Loạt công ty chứng khoán phát hành cổ phiếu
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thông báo cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (VND).
Theo đó, VNDirect sẽ phát hành hơn 304,4 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp.
Trong số này, VND sẽ chào bán 243,57 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 20%) với giá dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, công ty cũng sẽ phát hành gần 61 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 5% cho cổ đông hiện hữu.
Ngoài phương án trên, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của VNDirect còn thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ gần 244 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, đồng thời có kế hoạch chào bán hơn 24 triệu cổ phiếu ESOP và phát hành hơn 12 triệu cổ phiếu thưởng cho người lao động.
Nếu hoàn tất toàn bộ các kế hoạch, VND sẽ phát hành thêm tổng cộng gần 585 triệu cổ phiếu mới, qua đó đẩy vốn điều lệ của VNDirect từ 12.178 tỷ đồng lên trên mức 18.000 tỷ đồng.
Động thái tăng vốn lần này của VNDirect diễn ra trong bối cảnh hàng loạt các công ty chứng khoán đẩy mạnh phát hành tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng nhu cầu thanh khoản.
Một "ông lớn" khác là Chứng khoán SSI cũng đã thông qua phương án phát hành 453,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu (tối đa 302,2 triệu cổ phiếu) và chào bán cho cổ đông hiện hữu (tối đa 151,1 triệu cổ phiếu). Dự kiến, vốn điều lệ của SSI sẽ tăng từ mức 15.111 tỷ đồng lên gần 19.645 tỷ đồng.
Không chỉ vậy, Chứng khoán Rồng Việt cũng sẽ phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ gần 54,3%, lên 3.240 tỷ đồng.
Tương tự, Chứng khoán Vietcap (VCI) đã thông qua 3 phương án tăng vốn điều lệ, từ 4.375 tỷ đồng lên gần 7.200 tỷ đồng.
Doanh nghiệp dự kiến phát hành 4,4 triệu cổ phiếu ESOP với giá 12.000 đồng/cp, tương ứng thu về gần 53 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và giảm nợ vay. Ngoài ra, VCI sẽ phát hành 132,57 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo tỷ lệ 30%; chào bán riêng lẻ gần 144 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có năng lực tài chính, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Về phía mình, Chứng khoán ACB (ACBS) cũng nhận được sự chấp thuận của UBCKNN và Bộ Tài chính về kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 3.000 tỷ đồng, lên 7.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, danh sách tăng vốn trong ngành này đang ngày càng kéo dài với sự xuất hiện của nhiều công ty chứng khoán khác như: FPTS, MBS, VFS, TVS…
Đua thị phần, đón đầu dòng tiền
Về bản chất, việc tăng vốn của các công ty chứng khoán chính là yếu tố sống còn. Kinh doanh chứng khoán là ngành đặc thù, một số hoạt động phụ thuộc vào quy mô vốn điều lệ như cho vay giao dịch ký quỹ, đầu tư…
Theo quy định, để đảm bảo an toàn tài chính, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu; Tổng mức cho vay giao dịch ký quỹ với một khách hàng không được vượt quá 3% vốn chủ sở hữu; Tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ với một loại chứng khoán không được vượt quá 10% vốn chủ sở hữu…
Không chỉ vậy, thị trường sắp tới cũng sẽ hướng đến 2 cột mốc, đó là hệ thống KRX đi vào vận hành và nâng hạng.
Bối cảnh mới, thách thức mới buộc các công ty chứng khoán vào thế phải tăng vốn để đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng sức cạnh tranh, tránh "hụt hơi" về thị phần.
Trên thực tế, việc không có đủ vốn, kế hoạch tăng vốn bị chậm, trong bối cảnh ngân hàng cắt hạn mức tín dụng là lý do khiến thị phần môi giới khách hàng cá nhân của một số công ty chứng khoán trong những năm qua suy giảm.
VisRating cho biết, UBCKNN hiện đã cấm các công ty chứng khoán huy động tiền từ khách hàng, vì vậy một số doanh nghiệp sẽ cần tìm kiếm nguồn vốn thị trường để hỗ trợ hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các công ty không có mối liên kết chặt chẽ với ngân hàng.
Các công ty chứng khoán phân phối trái phiếu có nhiều cam kết mua lại trái phiếu sẽ dễ bị tổn thương hơn khi thanh khoản bị thắt chặt.
Đặc biệt, vấn đề "pre-funding" sẽ là yếu tố then chốt quyết định công ty chứng khoán nào có thể đón đầu được sóng nâng hạng với hàng tỷ USD vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc khối phụ trách luật và kiểm soát tuân thủ của Chứng khoán SSI, việc giải quyết vấn đề ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) cũng tạo áp lực về vốn với các công ty chứng khoán.
Được biết, nghiệp vụ "pre-funding" đòi hỏi vốn rất lớn, vì mỗi giao dịch của khối ngoại có thể lên đến vài trăm triệu USD.
"Trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về công ty chứng khoán, do đó, tất yếu các công ty này phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán. Đây cũng là lý do đa số các công ty chứng khoán đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho cuộc chơi nâng hạng", ông Hải chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận