Hạ tầng

BOT Đèo Cả Khánh Hòa đề xuất giải pháp chống hằn lún mặt đường

12/05/2015, 07:24

Nhà đầu tư đề xuất giải pháp thi công BTN lớp trên (C12.5) kết hợp sử dụng phụ gia ngay tại trạm sản xuất...

161
Nguồn vật liệu đầu vào, thiết bị thi công,… trong quá trình sản xuất BTN của dự án được kiểm soát rất chặt chẽ

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng cho dự án mở rộng QL1 đoạn Km 1374+525 - Km 1392+00 và đoạn Km1405 - Km1425 qua địa phận tỉnh Khánh Hoà, nhà đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa đề xuất giải pháp thi công bê tông nhựa (BTN) lớp trên (C12.5) kết hợp sử dụng phụ gia ngay tại trạm sản xuất nhằm ngăn chặn từ xa tình trạng hằn lún mặt đường.

Mới vào mùa nóng, nhiệt độ mặt đường đã lên đến 60 độC

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Phúc Tự, TGĐ Công ty CP BOT Đèo Cả Khánh Hòa cho biết, nhà đầu tư thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để hoàn thành công trình trước 31/7/2015, vượt tiến độ hai tháng so với yêu cầu của Bộ GTVT. Hiện nay, những hạng mục chính của công trình như nền đường, cầu trên tuyến đã được hoàn thành toàn bộ, các nhà thầu đang tập trung thảm BTN hai lớp trên toàn tuyến. “Để đảm bảo chất lượng mặt đường cho công trình, chúng tôi và TVGS đã kiểm soát rất chặt chẽ chất lượng nguồn vật liệu đầu vào, thiết bị thi công trong quá trình sản xuất BTN phục vụ thi công”, ông Tự nói.

Theo ông Tự, từ tháng 1, các nhà thầu của dự án đã tiến hành rải thử nghiệm các loại BTN R19, C19, C12.5. Qua kết quả thí nghiệm, các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt yêu cầu và đến tháng 2, các nhà thầu đã bắt đầu thi công đại trà trên toàn tuyến. “Đến nay, sau bốn tháng thi công, toàn bộ mặt đường chưa có vị trí nào bị bong tróc, nứt vỡ nhưng khi theo dõi nhiệt độ trong lớp BTN mới đầu mùa nóng, có ngày trong lớp BTN C12.5 đã lên đến 60 độC (ngày 22/4)”, ông Tự cho biết.

Tình trạng này khiến lãnh đạo nhà đầu tư lo ngại cho lớp BTN, nhất là ở lớp trên C12.5, vì đây là khu vực có thời tiết nắng nóng kéo dài (từ tháng 1 đến tháng 8) với nhiệt độ cao từ 35 - 40 độC. Đồng thời, cốt liệu đá cho BTN có tính hút nhựa kém và phải dùng thêm phụ gia tăng độ dính bám (Wetfix BE) làm nhiệt độ mềm hóa của nhựa giảm xuống, độ kim lún tăng lên. Ngoài ra, ông Tự cho biết thêm, do yêu cầu của dự án, trong quá trình thi công phải thông xe một bên tuyến để đảm bảo giao thông làm xe chạy theo vệt, trùng phục nhiều lần trên lớp BTN mới rải trong điều kiện nhiệt độ môi trường cao với những ngày đỉnh điểm của mùa nắng nóng, có thể nhiều ngày sẽ trên 600C nên khả năng chống vệt hằn của BTN suy giảm rất nhiều.

“Để giải quyết hiện tượng này cần phải có giải pháp xử lý tăng chất lượng BTN để chịu được nhiệt độ trên 60 độ C”, ông Tự cho hay.

Giải pháp tối ưu

Tại cuộc họp chiều qua (11/5), sau khi phân tích các phương án thi công lớp BTN C12.5 cho công trình, TS. Nguyễn Quang Phúc, Phó trưởng khoa Công trình (Đại học GTVT) đề xuất 6 giải pháp xử lý để tăng chất lượng BTN chịu được nhiệt độ trên 60 độ C cho dự án nâng cấp, mở rộng QL1 qua Khánh Hoà, gồm: giữ nguyên lớp BTN C12.5 sử dụng nhựa thông thường 60/70; sử dụng lớp BTN C19 lên trên; sử dụng nhựa 40/50; sử dụng nhựa polymer, sử dụng SBS, PG cao su quấy tại trạm trộn; sử dụng BTN C12.5 có phụ gia ngay tại trạm sản xuất BTN.

Đánh giá về ưu, nhược điểm của từng phương án, các chuyên gia hàng đầu về BTN trong và ngoài nước đều có chung nhận định, sử dụng BTN C12.5 kết hợp với phụ gia ngay tại trạm trộn khi sản xuất BTN là giải pháp tối ưu để vừa đảm bảo chất lượng công trình, vừa tiết kiệm được kinh phí cho dự án.

“Ở Nhật Bản, các tuyến đường bị hằn lún xuất hiện từ những năm 1975. Tại thời điểm đó, do chưa có các loại phụ gia như SBS, TPP,… nên các nhà thầu Nhật Bản phải áp dụng giải pháp sử dụng nhựa đường polymer để thi công. Tuy nhiên, đây là giải pháp rất tốn kém, làm tăng chi phí của công trình do nhựa polymer có giá thành rất cao. Tôi cho rằng, đối với dự án này, việc sử dụng BTN C12.5 kết hợp với phụ gia ngay tại trạm trộn là phương án phù hợp nhất”, ông Nakatoshi, chuyên gia về BTN của Nhật Bản nhận xét.

Thống nhất với các ý kiến của nhiều chuyên gia tại cuộc họp, ông Trần Phúc Tự đã đề xuất lựa chọn giải pháp này để tiến hành thực nghiệm trong phòng thí nghiệm và hiện trường để xây dựng quy trình thi công, kiểm tra và nghiệm thu cho dự án QL1 đoạn Km 1374+525 - Km 1392+00 và đoạn Km 1405 - Km 1425 qua địa phận tỉnh Khánh Hòa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.