Bình luận

Bóng đá kim tiền

27/04/2021, 06:06

Bất chấp những khoảng doanh thủ khổng lồ, đa phần các ông lớn châu Âu đều phải gánh khoản nợ lớn bởi chi phí vận hành nhiều năm liền vượt quá...

img

Bóng đá thế giới rúng động vì European Super League

Tuần trước, bóng đá thế giới được phen rúng động khi 12 đội bóng lớn ở châu Âu (MU, Man City, Arsenal, Tottenham, Liverpool, Chelsea, Real Madrid, Barcelona, Atletico Madrid, Juventus, Inter Milian, AC Milan) tuyên bố tự đứng ra thành lập European Super League. Sự kiện này giống như gáo nước lạnh dội vào làng túc cầu bởi nó sẽ gây chia rẽ nghiêm trọng ở các nền bóng đá, làm đảo lộn kết cấu thi đấu của FIFA, UEFA.

Dù sau đó các đội bóng Anh lần lượt rút lui và đẩy European Super League vào nguy cơ sớm tan rã thì xung quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Giới chuyên môn đều chung nhận định rằng, 12 đội bóng nêu trên sở dĩ muốn thành lập một giải đấu riêng bởi gánh nặng tài chính đè lên vai họ.

Bất chấp những khoảng doanh thủ khổng lồ, đa phần các ông lớn châu Âu đều phải gánh khoản nợ lớn bởi chi phí vận hành nhiều năm liền vượt quá lợi nhuận. Trong khi đó, lợi ích từ các giải đấu truyền thống đang dần khiến họ cảm thấy thiệt thòi.

Đơn cử, đội vô địch Champions League mùa giải 2019 - 2020 Bayern Munich nhận khoảng 120 triệu euro tiền thưởng. Tuy nhiên, nếu European Super League được tổ chức, đội vô địch nhận tới 600 triệu euro, con số không thể tin nổi. Các ông lớn châu Âu cho rằng họ đang phải cày ải để phục vụ lợi ích của UEFA nên họ đã “nổi dậy”.

Lật ngược lại vấn đề, tại sao FIFA, UEFA và các Liên đoàn bóng đá thành viên lại phản đối? Đơn giản họ cũng vì lợi ích, cụ thể hơn là tiền bạc. Nếu mất những đội bóng lớn, sức hút của mọi giải đấu đều giảm sút nghiêm trọng, từ đó thu nhập của các giải đấu sẽ tụt lùi, thậm chí rơi vào hoàn cảnh bi đát.

Thật khó để một nhãn hàng ném tiền vào Ngoại hạng Anh chỉ để chứng kiến Everton, West Ham, Southampton, Leicester City… chạy đua vô địch. Ở La Liga, giải đấu số 1 Tây Ban Nha cũng chẳng còn khả năng hút khán giả khi còn ba ông lớn.

Bản thân FIFA, UEFA cũng luôn tìm mọi cách để kiếm lời từ bóng đá. Champions League được UEFA lên ý tưởng mở rộng số đội tham dự. FIFA cũng tăng số đội dự World Cup, FIFA Club World Cup. Nhiều đội bóng hơn đồng nghĩa các trận đấu cũng nhiều hơn và tiền quảng cáo, bản quyền truyền hình cũng chảy vào túi FIFA, UEFA nhiều hơn.

Thế nên, xung đột giữa nhóm European Super League và phần còn lại suy cho cùng không phải vì bóng đá mà túi tiền. 12 đội bóng lớn chắc chắn không dễ dàng chịu thua như vậy, trong tương lai, UEFA sẽ buộc phải điều chỉnh về mặt tài chính để giúp nhóm đại gia ở châu Âu có thêm lợi ích.

Đương nhiên, sức ép từ phía người hâm mộ và chính nội bộ của các đội bóng muốn “li khai” cũng là một phần nguyên nhân khiến European Super League chết yểu từ trứng nước. Mặc dù vậy, nếu bóng đá không thay đổi, cứ mải miết chạy theo tiền bạc thì những kịch bản như European Super League chắc chắn còn xảy ra trong tương lai, khi những lợi ích, nhóm lợi ích chồng chéo nhau, tạo ra mâu thuẫn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.