Ngọc Sơn với Tình khúc bolero (ảnh minh họa) |
Sau tuyến bài Trả lại tên cho nhạc bolero, Báo Giao thông đã nhận được các ý kiến về nhạc bolero, cũng như cách sử dụng bolero trong các chương trình âm nhạc hiện nay.
Bolero thực chất là một điệu nhạc xuất phát từ Tây Ban Nha, được du nhập vào Việt Nam những năm 1950, thời kỳ tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh. Nhiều nhạc sĩ như Anh Bằng, Phạm Duy, Lam Phương, Trúc Phương,… đã sử dụng nhạc điệu bolero kết hợp với các làn điệu dân ca, trữ tình truyền thống của người Việt để cho ra đời các bản nhạc gần gũi với đời thường của người dân hơn, tạo thành bolero của Việt Nam.
Chính vì cái tên Bolero vốn dĩ là tiết điệu giờ đây lại được dùng để đại diện cho một phong cách hay một dòng nhạc đã gây tranh cãi ở nhiều người với những cách hiểu không chính xác.
Và ở đây ta cũng có thể thấy lịch sử “bolero Việt Nam” là một sự phát triển, kế thừa và tiếp thu cái cũ, có sáng tạo và phát triển những cái mới để thích ứng với đời sống đổi thay hàng ngày. Do đó, sẽ sai lầm nếu giữ định kiến rằng thứ âm nhạc này không phát triển và nằm ngoài dòng chảy xã hội.
Bất cứ thể loại, dòng nhạc, phong cách nào muốn phát triển đều cần những nhân tố mới và những lớp nghệ sỹ kế cận sẽ là người viết tiếp lịch sử. Có điều, chúng ta phải thừa nhận, sự phát triển mỗi giai đoạn là khác nhau, có thể giai đoạn này không phát triển, không có yếu tố mới thì giai đoạn sau lại rực rỡ.
Do đó, nếu chỉ nhìn vào một giai đoạn để phủ nhận toàn bộ quá trình và bản thân thứ âm nhạc đó sẽ không chính xác. Cũng giống như nhạc country ở Mỹ, một dòng nhạc cũ kỹ thì âm nhạc country thời điểm này cũng khác xa với country của 100 năm trước.
Ngược lại, nếu đã mặc định những giá trị cũ là bất biến, không cần có sự thay đổi thì đương nhiên sẽ chẳng thể có sự phát triển. Ngay cả khi một thứ âm nhạc đang thịnh hành, hay tạo thành phong trào thì sự sáng tạo và yếu tố mới vẫn luôn cần thiết. Còn ngược lại, không tạo ra giá trị mới, khi phong trào qua đi, sẽ không có giá trị nào ở lại bồi đắp cho sự phát triển.
Giống như phong trào latin pop những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi qua đi, chẳng để lại gì cho nền âm nhạc nói chung và nhạc latin nói riêng, trong khi album Supernatural của Santana không liên quan đến phong trào đó mới thực sự đánh dấu son và là nguồn cảm hứng tiếp nối.
Bởi vậy, nếu lớp nghệ sỹ kế cận chỉ bắt chước, tô vẽ lại giá trị cũ không tạo ra những giá trị mới, hay chỉ theo phong trào bằng những thứ sẵn có và dễ dãi, thì đó có thể xem là một bước thụt lùi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận