại thời điểm năm ngoái đã kiểm tra và xử phạt hành chính gần 150 cơ quan báo chí. “Đây là năm xử phạt nhiều nhất từ trước đến nay”, ông đánh giá.
Trong những sai phạm bị xử phạt, Bộ trưởng cho hay hành vi đăng tin sai sự thật chiếm tỷ lệ rất lớn. “Có hai cơ quan báo chí đã bị xử lý, đặc biệt có thời điểm trong 1 tháng có 70 cơ quan báo chí bị xử phạt, như vụ nước mắm nhiễm asen có 50 cơ quan báo chí bị xử lý”, Bộ trưởng dẫn chứng và cho rằng như vậy là công tác kiểm tra đã nghiêm.
Cùng với đó, trong các cuộc giao ban hàng tuần với cơ quan báo chí, cơ quan quản lý cũng thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu thực hiện đúng quy định, thông tin khách quan, chính xác, kịp thời. Và sắp tới tăng cường rà soát tôn chỉ mục đích, cấp thẻ nhà báo, nếu không đủ yêu cầu thì rút thẻ nhà báo. "Bộ đã xử lý thu hồi, thậm chí xử lý cả một Phó tổng biên tập cấp thẻ của cơ quan giống thẻ nhà báo gây nhầm lẫn”, Bộ trưởng thông tin.
Mobifone mua AVG giá bao nhiêu?
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) chất vấn Bộ trưởng Trương Minh Tuấn 3 câu hỏi “nóng” liên quan đến thông tin Mobifone mua AVG: “Từ nhu cầu nào, dựa trên cơ sở nào mà Mobifone sử dụng vốn chủ sở hữu Nhà nước mua AVG? Giá trị đích thực trong vụ giao dịch, chuyển nhượng này là bao nhiêu? Và từ khi mua AVG về Mobifone thì hiệu quả hoạt động ra sao, hiệu quả có tương ứng đồng tiền bỏ ra hay không?”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân - người điều hành phiên chất vấn cho rằng vụ việc này đang được thanh tra, khi nào có kết luận thanh tra mới có cơ sở để trả lời ĐB.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận