Tài chính

Mở cửa kinh tế: Doanh nghiệp đôn đáo lo đầu vào, xoay xở tìm đầu ra

02/10/2021, 16:36

Bài toán sống còn của doanh nghiệp là phải kết nối lại vùng nguyên liệu và thiết lập thị trường đầu ra sau thời gian dài bị đứt gãy, thu hẹp...

Doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, nông dân tắc đầu ra

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Chủ tịch Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam Vinanutrifood đang sở hữu 500 siêu thị Nutrimart cho biết, dù chưa thống kê chi tiết nhưng 2 tháng nay, công ty đã và đang thiệt hại hơn 500 triệu đồng/ ngày, chưa kể tiền lương nhân công duy trì các văn phòng đại diện.

img

Với sự đồng hành của cơ quan quản lý, Hương Cao Nguyên đã nỗ lực không để đứt gẫy nguồn hàng để cung cấp cho thị trường Ảnh: Ngọc Hùng

Theo bà Hằng, nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng khiến vùng nguyên liệu bị cô lập: “Bà con nông dân khó khăn vì xe không vào được để mua bao tiêu trong khi doanh nghiệp không có hàng để sản xuất, chế biến.

Có hàng rồi cũng không chuyển đến điểm phân phối được vì nhiều nơi “ngăn sông cấm chợ”.

Từ tháng 7 đến tháng 9, công ty đã mở 300 điểm bán nhưng chỉ hoạt động 170 điểm, do số còn lại nằm trong “vùng đỏ”.

Bà Hằng kể, chiến lược của siêu thị Nutrimart là xây dựng các điểm bán len lỏi trong dân để tiếp cận thị trường nhanh nhất, nhưng việc này lại trở thành “quả đắng” khi nhiều thôn, xã lập chốt cứng.

Xe tải không vận chuyển vào được, hàng cũng không dễ dàng chia nhỏ để đưa vào khi cách chốt từ 1-10km.

Có những lúc hàng liên tỉnh bị kéo dài thời gian vận chuyển, đến nơi lại không vào được điểm bán, buộc phải quay đầu, thậm chí đổ bỏ, làm tăng chi phí, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Bà Hằng chia sẻ, với những kinh nghiệm “xương máu” đã trải qua, khi mở cửa trở lại, doanh nghiệp sẽ bắt tay vào xây dựng tổng kho ở 63 tỉnh, thành vì trước đây chỉ 3 kho Bắc, Trung, Nam. Hay liên doanh, liên kết với một số đơn vị logistics như Viettel, VNPost…

Vinanutrifood chỉ là một trong số rất nhiều doanh nghiệp lao đao vì đứt gãy từ vùng nguyên liệu đến thị trường đầu ra do vận tải không được thông suốt tại nhiều địa phương, nhất là tại một số tỉnh, thành phố có dịch.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Công thương xác nhận tình trạng chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu diễn biến này tiếp tục kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.

“Các doanh nghiệp hoạt động theo phương án “3 tại chỗ” lâu ngày (đã hơn 2 tháng) ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý người lao động nên mô hình này không còn phù hợp.

Bên cạnh đó, quy định, kiểm soát lưu thông hàng hoá chưa phù hợp và thiếu sự đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”, Bộ Công thương thông tin.

Trong khi doanh nghiệp không có nguyên liệu để sản xuất, chế biến, bán hàng thì bà con nông dân lại lao đao vì không tiêu thụ được sản phẩm.

Như tại địa bàn Kon Tum, lãnh đạo tỉnh cho biết do đầu ra khó khăn, sản phẩm nông nghiệp bị tồn đọng nhiều, giá bán ra thấp hơn thời điểm trước trong khi giá nguyên vật liệu đều tăng cao.

Điển hình như Công ty TNHH Cà phê Nguyên Huy Hùng còn tồn khoảng 15 tấn cà phê bột, cà phê hòa tan, 150 tấn cà phê nhân; Công ty TNHH Tá Tiến tồn khoảng 500 tấn cá nước ngọt nuôi lồng bè chưa có đầu mối tiêu thụ…

Đại diện Bộ NN&PTNT lo ngại cuối năm có thể thiếu nguyên liệu sản xuất do giãn cách kéo dài và đứt đoạn logistics, người dân không thể thu hoạch và ngừng thả giống.

Đặc biệt là tại Nam bộ - khu vực trọng điểm của ngành nông nghiệp, chiếm tỷ trọng rất lớn trong sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản của cả nước.

Khi cơ quan quản lý “kề vai sát cánh” cùng doanh nghiệp

Trong khi nhiều doanh nghiệp chấp nhận thu hẹp sản xuất, kinh doanh, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động, một số đơn vị vẫn trụ vững nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ, đặc biệt là khi có sự hỗ trợ, song hành của cơ quan quản lý.

Điển hình như câu chuyện của Công ty CP Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên (Đắk Lắk).

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Hương Cao Nguyên cho biết: “Công ty chuyên cung cấp rau, củ, quả, trái cây cho hệ thống các siêu thị.

Những ngày đầu đợt dịch thứ 4 rơi vào mùa bơ sáp và sầu riêng, hàng đã được công ty giao về kho ở Bắc Ninh để cung cấp cho hệ thống phân phối.

Tuy nhiên, lúc này Hà Nội và một số tỉnh, thành tăng cường kiểm soát, nhiều chuyến hàng nằm 2 ngày không qua được chốt. Do thời tiết nắng nóng, gần 30 tấn sầu riêng và 7 tấn bơ sáp bị hư hỏng, công ty tổn thất hơn 1 tỷ đồng’.

Sau khi đã xoay xở đủ cách không ăn thua, công ty quyết định “thuê đứt” một công ty cung cấp dịch vụ logistics, khoán cho họ tự lo, tự giải quyết, công ty chỉ nhận kết quả, bài toán cấp hàng ra Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc mới được giải quyết.

Sau Hà Nội, lần lượt các thị trường trọng điểm của Hương Cao Nguyên gặp khó khăn do các địa phương giãn cách, phong toả, như Nha Trang, TP.HCM, Bình Dương…

Doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm đối tác vận tải có “luồng xanh” các tuyến này.

May mắn là tại Bình Dương, doanh nghiệp chỉ cần gửi danh sách, biển số xe, giấy test Covid-19 cùng các giấy tờ liên quan của tài xế, đủ điều kiện lưu thông thì địa phương cấp phép lưu hành.

Song kho Đà Nẵng của công ty vẫn phải đóng cửa vì vướng mắc “3 tại chỗ” và giấy đi đường...

“Trong mùa dịch, tình hình đến đâu thì mình ứng biến đến đó, chứ rất khó để xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản, vì không biết kho ở địa phương này có thể bị đóng vào lúc nào. Doanh nghiệp luôn phải nằm trong trạng thái “thức”.

Nếu hôm nay thấy thông báo chợ của tỉnh này đóng thì ngay lập tức hôm sau phải tìm cách “nhảy vào” cung cấp hàng cho các siêu thị khác. Thật sự, những ngày qua, chúng tôi hoạt động không ngừng nghỉ.

Mặt khác, sở dĩ công ty đi được 100 tấn hàng/ngày trong mùa dịch là nhờ sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT các tỉnh, nhất là tỉnh Đắk Nông”, bà Hương chia sẻ.

Cụ thể, bà Hương cho biết, Sở NN&PTNT Đắk Nông đã chủ động lập một group trên facebook, kết nối tất cả các HTX, DN với nhau, trong đó từng HTX giới thiệu cần bán gì, bán ở đâu, bán như thế nào, sản lượng bao nhiêu...

Doanh nghiệp trên cơ sở đó có thể trực tiếp đặt hàng và các HTX đủ điều kiện sẽ đáp ứng ngay. Doanh nghiệp chỉ việc điều xe đến, nhận hàng.

Sau một thời gian group hoạt động, khi thấy sức mua của doanh nghiệp quá lớn, Sở đã cử một chuyên viên theo sát hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất, vướng đâu gỡ ngay đó. Doanh nghiệp cần gì, Sở “tag” ngay với HTX liên quan để phối hợp.

“Sở NN&PTNT Đắk Nông làm tới cùng và hỗ trợ hết sức cho doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không vận chuyển được, chỉ cần báo cáo, Sở sẽ có phương án…

Chúng tôi và nhiều DN trên địa bàn cũng rất may mắn khi được sự “kề vai sát cánh” của cơ quan quản lý chuyên ngành.

Nhờ đó đã góp phần quan trọng tháo gỡ đầu ra cho nhiều doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân trong mùa dịch”, bà Hương khẳng định.

Cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho cả chuỗi sản xuất, phân phối, tiêu dùng, tỉnh Kon Tum đề nghị được hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như xây dựng chuỗi siêu thị, điểm kinh doanh thu mua nông sản, trọng tâm là các sản phẩm được chế biến từ sâm Ngọc Linh, sâm dây, cà phê, rau củ quả…

Đồng thời, thông tin cho địa phương nhu cầu thu mua các loại nông sản trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm để tỉnh chỉ đạo, định hướng tổ chức sản xuất phù hợp, đảm bảo chất lượng và giá thành có lợi nhất cho doanh nghiệp.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Công thương tăng cường cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của các nước; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến.

Đồng thời phải thúc đẩy kết nối cung cầu trên môi trường số; tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường còn dư địa lớn.

Về phía Bộ Công thương, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện cơ quan này cho biết, trước mắt, Chính phủ nhanh chóng ban hành hướng dẫn chung để các địa phương có căn cứ triển khai đồng bộ lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới với các nguyên tắc: Quy trình và giải pháp đồng bộ, phù hợp, đảm bảo không gây ách tắc chuỗi cung ứng, không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương phải rà soát các quy định hiện hành, điều chỉnh, sửa đổi hoặc thay thế các văn bản, quy định không khả thi, không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện mới.

Theo đại diện Bộ Công thương, do tính chất gắn kết chặt chẽ, hữu cơ, liên tục của chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị các ngành công nghiệp trên thế giới, nếu Việt Nam không thể tận dụng cơ hội từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường lớn và đánh mất các đơn hàng cung ứng cho các quốc gia này trong thời gian tới, sẽ tạo điều kiện cho quốc gia khác thay thế Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Việc các nhà máy đóng cửa quá lâu buộc các doanh nghiệp phải tính toán sẽ tiếp tục giữ đơn hàng ở lại hay chuyển dần đi vì không có gì đảm bảo kết quả sau một hai tháng sẽ được cải thiện nếu không có sự vào cuộc và hỗ trợ của Chính phủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.