Kính cận tôi thay cô phục vụ bê đĩa tôm hùm đất đỏ sậm xào ớt với bơ vào bàn tiệc. Cả bàn ào ào nâng ly mừng món mới. Gì chứ đặc sản đang chiếm trang nhất các tờ báo mạng hàng ngày, phải thử.
Bỗng đâu một ông tiến sỹ đứng lên gạt phắt, các ông toàn người có học, có chức vị, ai đi ăn ba cái đồ đang bị cấm này, phản cảm hết sức.
Cả bàn tiệc ngớ ra, chị chủ nhà hàng vội phân bua: “Con này sống mới cấm chứ chết rồi ai cấm hả anh? Ta ăn thoải mái. Em nghe nói bên Tàu, ngành công nghiệp tôm hùm đất trị giá 40 tỷ đô, đặc sản đấy anh ạ”.
Ông tiến sỹ trợn mắt: “Con này động vật ngoại lai, ăn không trừ một cái gì, búp non, cây lúa, tôm, cá bé, thậm chí còn lây lan cả virus nấm bệnh, là đại họa cho ngành nông nghiệp, thủy sản. Bà con thấy bán được là đua nhau nuôi, như ốc bươu vàng ngày trước đó”.
Chị chủ quán chưa chịu, cãi rất hăng: “Ối anh ơi, ở ta, dân đã thích ăn thì con gì nguy hại cũng thành tuyệt chủng. Ốc bươu vàng không ai ăn chứ con này sợ không có mà ăn. Lo gì nó nhân rộng khắp nước”.
Mấy ông bạn Kính cận cũng xen vào: “Đúng đúng, sao không khoanh vùng nuôi thí điểm. Quan trọng là cách quản lý. Sao phải cấm khi nó dễ nuôi và giá trị cao?”.
Ông tiến sỹ bắt đầu cáu: “Một nước thuần nông mà nuôi cái con giơ gọng lên cắt xoẹt xoẹt là tiệt hết cả thực vật với động vật cỡ nhỏ thì nguy hiểm chừng nào. Ta từng nuôi thử nghiệm ở Phú Thọ rồi, thấy nguy hại nên phải dừng. Giờ mà không cấm thì bà con nuôi lan tràn khắp nơi, hậu họa không tính được”.
Kính cận tôi cũng gật gù: “Bộ các ông tưởng nói quản là quản được hẳn. Bao nhiêu thứ nói quản mà có quản được đâu. Vẫn bung bét ra đấy. Thôi cứ cấm cho chắc ăn, con này mà không cấm, nó ăn hết cả lúa, có lúc chả còn gạo mà cho vào miệng các ông ạ. Ăn món khác cho lành”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận