Xe 4 chỗ không lắp mào taxi ngang nhiên gom khách khắp TP Hà Nội về Yên Bái |
Chung xe, chia tiền
Ngày 20/12/2018, trong vai hành khách có nhu cầu đi xe chung từ Hà Nội về TP Yên Bái vào sáng hôm sau, PV Báo Giao thông đã đăng bài tìm xe trên trang Facebook “Xe đi chung Yên Bái - Hà Nội và các tỉnh”. Chừng 30 phút sau, một tài khoản Facebook tên “Taxi Linh” liên lạc với PV qua tin nhắn facebook với nội dung có xe về TP Yên Bái. “Xe anh 5 chỗ, hiện đã có 2 mẹ con và 1 em bé, vẫn còn thừa 2 ghế thoải mái em ạ. Giá xe đi chung là 200 nghìn đồng/người”, tài xế niềm nở nhắn qua Facebook và để lại số điện thoại 0982.487929 để tiện liên lạc.
"Về lâu dài, các xe trên 4 chỗ nên có quy định phải lắp thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng tiện theo dõi. Với các trường hợp đăng ký xe gia đình nhưng ngày nào cũng chỉ đi tuyến giống nhau, gom khách ở nhiều nơi... thì tổ chức theo dõi, kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, cần cảnh báo hành khách tự ý tìm xe trên mạng xã hội để di chuyển có thể gặp phải tình huống mất mát, tai nạn, thậm chí bị cướp tài sản, hiếp dâm hay sát hại… bởi không biết tài xế là người ở đâu, thân nhân ra sao." Ông Nguyễn Quang Bình |
Đúng 10h sáng 21/12/2018, chiếc xe ôtô 4 chỗ màu bạc BKS 21A-047.76 có mặt tại khu vực gần công viên Hòa Bình (đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội) đón PV. Trên xe lúc này đã có 1 hành khách nữ ngồi ghế trước và 2 mẹ con cùng 1 bé 2 tháng tuổi ngồi phía sau. Tài xế cho biết, trước khi đón PV, chiếc xe này đã chạy lòng vòng đón các vị khách trên tại đường Vũ Trọng Phụng và Mỹ Đình 2. Sau khi sắp xếp chỗ ngồi và hành lý ổn thỏa, tài xế cho xe chạy thẳng sang đường Võ Chí Công ra Nội Bài rồi lên cao tốc Nội Bài - Lào Cai về TP Yên Bái.
Suốt chặng đường, lái xe rất vui vẻ, thân thiện và giới thiệu luôn xe ngày nào cũng chở khách trên chặng đường Hà Nội - Yên Bái và ngược lại. “2h sáng mai, xe sẽ tiếp tục chở khách từ TP Yên Bái đi bệnh viện ở Hà Nội, ai có nhu cầu về cứ gọi, sẽ bố trí ghép lại đi xe chung”, tài xế cho hay.
Khoảng 12h hơn, chiếc xe 4 chỗ chở PV và hành khách về tới TP Yên Bái, lại lòng vòng qua các con phố đưa khách về tận nhà. Sau khi chở PV - vị khách cuối trên xe về tới địa chỉ cần đến, tài xế nhận tiền và lắp mào in chữ “Taxi” trở lại để hoạt động như một taxi bình thường ở địa bàn Yên Bái.
Ngày 22/12/2018, cũng với cách thức tương tự trong vai hành khách có nhu cầu về Nam Định, PV Báo Giao thông đăng bài tìm xe trên trang Facebook “Hội đi chung - đi ghép xe Hà Nội - Nam Định” và “Xe tiện chuyến”. Chỉ chừng 5 phút sau, liên tục có những lời mời kết bạn từ các lái xe, tài xế gửi đến PV với các khung giờ di chuyển để PV chọn lựa, giá xe từ khoảng 200 nghìn đồng/người. Cá biệt, có tài xế cho biết tiện chuyến đưa khách lên sân bay Nội Bài nên chiều về chỉ đón khách với giá 120.000 đồng/người, đón tận nơi trả tận nhà.
Kinh doanh trái phép tiềm ẩn đầy rẫy rủi ro
Ông Hán Trọng Bằng, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và du lịch Cường An chuyên tuyến xe khách cố định Tuyên Quang - Hà Nội cho biết, việc xuất hiện loại hình vận tải xe đi chung, xe đi ghép đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp tới hoạt động vận tải của các tuyến xe khách cố định.
“Chỉ cần 1 chiếc xe 4 chỗ và kết nối trên mạng Facebook, các xe cá nhân này đưa đón khách khắp trong nội thành, không mất phí bến bãi, thuế kinh doanh. Giá vé chỉ gấp đôi hoặc thậm chí cao hơn xe khách tuyến cố định một chút, nên hút hết hành khách”, ông Bằng nói.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Thái Nguyên nhìn nhận, loại hình xe đi chung gom khách online này đang có xu hướng phát triển mạnh và rất khó quản lý, do các xe này không có giờ chạy cố định, cung đường cố định, hoạt động như xe gia đình nhưng thực chất có thu tiền và chạy với tần suất liên tục, tức là kinh doanh vận tải nhưng không nộp thuế. Về hướng xử lý, theo ông Vinh, xe kinh doanh thì phải cấp phù hiệu, nếu không sẽ bị phạt lỗi không có phù hiệu. Còn sau đó, cơ quan thuế kiểm tra, nếu kinh doanh không nộp thuế thì bị truy thu thuế.
Ông Nguyễn Quang Bình, Phó Chánh TTGT Yên Bái cho biết, việc xử lý loại hình vận tải này còn gặp nhiều khó khăn do chủ yếu các thông tin tìm xe, tìm khách được đăng trên mạng xã hội, đây là quyền chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên, dù mỗi ngày đều đăng nhưng không biết có khách đi hay không và đi vào lúc nào, ở đâu... để cơ quan chức năng nắm được, tổ chức phát hiện, xử lý. Đây là loại vận tải trá hình nhưng không thường xuyên, liên tục, khách có nhu cầu, có lợi nhuận thì đi, không thì thôi. Đặc biệt, các xe mà cánh tài xế sử dụng chủ yếu là xe riêng, xe gia đình 4 chỗ, không đăng ký kinh doanh nên khó quản lý.
“Thậm chí nếu có kiểm tra mà tài xế và hành khách thống nhất nói là người nhà của nhau, mình không chứng minh được họ nói sai thì cũng không xử lý được. Việc loại hình vận tải này xuất hiện và được người dân ưa chuộng vì thấy tiện lợi đã ảnh hưởng nhiều tới doanh thu của các xe chuyên tuyến”, ông Bình nói và cho biết, để ngăn chặn loại hình vận tải này, Sở GTVT Yên Bái đã cho phép các nhà xe chuyên tuyến sử dụng xe trung chuyển trong khu vực quy định để đưa khách ra bến xe, giúp tiết kiệm chi phí đi xe ôm, taxi ra bến, hạn chế việc hành khách chọn đi xe ghép, xe chung, xe dù trá hình.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận