Y tế

Bộ Y tế chỉ cách khắc phục ho dai dẳng, khan tiếng, hụt hơi hậu Covid-19

20/05/2022, 11:07

Bộ Y tế hướng dẫn cách tự khắc phục với trường hợp ho dai dẳng, hụt hơi, khan tiếng hậu Covid-19.

Mắc Covid-19 ngay khi Hà Nội bùng dịch vào giữa tháng 3, nhưng tới nay chị Thu Anh (trú tại Hàng Chuối, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn có húng hắng ho đờm và luôn hụt hơi.

Chị Thu Anh cho biết, trong thời gian qua chị đã dùng nhiều đợt kháng sinh để điều trị ho đờm, tuy nhiên, cứ dùng thuốc bệnh lại trở lại, dai dẳng suốt 2 tháng qua. Không những vậy, mỗi khi nói nhiều chút hoặc đi cầu thang là hụt hơi rất nhanh, rất mệt mỏi.

img

Ho dai dẳng sau khỏi Covid-19 khắc phục ra sao?

Đây cùng là tình trạng thường gặp với nhiều người khi đã khỏi Covid-19 một thời gian khá dài.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Y tế vừa có Hướng dẫn phục hồi chức năng và tự chăm sóc một số bệnh sau khi mắc Covid-19. Theo hướng dẫn của Bộ, Covid-19 có thể gây đau họng, ho khó chịu và cảm giác chất nhầy đọng lại trong cổ họng, do đó người bệnh cảm thấy cần phải hắng giọng thường xuyên.

Giọng nói có thể bị yếu, bị hụt hơi hoặc khàn giọng, đặc biệt nếu trước đó người bệnh được thở máy (đặt ống thở) trong bệnh viện. Và người bệnh có thể cảm thấy cổ họng/đường hô hấp trên nhạy cảm hơn với môi trường xung quanh so với trước khi bị bệnh.

Xử trí các vấn đề về giọng nói ra sao?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khi có các vấn đề về giọng nói sau mắc Covid-19, người bệnh có thể áp dụng các cách thức xử lý sau:

- Cố gắng uống đủ nước. Nhấp nước thường xuyên, liên tục trong ngày để giữ cho dây thanh âm của bạn mềm mại, đảm bảo hoạt động của dây thanh âm.

- Đừng căng giọng, cao giọng hoặc la hét vì điều này có thể làm căng dây thanh quản của bạn. Đừng thì thầm vì điều này có thể làm trùng dây thanh quản của bạn làm giọng nói không bình thường.

- Xông hơi nước (trùm khăn lên đầu và hít vào với hơi nước từ bát nước sôi) trong 10 -15 phút có thể giúp cấp ẩm cho đường thanh âm.

- Trào ngược dạ dày dễ làm cho họng bị rát, khó chịu gây ảnh hưởng dây thanh âm, giọng nói thay đổi, vì vậy bạn nên tránh các loại thức ăn khó tiêu, tránh ăn khuya.

- Bỏ hút thuốc lá; không uống rượu.

- Sử dụng các cách giao tiếp khác, chẳng hạn như viết, nhắn tin hoặc sử dụng cử chỉ, nếu việc nói chuyện khó khăn hoặc không thoải mái.

Bị ho dai dẳng cần làm gì?

Bộ Y tế cũng có hướng dẫn cách khắc phục với những người bị ho dai dẳng sau mắc Covid-19, cụ thể:

- Thử thở bằng mũi thay vì miệng để tránh kích thích niêm mạc họng, niêm mạc miệng gây ho.

- Thử ngậm đồ ngọt đun sôi (ít đường)

- Thử “Bài tập ngừng ho”. Khi bạn cảm thấy muốn ho, hãy ngậm miệng và dùng tay che lại (làm dịu cơn ho). Đồng thời, tự nuốt cơn ho. Dừng thở - tạm dừng. Khi bạn bắt đầu thở lại, hãy hít vào và thở ra bằng mũi một cách nhẹ nhàng.

- Nếu bạn bị ho về đêm do trào ngược dạ dày, hãy thử nằm nghiêng về một bên hoặc dùng gối kê cao đầu (cổ).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.