Một trong những bài báo Những việc cần làm ngay của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trên Báo Nhân Dân năm 1988 |
Ngắn gọn, xúc tích, đi thẳng vào các vấn đề nóng bỏng, 27 bài viết “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã trở thành chuyên mục lớn trên báo Nhân Dân, gây chấn động dư luận thời kỳ đầu đổi mới.
Tác giả những bài viết ở chuyên mục “Những việc cần làm ngay” với bút danh “N.V.L” đăng trên Báo Nhân Dân đến số cuối là ngày 29/9/1990) đã đi xa, nhưng theo nhà báo Bùi Quang Tuấn, nguyên PV Báo Nhân Dân (từ 1978-2011), sức sống bền bỉ của tư tưởng đổi mới, của những bài viết đầy tính chiến đấu và tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vẫn còn nguyên giá trị định hướng và động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Đích thân đến tòa soạn gửi bài
Nhà báo Bùi Quang Tuấn kể, tối 24/5/1987 là phiên trực Ban Biên tập của nhà báo Hữu Thọ (nguyên Trưởng ban Tư tưởng- Văn hóa T.Ư, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, thời điểm đó công tác tại Ban Nông nghiệp), khoảng 17h30, khi mọi người đã về, Tòa soạn chỉ còn ông và Ban Thư ký trực hôm đó, đồng chí thường trực ở cổng 71 Hàng Trống đưa vào một phong thư, nói là của một người đứng tuổi đi xe ô tô Lada màu sữa gửi Ban Biên tập. Tuy không đóng dấu hỏa tốc nhưng do phong bì của Văn phòng Trung ương nên nhà báo Hữu Thọ mở ngay. Trong phong bì có thư và một bài báo viết tay. Bức thư thì ký tên Nguyễn Văn Linh, nói rõ là gửi bài báo, nếu Ban Biên tập thấy được thì đăng. Còn bài báo có đầu đề “Những việc cần làm ngay”, ký tên N.V.L.
"Có đồng chí khuyên tôi nên thôi vì “có bao nhiêu việc cần làm, sao cứ phải hăng hái chống tiêu cực như vậy?” nhưng tôi vẫn cương quyết. Cần đưa các nhân tố mới lên, lấn dần tiêu cực, nhưng đồng thời vẫn phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới có đất sống, giống như ta nhổ cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên được”. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh |
Nhà báo Hữu Thọ nghĩ chắc chắn là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã gửi bài, vì trong Bộ Chính trị lúc đó chỉ có ông là không đi xe Volga theo tiêu chuẩn, chỉ đi xe Lada (tiêu chuẩn của Thứ trưởng hoặc Phó ban của Đảng). Nghĩ là việc rất hệ trọng, cho nên dù được ủy quyền nhưng nhà báo Hữu Thọ vẫn hội ý nhanh với một Phó Tổng Biên tập khác ở trong cơ quan và họ quyết định đăng ngay trong số báo ra ngày hôm sau (25/5/1987), trên trang nhất, đóng khung và cũng là ngày mở đầu chuyên mục “Những việc cần làm ngay”. Bài báo thể hiện quan điểm của tác giả là chống tiêu cực, nhấn mạnh cần chống lại tư tưởng cục bộ, không vì lợi ích quốc gia, nếu giải quyết được việc này sẽ chống được thực tế đầu tư dàn trải.
Hai ngày sau, ngày 26/5/1987, bài báo thứ hai của tác giả N.V.L. nói về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thời điểm đó, nhiều đơn thư tố cáo của công dân gửi đi không có hồi âm nên tác giả N.V.L. đã dùng khái niệm “im lặng đáng sợ” để chỉ nói về sự vô cảm, vô trách nhiệm, phớt lờ ý kiến của nhân dân của một số cán bộ, đảng viên.
“Ngày 21/6/1987, nhân kỷ niệm 62 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tác giả N.V.L lại có bài viết về những vấn đề đang đặt ra với báo chí trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI của Đảng, khẳng định vai trò quan trọng của nhà báo và báo chí trong công cuộc đấu tranh chống tiêu cực”, nhà báo Bùi Quang Tuấn kể và cho rằng những dòng chân tình đó của tác giả N.V.L đã động viên báo chí tích cực đấu tranh giữ gìn kỷ cương phép nước, làm lành mạnh hóa các mối quan hệ xã hội. Đây là môi trường quan trọng để công khai hóa, dân chủ hóa đời sống xã hội nhằm chống tiêu cực thắng lợi, đưa sự nghiệp đổi mới đến thành công.
Người dân phấn khởi vì được nghe sự thật
Theo nhà báo Bùi Quang Tuấn, toàn bộ 27 bài viết “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đều rất ngắn gọn, xúc tích, đi thẳng vào các vấn đề nóng bỏng và được bạn đọc quan tâm, ưa thích. Vấn đề hàng đầu được “Những việc cần làm ngay” đề cập đến là chống tiêu cực. Mỗi bài viết, tác giả N.V.L lại chọn một vấn đề, hiện tượng mang tính thời sự, phê phán các hành vi quan liêu, vô trách nhiệm lãng phí, tham nhũng… đang tồn tại trong xã hội. Tinh thần đó lan tỏa đến các tờ báo khác và cả giới cầm bút. Nhiều sự thật được phơi bày, cái xấu cái ác bị lên án. Người dân phấn khởi vì đã được nói và nghe nói đến sự thật.
“Để hưởng ứng các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Báo Nhân Dân thời kỳ đó đã phát động phong trào tới từng cán bộ, phóng viên, biên tập viên, các ban chuyên môn trong tòa soạn. Những phóng viên theo dõi đơn vị, ngành nếu thấy có vấn đề gì trì trệ, quan liêu như đồng chí Tổng Bí thư nêu phải phản ánh để họ khắc phục ngay. Có thể nói, thời điểm đó, cuộc vận động những việc cần làm ngay thành một phong trào trong toàn xã hội. Trước đó, xã hội trì trệ lâu rồi, vì thế những bài báo của Tổng Bí thư tựa như một cú huých để cả xã hội chuyển động”, nhà báo Bùi Quang Tuấn kể và cho biết, ngoài những bài viết phê phán tệ quan liêu, trì trệ, tiêu cực..., các nhà báo cũng tập trung phản ánh những nơi, những đơn vị có cách làm mới, những nhân tố điển hình. Tuy nhiên, không phải cơ quan, đơn vị nào bị “bêu” gương cũng tích cực tiếp thu, không ít nơi không có động thái, ý kiến gì, cứ im lặng - “một sự im lặng đáng sợ” như Tổng Bí thư từng đánh giá.
Theo nhà báo Bùi Quang Tuấn, bài báo cuối cùng của “Những việc cần làm ngay” ra mắt hôm 28/9/1990, sau gần ba năm rưỡi. Nói về sự kết thúc này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh giải thích: “Bận quá. Vả lại tôi viết để “mồi” cho các nhà báo viết tiếp để đấu tranh kiên quyết, liên tục”. Còn việc ký tên tắt N.V.L, Tổng Bí thư giải thích, ký tên tắt để mọi người tham khảo, thấy đúng thì làm, không bị lệ thuộc vào địa vị người viết. “Hoàn cảnh đất nước vào thời kỳ nào cũng có “những việc cần làm ngay”. Việc học tập và thực hiện cho bằng được tinh thần “nói lên sự thật” và “làm ngay” mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đặt ra gần 30 năm trước là rất cần thiết và cấp bách”, nhà báo Bùi Quang Tuấn chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận