Quản lý

BOT giao thông trước nguy cơ vỡ nợ: Nhà đầu tư khóc ròng

22/08/2020, 06:32

Nhà đầu tư đã có nhiều kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, tuy nhiên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

img
Dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả đang phải đối mặt với gánh nặng lớn về tài chính

Hai doanh nghiệp lớn nhất nước trong lĩnh vực đầu tư, thi công dự án hạ tầng giao thông là Tập đoàn Đèo Cả và Tập đoàn CIENCO4 đang gặp rất nhiều vướng mắc khi doanh thu của hai dự án BOT hầm Đèo Cả và Thái Nguyên - Chợ Mới không đảm bảo.

Cam kết góp vốn rồi lại tịch thu

Từ dự án được đánh giá là hình mẫu của hợp tác công tư PPP về tiến độ, chất lượng, giá thành, đến nay, BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả đang phải đối mặt với gánh nặng lớn về tài chính do sự thay đổi cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước.

Ông Phan Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả (nhà đầu tư) cho biết, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng khó khăn tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả do quá trình triển khai dự án phát sinh nhiều vướng mắc kéo dài và bất cập từ phía Nhà nước.

“Nhà đầu tư đã có nhiều kiến nghị và làm việc với các bộ, ngành, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Điều này dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn, nguồn thu không đảm bảo kinh phí duy trì hoạt động tại các trạm thu phí, không có chi phí trả nợ ngân hàng, nguy cơ ngân hàng dừng giải ngân, hạng mục hầm Hải Vân 2 có thể không hoàn thành đúng tiến độ yêu cầu trong năm 2020”, ông Thắng cho biết.

Theo hợp đồng ký kết, dự án BOT hầm đường bộ qua Đèo Cả gồm 4 công trình: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân với tổng mức đầu tư khoảng 26.154 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia vào dự án là 5.048 tỷ đồng, còn lại 21.106 tỷ đồng là vốn huy động của nhà đầu tư. Đồng thời, tại Văn bản 70 ngày 12/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bố trí 7 trạm thu phí hoàn vốn cho dự án gồm: An Dân (Bàn Thạch), Đèo Cả, Ninh Lộc (Ninh An), Cù Mông, Nam Hải Vân, La Sơn - Túy Loan và Bắc Hải Vân.

Thông tin về phần vốn góp của Nhà nước (5.048 tỷ đồng), ông Thắng cho biết, ngoài 90 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước đã giải ngân trước năm 2013 để phục vụ công tác GPMB, tại Nghị quyết 65 ngày 28/11/2013, Quốc hội đã đồng ý hỗ trợ 4.958 tỷ đồng vốn TPCP cho dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Sau khi thanh toán chi phí GPMB, tái định cư, kinh phí đầu tư hầm Cổ Mã và đường dẫn, phần vốn Nhà nước còn lại 1.180 tỷ đồng. Trên cơ sở Nghị quyết 99/2015 của Quốc hội, ngày 23/1/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản đồng ý sử dụng nguồn kinh phí còn lại (1.180 tỷ đồng) để hỗ trợ dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả.

Tuy nhiên, đến ngày 30/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 439, trong đó quyết định thu hồi 1.180 tỷ đồng này.

Theo ông Thắng, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý, nhưng đến nay, dự án vẫn chưa được bố trí giải ngân 1.180 tỷ đồng dẫn đến việc thiếu hụt nguồn vốn cho dự án.

“Quá trình giải quyết kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu quả sử dụng vốn, phát sinh lãi vay tín dụng (125 tỷ đồng/năm) khi phải huy động nguồn vốn vay để thực hiện dự án”, ông Thắng chia sẻ và cho biết thêm, phương án tài chính của dự án BOT hầm Đèo Cả còn đang đối mặt với nhiều khó khăn khi trạm La Sơn - Túy Loan vẫn bị “treo” do vướng Nghị quyết 437/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án không được tăng phí theo lộ trình...

Kiến nghị Nhà nước thực thi cam kết

Để tháo gỡ vướng mắc cho dự án hầm Đèo Cả, trong văn bản vừa gửi đến Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, Công ty CP Đầu tư Đèo Cả kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ: KH&ĐT, GTVT, Tài chính sớm bố trí 1.180 tỷ đồng vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án từ nguồn đầu tư giai đoạn 2020, 2021 - 2025 nhằm đảm bảo nguồn vốn của dự án.

Nhà đầu tư cũng nêu rõ, trong điều kiện nguồn vốn Nhà nước còn khó khăn, chưa thể cân đối, kiến nghị Quốc hội và Chính phủ chỉ đạo cơ quan liên quan thực hiện đúng cam kết đã ký với nhà đầu tư, trong đó có việc tiếp tục thực hiện việc thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan để hoàn vốn cho dự án hầm Đèo Cả theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại Văn bản số 70 ngày 12/01/2016.

Một doanh nghiệp lớn khác trong lĩnh vực đầu tư, thi công hạ tầng giao thông là Tập đoàn CIENCO4 cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn khi Nhà nước chưa thực thi các cam kết, chính sách tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75 - Km100. Theo hợp đồng được ký kết ngày 22/7/2015, dự án có tổng mức đầu tư 2.713 tỷ đồng, nhà đầu tư được đặt hai trạm thu phí để hoàn vốn tại Km 72+930 tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và trạm Km 77+922,5 QL3.

Tuy nhiên, từ khi hoàn thành và đi vào khai thác (tháng 5/2017) đến nay, dự án mới chỉ được chấp thuận cho phép thu phí tại trạm Km 72+930 tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới từ ngày 25/1/2018.

Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty BOT Thái Nguyên - Chợ Mới cho biết, việc mới chỉ được thu phí tại một trạm đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến phương án tài chính của dự án. “Bình quân mỗi tháng hiện nay doanh thu dự án chỉ đạt khoảng 2 tỷ đồng, mỗi ngày thu được khoảng 60 triệu đồng, chỉ bằng 10% so với doanh thu trong phương án tài chính của hợp đồng BOT. Hàng tháng, nhà đầu tư phải bù lỗ khoảng 18 tỷ đồng để trả lãi cho ngân hàng”, ông Thanh nói.

Để giải quyết vướng mắc tại dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, vừa qua, nhà đầu tư dự án đã có văn bản kiến nghị xử lý theo hai phương án. Thứ nhất, cho phép doanh nghiệp dự án tổ chức thu phí tại trạm Km 77+922,5 QL3. Thứ hai, Nhà nước trưng mua lại toàn bộ dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km75-Km100 theo giá trị tài sản đã đầu tư.

Ngân hàng sợ làm BOT giao thông

Phát biểu tại buổi làm việc giữa Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng với Bộ GTVT mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tại nước ngoài, các ngân hàng, tổ chức tín dụng tranh nhau làm BOT vì mọi thứ đều rất rõ ràng. Còn ở Việt Nam thời gian qua, khi nói đến các dự án BOT, ngân hàng nào cũng sợ.

“Trước đây, các ngân hàng rất hồ hởi làm BOT, giờ thì họ sợ. Lý do là chúng ta đang vướng cơ chế, chính sách, rồi vướng nhiều vấn đề”, ông Tú nói.

Theo ông Tú, Bộ GTVT và Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản kiến nghị Chính phủ giải quyết vướng mắc của các dự án BOT giao thông để có thể thu hút được nguồn vốn xã hội hóa, vốn tài trợ của ngân hàng vào các dự án trong thời gian tới. Luật PPP vừa ra đời, nhu cầu vốn xã hội hóa rất cần thiết nhưng chắc chắn sẽ vẫn tắc do chính sách về giá, phí không nhất quán.

“Chúng ta cũng cần quy định ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, không thể để tình trạng trước khi làm dự án thì địa phương hồ hởi, lúc xong rồi thì đòi xả trạm, rồi chuyển trạm đi chỗ khác”, ông Tú nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.