Cả hành trình toàn ghế trống
Sau thời gian dài tạm ngưng hoạt động vì dịch Covid-19, giữa tháng 11/2021, Đà Nẵng cho phép mở lại một số tuyến xe buýt nội thành.
Thế nhưng, gần nửa năm qua, buýt trợ giá Đà Nẵng thường xuyên trong tình trạng “đói” khách. Có xe đi hết hành trình vẫn còn 80% ghế trống.
Buýt trợ giá Đà Nẵng thưa thớt khách mỗi chuyến
Gần trưa 18/5, PV Báo Giao thông lên chuyến xe buýt tuyến R4A có hành trình đi từ Cảng Sông Hàn đến xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang). Xuất phát từ bến đến hết đường Đống Đa, trên xe vẫn chỉ có 3 người là tài xế, phụ xe và PV.
Mãi đến đầu đường Ông Ích Khiêm mới có thêm một khách lên xe. Xe chạy qua khắp các tuyến đường trung tâm thành phố, qua các khu dân cư đông đúc, chợ Cồn… Trên hành trình xe chạy có nhiều điểm dừng nhưng… vắng bóng người chờ. Suốt lộ trình dài hàng chục cây số, trên xe chỉ vỏn vẹn 5 hành khách.
Cũng thời điểm này, chiếc xe buýt tuyến R6A với lộ trình Bến xe trung tâm đi Khu du lịch Non Nước sau chặng đường dài hơn 10km cũng chỉ có 3 hành khách.
“Đói” khách là tình trạng chung của các tuyến buýt trợ giá ở Đà Nẵng. Theo thống kê, từ khi hoạt động trở lại vào cuối năm 2021 đến nay, mỗi chuyến buýt trợ giá chỉ có 7 - 8 hành khách.
Anh Lê Hồng Phước (trú quận Cẩm Lệ) cho hay, trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, anh thường xuyên đến công ty tại quận Hải Châu bằng xe buýt.
Từ khi xe buýt hoạt động lại đến nay, tâm lý còn e ngại dịch bệnh khiến anh và các đồng nghiệp lựa chọn phương tiện cá nhân để di chuyển.
Chị Vương Thị Xuân (trú quận Thanh Khê) cho biết, việc điều chỉnh thời gian hoạt động mỗi chuyến kéo dài như hiện nay rất bất tiện cho người dân có nhu cầu đi xe buýt.
“Hiện thời gian mỗi chuyến xe cách nhau đến 30 phút là quá dài. Điều này khiến người dân không muốn chờ xe. Các con tôi trước đây đều đi học bằng xe buýt nhưng giờ thời gian chờ mỗi chuyến quá lâu nên tôi chọn cách chở con đi học bằng xe máy cho thuận tiện. Thành phố cần điều chỉnh lại giờ chạy xe 10 phút/chuyến như trước đây để người dân đi lại thuận lợi hơn”, chị Xuân nói.
Theo Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng TP Đà Nẵng (DATRAMAC), hiện mới có 4 tuyến xe buýt trợ giá đang hoạt động gồm: tuyến R4A (Cảng sông Hàn - Hòa Tiến), tuyến R6A (Bến xe trung tâm - Khu du lịch Non Nước), tuyến R16 (Kim Liên - Đại học Việt Hàn), tuyến R17A (cảng sông Hàn - huyện Hòa Vang).
Khung giờ hoạt động từ 6h - 19h hàng ngày. Tần suất hoạt động 30 phút/chuyến với 54 lượt/tuyến/ngày. Tổng số xe chạy trên 4 tuyến này là 26 xe.
Sắp xếp lại các điểm dừng xe buýt
Tìm hiểu của PV, hệ thống xe buýt trợ giá của Đà Nẵng bắt đầu đưa vào khai thác từ năm 2016 với 5 tuyến. Đến tháng 7/2019 tăng thêm 6 tuyến thành 11 tuyến.
Thời gian đầu, để vận động cán bộ công chức sử dụng xe buýt, Sở GTVT Đà Nẵng đã tham mưu UBND thành phố tổ chức khảo sát nhu cầu đi lại tại các trung tâm hành chính, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố để điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt cho phù hợp.
Đồng thời, Sở GTVT phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các buổi tuyên truyền, giới thiệu hệ thống xe buýt có trợ giá của thành phố tại 50 phường, xã và 30 trường học.
Trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hệ thống xe buýt trợ giá Đà Nẵng hút khách, các chuyến gần như hoạt động hết công suất ghế, chỗ đứng. Không chỉ người dân thành phố, khách du lịch cũng chọn buýt trợ giá để di chuyển bởi sự hiện đại, sạch sẽ, văn minh. Thế nhưng, từ sau dịch Covid-19 đến nay, lượng khách giảm đột ngột.
Theo ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Phó giám đốc phụ trách DATRAMAC, trong năm 2022, DATRAMAC đặt mục tiêu cải thiện hạ tầng, công nghệ. “Trong đó, chúng tôi hướng đến việc sắp xếp lại lộ trình và bố trí các điểm dừng, nhà chờ hợp lý, thuận lợi để người dân dễ tiếp cận xe buýt. Đồng thời, tiếp tục vận động cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên sử dụng xe buýt để thay dần xe cá nhân”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, thời gian tới, Đà Nẵng sẽ thí điểm việc cho thuê xe đạp và bố trí một số điểm cho thuê gần các bến, điểm đừng xe buýt để hoàn thiện hệ thống vận tải công cộng. Hy vọng điều này sẽ kéo người dân trở lại với xe buýt.
Từ năm 2016 đến cuối năm 2021, Đà Nẵng có 11 tuyến buýt trợ giá với hơn 100 đầu xe hoạt động. Đầu năm 2022, hợp đồng 5 tuyến buýt đầu tiên giữa Đà Nẵng và Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 hết hạn. UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở GTVT thành phố chuẩn bị công tác đấu thầu lại 5 tuyến buýt này. Dự kiến việc đấu thầu thực hiện vào tháng 11/2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận