Gom khách lẻ, thu tiền tươi
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, trước tình trạng xe bỏ bến chạy dù, xe trá hình hoạt động ngày càng lộng hành, nhiều nhà xe tuyến cố định cũng giảm chuyến, mua thêm xe đăng ký phù hiệu hợp đồng để chạy trá hình tuyến cố định.
Limousine Phiệt Học gom khách lẻ chở tuyến cố định Hà Nội - Thái Bình dù mang phù hiệu xe hợp đồng.
Đơn cử như tại tuyến Thái Bình - Hà Nội, limousine Phiệt Học hay Hà Hải thường xuyên xuất hiện trên đường Trương Công Giai (cổng công viên Cầu Giấy), Nguyễn Quốc Trị hay Tú Mỡ để gom đón/trả khách từ Hà Nội - Thái Bình và ngược lại.
Chiều 21/7, PV ghi nhận chiếc limousine Phiệt Học BKS 17B - 022.48 dừng đỗ trên đường Trương Công Giai, ngay phía trước một quán cafe. Đáng chú ý, trên tầng 2 quán này còn in quảng cáo cỡ lớn của limousine Phiệt Học hạng thương gia đi kèm số hotline. Cùng với đó là tấm pano quảng cáo nhận chuyển phát nhanh hàng hoá Hà Nội - Thái Bình (về cả các huyện như Kiến Xương, Tiền Hải, Nam Trung, Thái Thuỵ, Diêm Điền, Thuỵ Tấn) và ngược lại nhưng thực chất gom khách chở theo tuyến cố định này.
Sau khoảng 15 phút đỗ chờ khách, đúng 14h10, chiếc xe đón 4 khách tại đây, tài xế cho xe di chuyển về quán trà đá trên đường Tú Mỡ tiếp tục đón thêm khoảng 5 khách. Lúc này, ngoài xe BKS 17B - 022.48 còn xuất hiện xe BKS 17B - 021.59 cũng của limousine Phiệt Học đang xếp khách lên xe. 14h28 sau khi đón đủ khách, cả 2 xe theo đường vành đai 3 về Thái Bình.
Nhà xe Phiệt Học cắt lốt, giảm chuyến, chuyển sang xe limousine chạy trá hình tuyến Hà Nội - Thái Bình. Trong ảnh, tài xế trực tiếp thu tiền hành khách trên xe sáng 30/6.
Trước đó, ngày 30/6, sau khi đặt vé qua đường dây nóng 19009016 của nhà xe Phiệt Học, PV “mục sở thị” cách thức chạy trá hình tuyến cố định của nhà xe này.
Đúng 8h10 cùng ngày, theo lịch hẹn, PV cùng 3 hành khách khác được đón lên xe 7 chỗ BKS 17A -104.76 trên đường cầu Diễn để trung chuyển về điểm tập kết xe limousine ở đường Trương Công Giai.
Vừa bước xuống xe 7 chỗ, chưa kịp ngó xung quanh, lái xe limousine Phiệt Học BKS 17B - 022.70 liền hối thúc PV lên xe để chaỵ cho kịp giờ. Đủ 10 hành khách, tài xế cho xe chạy thẳng ra đường vành đai 3 hướng về cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
9h39 phút, xe dừng tại trạm dừng nghỉ trên tuyến tránh TP Phủ Lý, tài xế trực tiếp thu tiền tươi hành khách với giá 125.000 đồng/người đi TP Nam Định và 155.000 đồng/người về TP Thái Bình. Với những khách hàng không mang tiền mặt, tài xế đọc số tài khoản để hành khách chuyển tiền trực tiếp qua tài khoản ngân hàng.
Dùng xe trung chuyển trái phép
Theo quy định tại Nghị định 10/2020, chỉ doanh nghiệp vận tải tuyến cố định mới được sử dụng xe trung chuyển để đón khách từ nhà ra bến xe hoặc điểm dừng đón, trả khách của tuyến cố định và phải đăng ký kinh doanh vận tải, đổi biển màu vàng và được cấp phù hiệu xe trung chuyển.
Tuy nhiên, các xe của nhà xe Phiệt Học dù được cấp phù hiệu xe hợp đồng vẫn ngang nhiên sử dụng xe trung chuyển không đăng ký kinh doanh vận tải, không có phù hiệu để đón, trả từng khách tận nhà.
Dọc đường từ trạm dừng nghỉ về văn phòng trên đường Trần Thái Tông (TP Thái Bình), tài xế trả 2 hành khách ở Nam Định và đường Hùng Vương (Thái Bình).
10h25, xe về tới văn phòng, ngay khi vừa mở cửa, 1 người đàn ông cầm bảng danh sách hành khách liền ập đến, đọc địa chỉ từng người để sắp xếp lên 2 chiếc xe limousine khác BKS: 17B - 02152, 17B - 019.30 trung chuyển khách khắp các đường, ngõ ở TP Thái Bình.
Với cách thức tương tự, PV tiếp tục liên hệ với số hotline 19001069 của nhà xe Nam Hà Hải đặt xe từ TP Thái Bình đi Hà Nội.
Đúng 11h40 trưa 30/6, chiếc limousine Hà Hải BKS 17B - 018.98 đi tới đón PV trên đường Phan Bá Vành, lúc này trên xe đã có 5 người, lái xe chạy thẳng ra Quốc lộ 10 xuôi về Nam Định.
Khi đến xã Minh Quang, huyện Vũ Thư, tài xế dừng xe, trực tiếp thu tiền 150.000 đồng/hành khách, với những khách không sẵn tiền mặt, được tài xế hướng dẫn quét mã QR dán trong khoang xe để chuyển khoản trực tiếp.
Chiếc xe sau đó chạy thẳng về Hà Nội và chỉ trong vòng 1 tiếng 30 phút đã đến trước văn phòng tại 37 Nguyễn Quốc Trị (Hà Nội), tài xế trả 4 khách tại đây và tiếp tục đưa 2 khách về trả ở cổng công viên Cầu Giấy.
Theo tìm hiểu, từ một doanh nghiệp lớn nhất nhì Thái Bình chuyên tuyến cố định Hà Nội - Thái Bình với hàng chục lốt xe đi các bến Giáp Bát, Mỹ Đình trước đây, đến nay, nhà xe Phiệt Học chỉ duy trì vài lốt tại bến xe Giáp Bát đi Tiền Hải (Thái Bình) để làm bình phong, đồng thời, mở thêm một loạt xe hợp đồng để trá hình tuyến cố định với tần suất 1 tiếng/chuyến từ 5h đến 20h mỗi ngày, trung chuyển đưa đón khách khắp nội thành Hà Nội và TP Thái Bình.
Riêng xe khách Nam Hà Hải, theo tài xế xe BKS 17B - 018.98 hiện nhà xe này đã cắt lốt hoàn toàn tuyến cố định ở bến xe Yên Nghĩa trước đây, bán xe khách to để chuyển hẳn sang xe hợp đồng limousine.
Limousine Hà Hải nhộn nhịp đón/trả khách trước văn phòng trên đường Nguyễn Quốc Trị gây ảnh hưởng giao thông.
Cạnh tranh bất bình đẳng, thất thu thuế
Lãnh đạo Ban quản lý bến xe khách trung tâm Thái Bình cho biết, nếu như trước kia lượng xe ra, vào bến duy trì từ 250 - 260 lượt/ngày thì nay chỉ còn bình quân 100 - 110 lượt/ngày.
Nhiều xe tuyến cố định đã bỏ bến, cắt lốt, giảm chuyến trong khi phía ngoài bến xe, xe trá hình vẫn nườm nượp đón khách mỗi ngày.
Theo Hiệp hội vận tải tỉnh Thái Bình, thực tế này đang gây ra hàng loạt hệ lụy như mất trật tự ATGT, thất thu thuế của nhà nước, nhất là tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải hành khách.
Một doanh nghiệp tuyến cố định cho hay, với tần suất chạy tối thiểu 32 chuyến/ngày, mỗi ghế có giá 150.000 đồng, nếu đủ khách cho 10 ghế, chỉ tính riêng tiền thuế VAT trên vé, 1 ngày, nhà nước thất thu thuế đến 4,8 triệu đồng. Chưa kể tiến thuế từ thu nhập doanh nghiệp, nếu tính tổng, số tiền thuế bị thất thu còn lớn hơn.
Thực tế, toàn quốc có đến cả trăm doanh nghiệp vận tải xe hợp đồng trá hình đang hoạt động, khi nhân lên, số tiền thuế thất thu từ các doanh nghiệp này cũng phải hàng tỷ đồng mỗi tháng.
Tài xế limousine Hà Hải trực tiếp thu tiền tươi hành khách trưa 30/6 trên đường từ Thái Bình - Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết, các xe hợp đồng đang chạy theo tuyến cố định không có hợp đồng vận tải như quy định hiện hành mà bên vận tải và hành khách kết nối với nhau qua điện thoại hoặc các nền tảng kết nối để đến đón và đưa khách đến nơi cần đến.
“Do không được quản lý theo quy định nên lái xe thường chủ quan phóng nhanh dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình mất trật tự ATGT, gây ùn tắc giao thông ở các đô thị”, ông Quyền nhìn nhận.
Theo ông Quyền, cơ quan quản lý cần tổ chức sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nhiều quy định tại Nghị định đã không còn phù hợp. Cụ thể, các điều kiện, quản lý đối với vận tải khách theo tuyến cố định đang quá chặt chẽ song vận tải khách theo hợp đồng lại lỏng lẻo.
Cùng với đó, tổ chức sơ kết, đánh giá hiệu quả sử dụng việc gắn thiết bị giám sát hành trình và camera gắn trên xe khách nhằm giám sát, quản lý chặt chẽ và xử lý các vi phạm theo quy định, nhất là đối với xe hợp đồng.
Song song với đó, lực lượng chức năng cần phối hợp kiểm tra, xử lý quyết liệt vi phạm của xe trá hình tuyến cố định (bao gồm quy định quản lý về hoạt động vận tải và quản lý về thuế).
Phía Cục Đường bộ VN, lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái cho biết, hiện nay, thông qua tra cứu chi tiết hành trình, các điểm dừng đỗ trên thiết bị giám sát hành trình, lực lượng chức năng hoàn toàn có thể kiểm tra, đối chiếu với các thông tin trên hợp đồng vận chuyển để xử lý vi phạm theo quy định.
“Thời gian tới, sau khi nâng cấp hệ thống quản lý thiết bị giám sát hành trình, Cục sẽ cung cấp tài khoản truy cập cho các Sở GTVT, lực lượng TTGT, CSGT và các đơn vị có liên quan để theo dõi, kiểm tra và xử lý vi phạm, đồng thời giám sát chặt chẽ hoạt đối với các loại hình kinh doanh vận tải và chống thất thu thuế, đảm bảo công bằng, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh”, vị lãnh đạo này nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận