Phương tiện không người lái ngày càng hiện đại, thông minh và rẻ hơn |
Vụ việc máy bay không người lái (UAV) Ấn Độ rơi ở Động Lãm/Doklam - khu vực biên giới tranh chấp chủ quyền giữa nước này và Trung Quốc không chỉ bộc lộ sự nhạy cảm chính trị giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới mà còn cho thấy, UAV đã được sử dụng ngày càng nhiều trong cả mục đích quân sự và thương mại. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, năm 2018 mới là thời kỳ nở rộ sử dụng UAV.
Được sử dụng rộng rãi từ lâu…
Phương tiện không người lái, thường được gọi tắt là UAV hay UAS, đã và đang được sử dụng hơn 100 năm nay. Nó là máy bay loại nhỏ, có động cơ nhưng không có bảng điều khiển.
Lần đầu tiên phương tiện này được đưa vào sử dụng số lượng lớn là năm 1944 khi Đức đưa số lượng lớn bom bay V-1 mang theo bom vào đất liền tại Anh. Hiện nay, máy bay không người lái đang được sử dụng rộng rãi hơn bao giờ hết trong lực lượng vũ trang và các cơ quan tình báo châu Á như cơ quan RAW của Ấn Độ.
Ngoài ra, UAV còn được sử dụng rộng rãi hơn trong lĩnh vực dân sự, thương mại,… kể cả phục vụ thú vui cá nhân với giá rẻ, một chiếc UAV DJI Phantom 4 có giá khoảng 2.000 USD (hơn 45 triệu VND). Chưa kể, máy bay không người lái còn được sử dụng vào mục đích nhân đạo.
Điển hình, trong vụ động đất Christchurch năm 2011, làm rung chuyển một khu vực rộng lớn đảo Nam New Zealand và phá hủy con đường ven biển tới Kaikoura gây khó khăn cho việc đi lại, di chuyển, UAV đã được dùng để quay lại các khu vực chưa được đánh giá tình hình, thông báo cho các đội cứu hộ về nơi có người bị mắc kẹt, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động cứu nạn.
Bùng nổ trong năm nay
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhận định 2018 mới là năm phương tiện không người lái thực sự bùng nổ. Ông Malek Murison đến từ Tạp chí Drone Life cho biết, lúc này chưa thể xác định con số tăng trưởng cụ thể. Tuy nhiên, có hai yếu tố chính dẫn tới việc sử dụng UAV sẽ tăng đáng kể trong năm nay.
Trước hết, đó là xu hướng phương tiện không người lái hiện nay ngày càng thông minh, an toàn, rẻ hơn. Yếu tố thứ hai và quan trọng hơn cả, đó là giới chức quản lý đã và đang bắt kịp với công nghệ sản xuất, quản lý UAV.
Từ năm 2017, Anh, Trung Quốc và nhiều nước khác đều đã công bố các quy định quản lý, sở hữu, sử dụng… máy bay không người lái một cách linh hoạt và dễ thực thi hơn. Do đó, nhiều nhà quan sát dự đoán, việc áp dụng quy định vào quản lý việc mua bán, sử dụng UAV sẽ không khiến thị trường này chậm đi, ngược lại càng tạo điều kiện để đưa công nghệ mới này tới người mua.
Năm 2016 và 2017, thị trường UAV vẫn rất bấp bênh khi giới chức trên thế giới chưa có quy định quản lý rõ ràng.
Ở thời điểm này, các nhà sản xuất có uy tín vẫn “án binh” theo dõi thị trường và chờ đợi thời cơ để hoạt động. Một số nhà sản xuất công nghệ như Panasonic, Boeing và Ges đã dành 2 năm vừa qua để xem xét lại cách tiếp cận, thu hút các kỹ sư, nhà thiết kế hàng đầu từ các các công ty sản xuất máy bay không người lái hiện tại bao gồm DJI để chờ “thiên thời, địa lợi” mà bùng nổ.
Những tân binh trong ngành chế tạo và phân phối UAV sẽ ồ ạt tiến vào thị trường trong năm 2018. Khi đó, nguồn lực khổng lồ mà các tập đoàn này mang lại, cùng với quy mô kinh tế sẽ cho người ta thấy phương tiện không người lái có thể phát triển đến mức nào và thị trường UAV hiện nay hóa ra vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
Thực chất, con số khoảng 5 triệu máy bay không người lái được bán vào năm 2017 nghe có vẻ lớn nhưng so với doanh số của các thiết bị công nghệ khác như 80 triệu ô tô, 200 triệu tivi LCD và 1,5 tỉ điện thoại được bán ra cùng năm vẫn còn rất nhỏ bé.
Mặc dù đã có không ít cảnh báo về những mặt tiêu cực khi sử dụng máy bay không người lái như vi phạm quyền riêng tư, gây mất an toàn máy bay thương mại nhưng nếu dùng đúng cách công nghệ này mang lại rất nhiều lợi ích.
Chẳng hạn, với UAV, hoạt động rà phá bom mìn sẽ an toàn hơn và cứu thêm nhiều mạng sống. Công việc cứu trợ thảm họa được cải thiện khi máy bay không người lái sẽ giúp vận chuyển nhu yếu phẩm, lương thực tới các khu vực con người không thể tiếp cận.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận