Tuần vừa qua, hàng triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sen Vàng (GLS) đã được sang tay với những đồn đoán về nhóm chủ mới.
Gần nhất, ngày 12/6, bà Thái Kiều Hương – Thành viên HĐQT Chứng khoán Sen Vàng đã hoàn tất mua thêm gần 1,4 triệu cổ phiếu GLS, nâng mức sở hữu vốn lên 15,13% và chính thức trở thành cổ đông lớn.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ngày càng được chú ý, việc một pháp nhân mới muốn thâu tóm lại Chứng khoán Sen Vàng không khỏi tạo ra nhiều sự tò mò từ giới đầu tư.
Dấu ấn của Tân Hoàng Minh
Quay trở lại những năm đầu tiên, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sen Vàng được thành lập vào tháng 12/2007.
Khi đó, nhóm Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) nắm chi phối tại Chứng khoán Sen Vàng khi sở hữu tới 42,53% vốn công ty. Ngoài ra, các cá nhân có liên quan khác là ông Lê Viết Hòa và ông Lê Viết Hiếu (2 con trai ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HBC) cũng nắm giữ lần lượt 22,49% và 9,29%.
Tuy nhiên, đến tháng 11/2021, nhóm cổ đông lớn Hòa Bình đã thực hiện các giao dịch thoái hết vốn khỏi Chứng khoán Sen Vàng.
Cùng với việc thay cổ đông lớn, Chứng khoán Sen Vàng cũng xuất hiện nhóm "thượng tầng" mới. Trong đó, ông Vũ Đình Hưng được bầu làm Chủ tịch HĐQT, ông Chu Tuấn An được bầu làm Tổng Giám đốc và ông Nguyễn Mạnh Hùng được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát.
Đáng chú ý, các lãnh đạo cấp cao mới của Chứng khoán Sen Vàng đều có sự liên hệ nhất định với Tân Hoàng Minh.
Không chỉ vậy, một số cổ đông mới tại Chứng khoán Sen Vàng cũng có sự liên hệ với tập đoàn này. Đơn cử, ông Nguyễn Khoa Đức (nắm 10,18% vốn GLS) từng là người đại diện theo pháp luật Công ty Cổ phần Cung điện Mùa Đông – thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Tuy nhiên, khi đại án Tân Hoàng Minh xảy ra từ tháng 4/2022, Chứng khoán Sen Vàng đã trở nên "im hơi lặng tiếng".
Đến cuối năm 2023, khi sức nóng của vụ việc dần lắng xuống, nhiều dự án của Tân Hoàng Minh được thông tin tái khởi động với những tin đồn về một nhà đầu tư mới.
Ai là chủ hiện tại của Chứng khoán Sen Vàng?
Song song với những động thái trên, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Sen Vàng là ông Vũ Đình Hưng cũng có đơn từ nhiệm, thế chỗ là ông Cao Tấn Thành. Tiếp nối diễn biến, nhiều cổ đông bắt đầu thoái vốn và quyền kiểm soát dần đổ về tân Chủ tịch Cao Tấn Thành.
Tháng 1/2024, ông Thành đã mạnh tay gom 6,8 triệu cổ phiếu GLS theo hình thức thỏa thuận. Sau thương vụ này, vị chủ tịch mới chính thức nắm hơn 8,2 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 61,16%.
Ba tháng sau, hơn 8,2 triệu cổ phiếu của ông Thành và 500.000 cổ phiếu của Tổng giám đốc Chu Tấn An (64,89% vốn của GLS) đã được chuyển nhượng toàn bộ cho 3 cá nhân và một tổ chức.
Cụ thể, bà Thái Kiều Hương nhận 668.250 cổ phiếu (4,95%); ông Hồ Ngọc Bạch nhận 2,68 triệu cổ phiếu (19,88%); ông Lê Huy Dũng nhận chuyển nhượng hơn 2,7 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 20% vốn và Công ty TNHH Thương mại Nông nghiệp Khang An nhận 2,7 triệu cổ phiếu, tương đương 20% vốn GLS.
Sau khi ông Thành là người đại diện đứng ra gom cổ phiếu để chuyển nhượng, nhóm chủ mới cũng dần được lộ diện.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Thương mại Nông nghiệp Khang An tiền thân là Công ty TNHH Sữa dê Ninh Bình, được thành lập vào tháng 2/2018.
Công ty có trụ sở chính đặt tại tòa nhà Xuân Thiện, khu đô thị Xuân Thành, phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình.
Doanh nghiệp có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông: Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình (thành viên thuộc Tập đoàn Xuân Thiện) nắm 98%, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư DTH Quốc tế và Công ty Cổ phần Nam Anh Tú đều sở hữu 1%.
Tháng 7/2023, công ty chính thức đổi tên thành Công ty TNHH Thương mại Nông nghiệp Khang An như hiện tại.
Lúc này, bà Thái Kiều Hương xuất hiện và nắm giữ 99%, ông Nguyễn Đức Toàn nắm 1% còn lại. Được biết, bà Hương là một nhân tố quan trọng trong "hệ sinh thái" Xuân Thiện Group khi từng nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng của các thành viên trong tập đoàn này.
Chứng khoán Xuân Thiện "ra đời"
Trong ĐHĐCĐ năm 2024, Chứng khoán Sen vàng đã được thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng hình thức phát hành riêng lẻ 500 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Nếu phát hành thành công, doanh nghiệp sẽ tăng vốn điều lệ lên mức 5.135 tỷ đồng.
Vốn huy động được sử dụng sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn cho vay giao dịch chứng khoán ký quỹ, nâng cao năng lực tài chính, đầu tư hạ tầng công nghệ, bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động tự doanh bao gồm nhưng không giới hạn bởi các chứng khoán vốn, chứng khoán nợ, chứng quyền và các tài sản tài chính khác, thực hiện cung cấp các dịch vụ tài chính chứng khoán theo quy định. Thời gian thực hiện dự kiến là nửa cuối năm 2024.
Ngay sau đại hội, Chứng khoán Sen Vàng đã bổ nhiệm ông Trần Thành Nam là Tổng giám đốc thay ông Chu Tuấn An.
Công ty đã được cấp phép nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tư vấn đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán. Tuy nhiên, doanh nghiệp chỉ còn nghiệp vụ môi giới và tư vấn đầu tư, mất kết nối với 2 sở giao dịch và đang trong diện kiểm soát.
Do vậy, ban lãnh đạo Chứng khoán Sen Vàng cho biết sẽ tập trung vào việc ra khỏi diện kiểm soát, khôi phục các nghiệp vụ và kết nối với 2 sở.
Đáng chú ý, nhóm chủ mới tiếp tục thể hiện rõ tham vọng khi muốn đổi tên Sen Vàng thành Công ty Cổ phần Chứng khoán Xuân Thiện.
Năm 2024, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu 5,1 tỷ đồng và mục tiêu lãi trước thuế gần 91 triệu đồng, lần lượt giảm 32% và 90% so với năm 2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận