Số ca sởi tăng 130 lần so với năm 2023
Sáng 26/12, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 để hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2024.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết: Trong năm 2024 tình hình các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát; các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét giảm mạnh so với năm 2023; không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm nhóm A (Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9) xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, một số bệnh truyền nhiễm có số mắc tăng cao như sởi, ho gà, dại, một số bệnh như sốt xuất huyết, bạch hầu tăng cao cục bộ tại một số địa phương.
Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng sở, cả nước ghi nhận gần 7 nghìn ca dương tính (tăng 130 lần so với năm 2023), 13 ca tử vong; bệnh dại có số tử vong cao nhất với 84 ca; sốt xuất huyết giảm mạnh nhưng tăng cao cục bộ tại một số địa phương, đô thị lớn...
Chia sẻ về các bệnh truyền nhiễm trong nước, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường bởi một số nguyên nhân như đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tỷ lệ tiêm vaccine; thiếu thuốc, vật tư cục bộ; kinh phí bố trí cho công tác phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương còn hạn chế, chưa kịp thời...
Bên cạnh đó, ông Tâm cũng nhận định còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế có lúc xảy ra cục bộ gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.
Dự báo năm 2025, tình hình bệnh truyền nhiễm còn diễn biến phức tạp. Trong đó, sốt xuất huyết là thách thức y tế công cộng trên phạm vi toàn cầu với các yếu tố nguy cơ do biến đổi khí hậu, giao thương, du lịch phát triển, đô thị hóa, di dân gia tăng và sự đa dạng các vật chứa mầm bệnh, kiểm soát véc tơ hạn chế.
Bên cạnh đó, tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tình trạng chủ quan, lơ là thực hiện các biện pháp phòng, bệnh cá nhân khá phổ biến, đặc biệt là với nhóm trẻ em tại các cơ sở giáo dục, nhà trẻ, mầm non nên nguy cơ gia tăng số mắc.
Bệnh sởi và một số bệnh dự phòng bằng vaccine tiếp tục có nguy cơ gia tăng số mắc khi tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt bao phủ cần thiết trong khi quản lý đối tượng tiêm chủng vẫn còn hạn chế, có khả năng gia tăng các trường hợp nhập viện.
Chủ động giám sát, khống chế dịch bệnh
Cũng trong hội nghị này, Bộ Y tế phối hợp cùng công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam và nhãn hàng Lifebuoy kêu gọi hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12/2024) với chủ đề chung tay xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh hơn. Theo đó, người dân cần nâng cao ý thức và chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn, dinh dưỡng đầy đủ, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.
Ngoài ra, đại diện Bộ Y tế cho biết, để tiếp tục chủ động công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe nhân dân và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2025.
Đồng thời, hệ thống y tế nâng cao năng lực y tế dự phòng, dự báo, giám sát và phát hiện dịch bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả các dịch bệnh. Và đảm bảo nguồn lực, kinh phí tổ chức thực hiện và huy động các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị xã hội chủ động tham gia công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận