Từ hôm nay (15/7) 126 tuyến buýt trợ giá trên địa bàn TP hoạt động 100% công suất theo các chỉ tiêu đấu thầu, đặt hàng hoặc các quyết định điều chỉnh đã được Sở GTVT Hà Nội phê duyệt và không thực hiện giãn cách chỗ trên xe.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, các tuyến xe buýt trợ giá đi lại với tần suất tối đa nhanh hơn do được bố trí thêm phương tiện, tăng chuyến lượt so với thời điểm từ hôm qua và trước đó (hoạt động 85% công suất). Khu vực điểm trung chuyển Cầu Giấy thu hút hàng trăm hành khách đứng chờ, song, liên tục có các tuyến xe buýt số 07, 90, 20A, 55, 24, 26, 49, 55 nối tiếp tới để kịp thời đón/ trả khách.
Em Nguyễn Quỳnh Thu - sinh viên Đại học Quốc Gia Hà Nội cho biết: "Từ sáng nay di chuyển xe buýt ở các điểm chờ em và các bạn cùng cảm nhận nhanh và thuận tiện hơn, tần suất các xe buýt qua liên tục, cứ 2 - 3 phút lại có tuyến nối nhau.
Sinh viên sau khi tan học chờ các tuyến xe để trở về nơi sinh sống
Lái xe buýt dừng tại điểm chờ tiếp nhận tối đa lượng hành khách lên xe
Trên các tuyến đường, khu vực bến xe hoạt động của xe buýt trở nên nhộn nhịp hơn, trong ảnh là dòng xe buýt nối dài đón khách.
Quan sát của PV cho thấy, mặc dù hoạt động với 100% công suất nhưng trong hành trình di chuyển của lái xe loại hình xe buýt có trợ giá quá mệt mỏi khi phải lưu thông qua những cung đường ùn tắc, giao thông hỗn hợp. Trong ảnh trên đường Cầu Giấy tuyến buýt số 32 có tới 2 xe đi liền nhau.
Bên trong BX. Mỹ Đình một lượng lớn hành khách đứng chờ xe buýt với tâm trạng phấn khởi khi việc đi lại của mình từ hôm nay sẽ thuận lợi hơn.
Trên các tuyến buýt đều chật kín hành khách nhưng đa phần là sinh viên
Lái xe tuyến buýt số 22B lộ trình BX. Mỹ Đình - KĐT Kiến Hưng cho biết: Hôm nay ngày đầu xe buýt hoạt động với 100% công suất số lượng xe hoạt động dày hơn, lượng hành khách đi lại đông và thuận tiện hơn, không phải chờ đợi như trước.
Hành khách đi xe buýt được thư thả dùng điện thoại dù bên dưới đường giao thông đang chật cứng phương tiện, ùn tắc kéo dài
Điểm chung của các tuyến xe buýt trong giờ cao điểm đều đông đúc hành khách sử dụng
Ngồi trên xe buýt PV và nhiều hành khách cảm nhận rõ cảnh tắc đường của Hà Nội trong giờ cao điểm. Từ lộ trình BX. Mỹ Đình đi khoảng 2,5km xuống điểm dừng hành khách mất tới 30 phút do đường ùn tắc. Trong khi cũng hành trình này bằng xe cá nhân lại chỉ mất 20 phút. Theo các chuyên gia giao thông đô thị: Đây là lý do dù đổi mới phương tiện, điều chỉnh cung cách dịch vụ theo hướng văn minh, lịch sự hơn, xe buýt Hà Nội vẫn chưa thu hút người dân bỏ phương tiện cá nhân.
Ông Đào Việt Long - Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng tăng cường công tác kiểm tra giám sát chất lượng dịch vụ trên tuyến, chất lượng phương tiện đưa vào khai thác vận hành, xe xuất bến theo đúng thời gian đã được phê duyệt và nhu cầu đi lại của hành khách. Đồng thời đề xuất phương án vận hành tuyến cho phù hợp; kiểm tra, xử lý theo quy định đối với đơn vị không đủ về phương tiện và người lái trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận