Tài chính

Bốn yếu tố để phục hồi kinh tế ngay trong đại dịch

20/10/2021, 10:00

Tất cả những giải pháp về tài chính, nhân lực, kết nối vùng nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ… đều đã được Chính phủ xem xét đưa ra.

LTS: Nền kinh tế không thể tiếp tục chờ đợi một ngày “sạch bóng” Covid-19 mới hoạt động trở lại. Vậy để vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch, các bộ, ngành, chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp… cần chuẩn bị gì, những khó khăn, vướng mắc nào cần tháo gỡ ngay? Báo Giao thông giới thiệu với bạn đọc loạt bài: Mở cửa kinh tế, những đòi hỏi từ thực tiễn.

Kỳ cuối: Bốn yếu tố để phục hồi kinh tế

Cả nước chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn với dịch Covid-19, nhiều địa phương dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch, việc đi lại, giao thương cũng đã thuận lợi hơn...

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho biết, việc phục hồi kinh tế sẽ phụ thuộc vào 4 yếu tố: Khả năng chống dịch, độ bao phủ vaccine, chủ động công nghệ sản xuất vaccine và tái cơ cấu.

img

Ông Nguyễn Đức Kiên

Quan trọng phải khôi phục sản xuất

Tăng trưởng GDP quý III/2021 âm 6,17%, được coi là mức thấp nhất trong lịch sử. Kết quả này có bất ngờ và nằm ngoài dự liệu của chúng ta, thưa ông?

Quả thực trước đó, chúng ta có dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ giảm nhưng không ngờ mức âm lại sâu như vậy.

Thực tế, chỉ số tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu đều tốt, một số ngành cũng có tăng trưởng khá, tuy nhiên lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều giảm sâu nên không thể khôi phục được tốc độ tăng trưởng như mong muốn.

Đợt dịch lần thứ 4 tác động mạnh đối với TP.HCM và các tỉnh phía Nam - vùng kinh tế trọng điểm. Theo ông, chúng ta cần thực hiện những giải pháp gì để khôi phục sản xuất, kinh doanh cho khu vực kinh tế phía Nam nói riêng, kinh tế cả nước nói chung?

Tất cả những giải pháp về tài chính, nhân lực, kết nối vùng nguyên liệu cũng như thị trường tiêu thụ… đều đã được Chính phủ chủ động và thực hiện.

Ngay từ tháng 4/2020, CP đã có chính sách hỗ trợ người lao động và DN bằng gói 62.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước về xử lý nợ của DN với hệ thống Ngân hàng thương mại cổ phần cũng đc ban hành từ rất sớm.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” từ ngày 11/10.

Không những đôn đốc thực hiện quyết sách, Chính phủ còn cấp khoản tiền lớn để hỗ trợ người lao động, vào hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thực tế, ngay trong quý III, các tổ chức tín dụng đã xử lý gần 1 triệu trường hợp vay và giảm nhóm nợ.

Hay một trong những kết quả đàm phán mà chúng ta đã làm rất tốt mà không mấy ai nhắc đến.

Có thể nói Chính phủ đã làm tất cả có thể, vấn đề DN ứng xử và tận dụng hỗ trợ đó như thế nào còn tùy thuộc vào việc quản trị điều hành của người đứng đầu.
Ông Nguyễn Đức Kiên


Ví như việc Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã làm việc với Bộ Tài chính Mỹ cơ quan thương mại Mỹ thống nhất Việt Nam không phải là một quốc gia phá giá tiền tệ, hàng hóa Việt Nam bán vào Mỹ không bị áp dụng điều 301 Luật Bảo vệ thương mại Mỹ.

Đây được xem là sự hỗ trợ cực kỳ lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt giữ vững thị trường xuất khẩu tại Mỹ trong thời gian tới.

Trong điều kiện bình thường mới, khi được hỏi, khoảng 38% DN cho biết tình hình sản xuất quý IV sẽ ổn định và tốt hơn so với quý III, 61% đánh giá còn tiếp tục khó khăn.

Từ số liệu này có thể thấy, bức tranh kinh tế các tháng còn lại trong năm, khó khăn là gam chủ đạo. Đáng chú ý, tới 51% đánh giá gặp khó khăn do thị trường trong nước sụt giảm, 46% DN gặp khó khăn do khả năng cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực…

Trong khi đó, chỉ 35% DN khó khăn về nguồn vốn gây ảnh hưởng tới sản xuất; 24% DN thiếu lao động; 11% DN cho rằng chính sách pháp lý cần phải đổi mới; chưa đến 5% DN đánh giá khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay…

Từ những con số trên có thể thấy, vấn đề thị trường và khả năng cạnh tranh đang là bài toán lớn nhất của DN Việt.

Do đó, không gì khác, DN phải tận dụng tất cả gói ưu đãi về tài chính, chủ động các biện pháp khôi phục sản xuất nhằm mục tiêu lớn nhất là giữ được thị phần, không bị đẩy ra khỏi chuỗi cung ứng giá trị hàng hóa.

Nếu những giải pháp đó được thực hiện quyết liệt, chúng ta cần mất bao lâu để DN, nền kinh tế hồi phục?

Theo kịch bản mới nhất mà chúng tôi xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, việc phục hồi nền kinh tế trong giai đoạn tiếp theo sẽ phụ thuộc vào khả năng chống dịch, tỷ lệ tiêm phủ vaccine Covid-19, tình hình chủ động sản xuất vaccine Covid-19 và tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo đó, trong hai năm 2022 và 2023, chúng ta không đặt nặng vấn đề tăng trưởng mà quan trọng phải khôi phục sản xuất. Trong quá trình này cần phải tuân thủ các nguyên tắc thị trường, chấp nhận thanh lọc những DN yếu kém để cuối năm 2023 có đà phát triển đẩy tốc độ tăng trưởng trong 2 năm 2024 - 2025 cao hơn 7%.

Hỗ trợ cho 5 đối tượng DN trong giai đoạn tiếp theo

img

Thị trường và khả năng cạnh tranh đang là bài toán lớn nhất của doanh nghiệp Việt để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh Tạ Hải

Từ tư duy “zero Covid”, chúng ta đã dần chuyển sang tư duy “sống chung an toàn cùng với Covid-19”. Tuy nhiên, quan sát từ thực tiễn, tại nhiều địa phương vẫn chưa thay đổi tư duy và hành động, khiến người dân, DN vẫn rất khó khăn trong đi lại, hoạt động.

Theo ông, có cách nào để xử lý câu chuyện này, liệu có nên quy trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương có quyết sách chống dịch cực đoan dẫn đến tổn thất về kinh tế không?

Thủ tướng đã nhấn mạnh địa phương không được làm trái với quy định của Trung ương. Thực tế, từ khi Nghị quyết 128 được triển khai tới nay, các địa phương đã triển khai rất nhanh.

Điển hình tại TP.HCM, tới nay mọi hoạt động về cơ bản đã khôi phục được 70% và đã mang lại hiệu quả.

Theo quan sát tại các tỉnh phía Nam khác, trừ Tiền Giang còn đang băn khoăn về hình thức thực hiện, thì cơ bản đều thích ứng nhanh, không còn vướng mắc nào.

Nhìn lại thời gian qua về cách hành xử của mỗi địa phương, suy cho cùng cũng bị lệ thuộc bởi phụ thuộc vào khả năng chống dịch và hệ thống y tế của địa phương, thiếu sự kết nối, ông nào cũng chỉ biết làm tốt chức trách, nhiệm vụ của mình.

Hiện, chúng ta tạo cơ chế năng động sáng tạo cho địa phương nhưng cũng có quy định hành lang pháp lý. Do vậy, trừ những quy định cứng, tùy thuộc vào tình hình thực tế, các địa phương có thể đưa ra biện pháp phù hợp.

Tuy nhiên, trước khi áp dụng cần cân nhắc cái được - mất, nếu còn cảm thấy lăn tăn thì nên lấy ý kiến, chứ không thể tùy tiện áp đặt.

Nhiều ý kiến cho rằng, đến nay chúng ta chưa có một gói an sinh xã hội và kích thích kinh tế nào đáng kể. Cụ thể, chúng ta mới dành ra chưa tới 1 tỷ USD (trên quy mô GDP 334 tỷ USD) để cứu trợ người dân gặp khó khăn bởi dịch Covid-19, còn DN thì chủ yếu miễn giảm thuế hay giãn, hoãn nợ. Trong khi nhìn sang các nước như Thái Lan dành 100 tỷ USD (trên quy mô GDP 500 tỷ); Mỹ dành khoảng 6.000 tỷ USD (trên quy mô GDP 20.000 tỷ)...

Theo ông, chính sách an sinh xã hội, kích thích kinh tế có cần phải mạnh hơn trong nữa? Và nếu vậy, chúng ta phải thu xếp nguồn lực bằng cách nào?

Nếu tính cả các gói hỗ trợ an sinh cùng với các chính sách tài khóa hỗ trợ DN thì số tiền chúng ta đã bỏ ra chiếm khoảng 10% GDP.

Chính phủ vẫn đang nghiên cứu và tiếp tục xây dựng biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN hồi phục.

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp phải phù hợp với yếu tố bên ngoài, không vi phạm những cam kết của các hiệp định thương mại và căn cứ vào nguồn lực của đất nước, không được vượt quá chỉ tiêu trần nợ công, nợ Chính phủ....

Trong tình cảnh khó khăn chung, Chính phủ và Thủ tướng phải cân đong, đo đếm để đưa ra các quyết định cho phù hợp.

Do vậy, thời gian qua, Nhà nước chủ yếu thông qua 2 kênh là đầu tư công và hỗ trợ trực tiếp cho người lao động nhằm tác động lan tỏa, kích hoạt các hoạt động của nền kinh tế.

Tuy nhiên, dự kiến tỷ lệ giải ngân đầu tư công trong năm nay chỉ hoàn thành khoảng 80% so với kế hoạch đề ra do chúng ta mất gần 3 tháng thực hiện giãn cách, trong khi các ban quản lý dự án lại thiếu sự năng động…

Thay vì ngồi nhìn nhau, các bộ, ngành cần chủ động xem xét có nên đưa những dự án đầu tư công mới vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư hay không, bởi nếu triển khai được, chúng ta sẽ có thêm động lực mới cho nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi.

Trong trường hợp đẩy mạnh kích thích kinh tế, lĩnh vực nào cần được tập trung, ưu tiên? Cách thức thực hiện ra sao để phục hồi kinh tế, an sinh xã hội, thưa ông?

Hiện, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung tìm hiểu hỗ trợ cho 5 đối tượng DN trong giai đoạn tiếp theo.

Đó là những DN có tính lan tỏa; DN đang có thị trường trong và ngoài nước để sản xuất ra có thể hỗ trợ tiêu thụ ngay; DN sử dụng nhiều lao động; DN có khả năng kết nối với cộng đồng trong nước; và cuối cùng là những DN bảo đảm về môi trường kinh doanh sản xuất.

Hy vọng với định hướng này, cùng với thời gian chúng ta sẽ có thể chuyển từ lượng thành chất…

Xin cảm ơn ông!

Kỳ 1: Nỗi lo thiếu vốn lưu động

Kỳ 2: DN thiếu lao động trầm trọng

Kỳ 3: Doanh nghiệp đôn đáo lo đầu vào, xoay xở tìm đầu ra

Kỳ 4: Làm gì để doanh nghiệp khôi phục sản xuất?

Kỳ 5: Cách nào giảm gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp?

Kỳ 6: Doanh nghiệp muốn kế hoạch mở cửa rõ ràng, cụ thể

Kỳ 7: Doanh nghiệp khát vốn lãi suất thấp

Kỳ 8: Hạch toán chi phí phòng dịch vào chi phí sản xuất

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.