Hai PMU giao thông giải ngân vượt trội
Tổng số vốn kế hoạch năm 2020 được giao lên tới 3.777 tỷ đồng, Ban QLDA Thăng Long là một trong những chủ đầu tư giữ lượng vốn lớn nhất của Bộ GTVT để giải ngân hàng loạt công trình giao thông trọng điểm như: Hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây; cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; nâng cấp QL217 giai đoạn 2, cầu Thịnh Long… Tính đến hết tháng 4/2020, PMU Thăng Long đã giải ngân được 1.200 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch cả năm, vượt gần 8% so với mức bình quân chung của Bộ GTVT (24,6%).
Ông Dương Viết Roãn, Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, hai dự án nâng cấp QL217 (Thanh Hóa) giai đoạn 2 và cầu Thịnh Long vượt sông Ninh Cơ đã hoàn thành trong tháng 4/2020. Trong tháng 5/2020, dự án cầu Sông Chùa trên QL1 sẽ hoàn thành. Còn lại dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đến nay khối lượng thi công đã đạt khoảng 82% và sẽ hoàn thành trong tháng 9/2020.
“Chỉ tính riêng trong tháng 4/2020, chúng tôi đã giải ngân 658 tỷ đồng, lũy kế đến nay giải ngân được 1.200 tỷ đồng, đạt 32% kế hoạch cả năm. Dự kiến trong tháng 5/2020, sẽ giải ngân thêm khoảng 400 tỷ đồng, nâng tỷ lệ giải ngân lên 42%”, ông Roãn nói và thông tin, vốn giải ngân cho công tác GPMB hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây đóng góp lớn vào kết quả giải ngân vừa qua của Ban QLDA Thăng Long.
Cũng theo ông Roãn, công tác đền bù GPMB của hai dự án cao tốc đã chuyển biến tích cực trong tháng 4/2020 khi cao tốc Mai Sơn - QL45 giải phóng được 73% chiều dài tuyến. Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây cũng đã bàn giao khoảng 73% chiều dài tuyến. “Chỉ trong tháng 4/2020, tỉnh Ninh Bình đã giải ngân được 102 tỷ đồng; Đồng Nai giải ngân được 403 tỷ đồng tiền đền bù GPMB”, ông Roãn nói và khẳng định, năm 2020, Ban QLDA Thăng Long phấn đấu hoàn thành giải ngân đạt 100%.
Một chủ đầu tư lớn khác cũng được coi là đầu tàu về giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT là Ban QLDA đường Hồ Chí Minh với tổng số vốn được giao năm 2020 lên tới 3.818 tỷ đồng. Số vốn này tập trung chủ yếu tập ở hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn và Nha Trang - Cam Lâm.
Ông Lâm Văn Hoàng, Giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, tính đến hết tháng 4/2020, đơn vị này giải ngân được 1.310 tỷ đồng, đạt 34% kế hoạch cả năm. “Trong tháng 5/2020, chúng tôi dự kiến giải ngân thêm khoảng 300 tỷ đồng, nâng tỷ lệ giải ngân của đơn vị lên khoảng 43%. Hiện nay, dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu, chuẩn bị triển khai thi công đồng loạt, bình quân mỗi tháng sẽ giải ngân khoảng 200 - 300 tỷ đồng. Đến tháng 6/2020, dự kiến sẽ giải ngân xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, đạt gần 50% kế hoạch cả năm”, ông Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, với dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, sau khi có Công điện của Thủ tướng và các văn bản đốc thúc của Bộ GTVT, công tác GPMB dự án trên địa phận tỉnh Khánh Hòa đã chuyển biến tích cực. “Từ giờ đến cuối năm 2020, chúng tôi sẽ giải ngân toàn bộ số vốn kế hoạch được giao, thậm chí có thể giải ngân vượt kế hoạch”, ông Hoàng nói.
Tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung cả nước
Liên quan đến tình hình giải ngân chung của Bộ GTVT, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư cho biết, đến hết tháng 4/2020, Bộ GTVT giải ngân được 9.208 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm, cao hơn 6,5% so với tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước (18,1%).
“Kết quả giải ngân kế hoạch lũy kế 4 tháng đầu năm cơ bản đang bám sát kế hoạch giải ngân chi tiết do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án lập, đạt khoảng 99,5% kế hoạch giải ngân chi tiết”, ông Huy nói.
Tuy nhiên, ông Huy cũng nhìn nhận, bên cạnh các chủ đầu tư, ban QLDA có kết quả giải ngân vượt kế hoạch như: Tổng cục Đường bộ VN, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 85, Ban QLDA Đường sắt… vẫn còn các chủ đầu tư có kết quả thực hiện kế hoạch đáng quan ngại như: Sở GTVT Kon Tum và Sở GTVT Hòa Bình gần như chưa giải ngân kế hoạch 2020.
Thông tin cụ thể về nhóm các dự án có khối lượng giải ngân lớn, ông Nguyễn Duy Lâm, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, đối với các dự án cao tốc Bắc - Nam, tổng số vốn kế hoạch năm 2020 được giao là 9.595 tỷ đồng, đến hết tháng 4/2020 đã giải ngân được 1.339 tỷ đồng, so với kế hoạch đăng ký đạt 102% (1.339/1.310 tỷ đồng).
Tương tự, 14 dự án giao thông cấp bách sử dụng gói 15.000 tỷ đồng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn kế hoạch được giao năm 2020 là 3.969 tỷ đồng. Đến hết tháng 4/2020, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đã giải ngân 395 tỷ đồng, đạt 10% kế hoạch cả năm.
Bình quân mỗi tháng phải giải ngân 2.000 tỷ đồng
Liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công, tại cuộc họp của Bộ GTVT mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, kết quả giải ngân 4 tháng đầu năm 2020 của Bộ GTVT đạt cao so với bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, phần nhiều vẫn nằm ở hoàn ứng trước kế hoạch (khoảng 5.000 tỷ đồng), hoàn trả quỹ tích lũy trả nợ (khoảng 1.334 tỷ đồng). Trong khi đó, phần giải ngân cho GPMB và các hợp đồng xây lắp chiếm tỷ trọng không lớn trong kết quả giải ngân.
“Theo kế hoạch, trong tháng 5 và tháng 6/2020, bình quân mỗi tháng chúng ta phải giải ngân hơn 2.000 tỷ đồng, do đó các ban quản lý dự án, chủ đầu tư phải quyết liệt hơn nữa, tiến hành rà soát lại các thủ tục, cái gì giải ngân được phải tiến hành làm ngay”, Bộ trưởng yêu cầu.
PMU Đường sắt dự kiến xin bổ sung vốn
Dù kết quả 4 tháng đầu năm chưa cao khi mới giải ngân được 302 tỷ đồng trên 1.797 tỷ đồng (đạt 17%) số vốn kế hoạch được giao, tuy nhiên, Ban QLDA Đường sắt là một trong số ít đơn vị đang dự kiến rà soát để bổ sung thêm vốn giải ngân trong năm 2020.
Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc Ban QLDA Đường sắt nói: “Hiện nay, 3 dự án đường sắt cấp bách đang được đẩy nhanh tiến độ khởi công so với dự kiến. Năm nay, chúng tôi sẽ giải ngân hết nguồn vốn kế hoạch 2020 đã được bố trí và dự kiến sẽ rà soát để xin bổ sung thêm vốn để giải ngân”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận