Đà Nẵng đang nghiên cứu, bổ sung tuyến xe buýt số 8 ở bến xe phía Nam, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân
Sau khi điều chỉnh, sắp xếp lại hệ thống xe buýt công cộng, các tuyến xe buýt nội thành Đà Nẵng, liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng đã bắt đầu nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên, hiện một số tuyến xe buýt nội thành và liền kề vẫn còn thiếu khớp nối và tính kết nối, khiến người dân chưa thật sự “mặn mà” lựa chọn đi lại bằng xe buýt.
Mới chỉ có 1 tuyến vào nội thành Đà Nẵng
Tháng 11/2020, Đà Nẵng thực hiện cấm các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng vào trung tâm; đồng thời, quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống các tuyến xe buýt nội thành và tiếp tục duy trì các tuyến xe buýt trợ giá. Chỉ trong vòng ba tháng sau, số lượng hành khách đi các tuyến xe buýt nội thành tăng mạnh.
Dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương... khu vực trung tâm Đà Nẵng, giờ không còn cảnh những chiếc xe buýt cũ kỹ, xả khói đen ngòm, lấn làn gây nguy cơ mất ATGT.
Thay vào đó, những chiếc xe buýt trợ giá của Đà Nẵng tăng tần suất hoạt động, phục vụ nhu cầu vận tải khách công cộng. Dù mức giá tăng nhẹ từ đầu năm 2021 (từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/vé/lượt), song nhiều hành khách cho rằng mức giá này chấp nhận được, do phương tiện và chất lượng phục vụ đã được nâng lên rất nhiều so với trước.
Thống kê của Sở GTVT Đà Nẵng, hành khách đi xe buýt đang có xu hướng gia tăng nhanh. Năm 2020, tổng lượt hành khách đi các tuyến xe buýt nội đô Đà Nẵng đạt hơn 2,8 triệu lượt, riêng tháng 11/2020 (thời điểm cấm các xe buýt tuyến Quảng Nam vào nội thị), có đến gần 350 nghìn lượt khách. Trong khoảng ba tháng gần đây, số lượng này đã tăng vọt lên gần 700 nghìn khách.
Tuy nhiên, theo phản ánh của hành khách, mặc dù Đà Nẵng đã tăng thêm số lượng phương tiện cho tuyến xe buýt số 7 từ bến xe phía Nam vào nội thành, song do chỉ 1 tuyến nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Hành khách phải đi nhiều tuyến mới đến được địa điểm cần đến.
Bên cạnh đó, nhiều địa điểm trường học, bệnh viện, nhà ga, bến xe, sân bay… không có tuyến xe buýt đến.
Sẽ bổ sung thêm tuyến
Trước kiến nghị của người dân về việc gia tăng thời gian, lộ trình, số lượng xe buýt để đi từ Tam Kỳ (Quảng Nam) lên các địa phương phía Bắc Đà Nẵng, ông Đặng Nam Sơn, Giám đốc Trung tâm Đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng (Sở GTVT TP Đà Nẵng) cho biết, Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch bổ sung thêm tuyến xe buýt nội thành số 8 tại bến xe phía Nam, cùng với tuyến xe buýt số 7 hiện hữu để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng theo Sở GTVT Đà Nẵng, đơn vị sẽ phối hợp ngành chức năng để tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tổng thể mạng lưới xe buýt nội thành nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả.
Chánh văn phòng Sở GTVT Đà Nẵng Nguyễn Hữu Cường thông tin, đơn vị này đang chỉ đạo Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng phối hợp UBND các quận huyện, phường xã, trường học để phân phối vé xe buýt. Ngoài các điểm bán vé cố định, tăng cường các điểm bán vé lưu động tại các điểm thu hút lớn trên địa bàn thành phố.
Ban quản lý các dự án đầu tư cở sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cũng cho biết, mục tiêu cuối quý II/2021 sẽ hoàn thiện, bàn giao 11 trạm xe buýt cho ngành GTVT vận hành. Trong thời gian này, ngoài Bến xe phía Nam Đà Nẵng, các xe buýt tuyến Quảng Nam sẽ đón trả khách ở Trung tâm hành chính huyện Hòa Vang (tuyến Đại Lộc - Đà Nẵng), đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa...
Cùng bắt nhịp với sự thay đổi ở Đà Nẵng, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam cũng bắt tay vào điều chỉnh, sắp xếp lại các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng.
Theo ông Lê Văn Trí, Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam, ngay sau khi Đà Nẵng cấm các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam - Đà Nẵng vào nội thành, đến nay, Sở đã tiến hành điều chỉnh lại lộ trình 3 tuyến xe buýt liền kề gồm: Tam Kỳ - Đà Nẵng, Quế Sơn - Đà Nẵng, Duy Xuyên - Đà Nẵng.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất điều chỉnh hai tuyến xe buýt liền kề Hội An - Đà Nẵng, Đại Lộc - Đà Nẵng nhằm đảm bảo hoạt động theo đúng quy định. Hiện, Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cũng đang rà soát, nghiên cứu xây dựng lại đề án hoạt động xe buýt giai đoạn 2021 - 2025, tạo điều kiện thuận lợi cho các tuyến xe buýt liền kề hoạt động hiệu quả”, ông Trí thông tin.
Theo lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng, mạng lưới xe buýt của thành phố đang được đầu tư, mở rộng, đáp ứng khoảng 41% diện tích vùng phục vụ của Đà Nẵng. Hiện, vận tải công cộng bằng xe buýt của thành phố gồm 20 tuyến xe buýt, trong đó 5 tuyến buýt liền kề (100 xe); 12 tuyến buýt nội đô (gồm 11 tuyến được thành phố trợ giá và 1 tuyến buýt TMF do quỹ Toyota Mobility Foundation-TMF tài trợ); 2 tuyến buýt du lịch; 1 tuyến buýt liên tỉnh liền kề Đà Nẵng - Huế. Chỉ riêng 12 tuyến xe buýt trợ giá, có mạng lưới hoạt động gần 250km với khoảng gần 800 điểm dừng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận